Xã hội

Gia đình

Tết Trung thu trong ký ức tuổi thơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Háo hức, chờ đợi và tự tay làm các đồ chơi như: đèn ông sao, đuốc thắp sáng…, để phá cỗ đêm trăng rằm đó là những gì mà tuổi thơ tôi và các bạn đã trải qua và luôn xem đó là một dòng ký ức về một thời con nít hồn nhiên, vô tư. Dù đã trưởng thành nhưng trong tâm trí tôi Tết Trung thu bao giờ cũng là một kỷ niệm đẹp, là nơi sẻ chia những cung bậc cảm xúc.

Ảnh minh họa (nguồn Internet)
Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Gần một tháng nữa mới đến Tết Trung thu, thế nhưng trên khắp nẻo đường từ thành thị cho đến vùng quê có rất nhiều cửa hàng tạp hóa đã bắt đầu bày bán đồ chơi, bánh kẹo… phục vụ các em thiếu nhi. Nhìn những bậc phụ huynh chở con đi học ghé qua cửa hàng chọn cho con một món đồ chơi, trong tôi lại ùa về những dòng ký ức của một thời tuổi thơ hồn nhiên gắn với biết bao mùa Tết Trung thu.

Tôi vốn sinh ra ở dải đất miền Trung nhưng tuổi thơ lại gắn bó với vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió. Những ngày chân ướt, chân ráo đặt chân đến huyện Chư Sê làm kinh tế mới lúc ấy cuộc sống của gia đình tôi còn gặp nhiều khó khăn lắm. Ngày ấy cơm còn chưa có ăn thì việc được bố mẹ mua cho món đồ chơi là điều không bao giờ tôi và các bạn cùng trang lứa nghĩ đến. Còn nhớ khoảng thời gian lúc tôi còn là một đứa con nít hay khóc nhè, cứ sau một buổi chiều tan trường cùng với đám bạn nói chuyện về cách làm các vật dụng, đồ chơi gì cho Tết Trung thu sắp đến, ai cũng đưa ra nhiều ý tưởng, nhiều phát minh mới làm cho không khí trong thôn, xóm trở nên náo nhiệt hơn.

Vẫn nhớ mãi những buổi chiều tháng 8 Âm lịch, mặc dù trời mưa to nhưng tôi và đám bạn trong xóm vẫn rủ nhau đi xuống suối chặt những cây tre, cây lồ ô già mang về gót làm đèn ông sao. Để làm một chiếc đèn ông sao hoàn chỉnh tôi và các bạn trong xóm phải vất vả lắm mới hoàn thành được bộ khung, thời ấy vì quán xá không có nên việc có một tờ giấy màu để dán lên chiếc đèn ông là điều quá xa vời. Trong cái khó lại ló cái khôn, con nít trong xóm phải dùng túi ni lông mẹ hay đi mua thức ăn, rửa thật sạch và dán vào những khoảng trống để gió không thể vào làm ngọn nến tắt.

Còn riêng tôi ngoài việc cùng các bạn làm đèn ông sao, tôi còn tự tay sáng tạo nên một cây đuốc dùng để thắp sáng bằng thân cây lồ ô với nguồn nhiên liệu chủ yếu là dầu hỏa. Với nhiều sáng tạo, nhiều sở thích nên bọn con nít tôi ngày ấy cứ làm được một món đồ chơi gì lại tự đặt tên cho nó với nhiều cái tên ngộ nghĩnh đèn đại bàng, đèn siêu nhân, đèn siêu khói... và được cất giữ trong nhà rất cẩn thận để đợi đến đêm trăng rằm cùng bạn bè đi dạo quanh khắp thôn xóm đón Tết Trung thu với câu hát rất quen thuộc “Tết Trung thu rước đèn đi chơi, em rước đèn đi khắp phố phường”.

Tết Trung thu xưa và nay đã có nhiều khác biệt, nhiều trò chơi dân gian trong ngày hội đêm trằng rằm cũng đã thưa dần ít đi. Thói quen làm đèn ông sao, hay các loại đồ chơi dân gian của các em thiếu nhi đã không còn phổ biến như trước đây mà thay vào đó là mỗi đứa trẻ được bố mẹ mua những món đồ chơi đắt tiền với đủ kiểu dáng, mẫu mã đẹp mắt được bày bán sẵn ở cửa hàng. Tết Trung thu xưa và nay đã có nhiều thay đổi và tôi cảm thấy rằng giá trị của cuộc sống bao giờ cũng bắt đầu từ những việc làm giản dị nhất và đó là yếu tố để giúp cho tâm hồn mỗi người cảm thấy hạnh phúc và bình yên hơn.

 Lê Huy Hoàng

Có thể bạn quan tâm