Tết:đi hay về ?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Quan niệm về Tết bây giờ khác nhiều so với trước đây. Nhưng giá trị cốt lõi của Tết thì nhiều nhà, nhiều người vẫn giữ. Đó tình cảm và nghĩa vụ mỗi người lúc Tết đến xuân về với ông bà tổ tiên, gia đình thân thuộc. Tất nhiên tình cảm và trách nhiệm nói trên bây giờ cũng có nhiều thay đổi, tinh thần chung là đã bớt nặng nề, nhiêu khê.
Cuộc sống vận động, biến đổi nên quan niệm về Tết của nhiều người vì vậy cũng biến đổi theo. Quan sát thấy biểu hiện ứng xử với Tết hiện nay chung quy là đi hoặc không đi chơi Tết. Nhiều người với Tết là nghỉ ngơi, thư giãn bằng cách nghe nhạc, đọc sách, xem phim,...bên cạnh hoạt động thăm viếng, chúc mừng người thân quen. Số khác đang ngày phổ biến, lựa chọn đi chơi Tết, thậm chí đi xa, nhiều ngày, đến nơi càng độc, càng lạ, càng ít người đến càng thích.
Hình ảnh ngày tết nguyên đán. Nguồn Internet
Cho nên bây giờ dịp Tết, các công ty du lịch lữ hành “ăn nên làm ra”, sáng kiến tổ chức nhiều tour tuyến hấp dẫn tận Thái Lan, Mã Lai, Hàn Quốc…hay các thành phố lớn, các nơi có nhiều thắng cảnh danh lam trong nước như Sài Gòn, Phú Quốc, Đà Nẵng, Huế,…Trào lưu du lịch biển đảo Việt Nam thời gian gần đây phát triển mạnh mẽ. Chi phí lớn nhưng giá vẫn còn cạnh tranh so với các tour nước ngoài, nước ta có nhiều cảnh đẹp, không trải nghiệm, không tới thì phí, tự do, tuổi trẻ càng có nhiều cơ hội. Tôi đã đôi lần ra đảo, đến nhiều đảo, cả ở Trường Sa- tiền tiêu Tổ quốc thân yêu- thú vị vô cùng, nên khuyến khích các bạn trẻ hãy một lần đến đó. Cam đoan một lần ra đảo, các bạn sẽ còn háo hức có được hơn nhiều lần sau.
Cũng dịp này cách đây mấy năm đi cùng ra thăm và chúc Tết cán bộ, chiến sỹ, nhân dân các đảo vùng biển đảo Tây Nam Tổ quốc, hỏi chuyện, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cho biết, Tết anh không ở nhà. Hỏi vậy chứ đi đâu, vợ con thế nào? Và anh trả lời: lên đường mà đi , vợ con có kế hoạch của vợ con?! Anh có chiếc ô tô Ford cà tàng nhưng bền bỉ, đã nhiều Tết cùng anh rong ruổi chẳng những khắp miền trong nước. Anh Tiến cho rằng đó là cách để anh thỏa chí phiêu lưu, có thêm hiểu biết cuộc sống, hiểu biết Tết ở nhiều vùng miền, làm mà như chơi để có được nhiều clip, bức ảnh đẹp về Tết phục vụ không chỉ cho nghề viết lách. Rõ ràng, tác giả từng đạt giải thưởng Bùi Xuân Phái với 2 tác phẩm “ Đi ngang Hà Nội”và” Đi dọc Hà Nội” này đúng là khác người, đích thị là kẻ thích xê dịch, cả lúc Tết! Nhưng đó là  lựa chọn và anh Tiến có toàn quyền quyết định.
Giờ đây, cái lo vì chiến tranh, vì đói ăn thiếu mặc, vì lạc hậu… đã không còn là điều ghê gớm. Nhưng sự phân hóa giàu nghèo, những bức xúc xã hội như: mê tín dị đoan, hút chích, ăn nhậu quá đà, cướp giật, lãng phí, mất an toàn vệ sinh thực phẩm, tai nạn giao thông…và nhiều thói tật xấu khác là nỗi lo của nhiều gia đình, của cả đất nước. Vậy nên trên bình diện chung, chúng ta mong muốn và phấn đấu có một cái Tết vui tươi, ổn định, an toàn, trật tự.
Nhưng cả khi vật chất chưa đủ đầy, con người ta luôn khao khát bồi bổ tinh thần, tình cảm để đời sống thêm dồi dào, phong phú. Nhu cầu tinh thần là bội số của nhu cầu vật chất, tôi không nhớ rõ người nổi tiếng nào đã nói nói vậy. Và thái độ, tình cảm với Tết chẳng những phản ánh tâm lý của một con người, một vùng quê mà còn với cả dân tộc. Nhiều người trong đó có tôi, thèm cái Tết vừa thân thuộc lại vừa mới mẻ, vừa truyền thống lại cũng vừa hiện đại, tháng Chạp đã chộn rộn trong lòng, muốn về quê ăn Tết là vậy. 
Hành khách về quê ăn Tết. Ảnh: Đức thụy
Tâm trạng đó của nhiều người khác gì xem Tết là quê hương, là khao khát tìm về nơi mình chôn nhau cắt rốn để sum vầy gia đình, sau một năm xa cách lấm láp làm ăn xứ người. Đây là xu hưởng ứng xử thứ hai với Tết, như đã đề cập ở trên. Anh em tôi mỗi người một phương không hẹn mà gặp Tết ở nơi mình sinh ra. Tuyệt nhiên không ai bảo ai nhưng đó là một hẹn ước, một thỏa thuận, một quyết tâm bắt buộc thực hiện. Quê nghèo do chỉ độc canh cây lúa nên thanh niên, thanh nữ quê tôi đi khắp nơi làm ăn sinh sống. Ngày thường chỉ trung niên, người già nhưng Tết đến là ở đâu ùn ùn, gồng gánh, bưng bê kéo về, đông vui, phấn khởi.
Người xa quê về Tết lòng sung sướng, vui mừng vì được gặp lại quê, sống trong quê, gia đình, người thân, bạn bè, sau tháng ngày xa cách. Chương trình Tết của họ tất nhiên là phong phú: thăm viếng mồ mả, cúng gia tiên, gần gũi chăm sóc ông bà, cha mẹ, thăm viếng bà con, xóm giềng thân thuộc, tham gia các trò vui mà nơi xa không có ... 
“Ngày vui ngắn chẳng tày gang”, sau mấy ngày Tết, họ lại bịn rịn xa quê, cụ bị đồ đạc tất bật tàu xe lên đường trở lại nơi làm việc cũ. Ngày về, ngày đi của họ cứ thế, lặp đi lặp lại chu kỳ, không chú ý thì chẳng có gì để nói nhưng lưu tâm một chút lại thấy xốn xang, cảm động, thương quý vô cùng tình cảm người quê với quê!  
Hình ảnh Tết xưa khiến ai cũng nao lòng. Ảnh: Nguồn internet
Tình cảm với quê hương, gia đình sâu đậm như vậy nên không có gì lạ, mới chớm tháng Chạp là nhiều người đã trù liệu về quê. Tết với quê hương dường như là “văn hóa bất biến” của nhiều nước phương Đông, trong đó có Việt Nam. Cùng với khung cảnh dân ta từ thành thị nô nức về quê ăn Tết, thì đồng thời một cuộc di chuyển lớn nhất thế giới lúc xuân về ở nước láng giềng Trung Quốc với tên gọi “ xuân vận”. Cảnh tượng mấy trăm triệu người dân Trung Quốc chen chúc nhau ở bến ga, bến tàu tìm đường về quê dịp Tết gây choáng ngợp với toàn thế giới. 
Có ý kiến gộp chung Tết Tây- Tết Ta, hay bỏ Tết Ta,…để hòa nhập, để văn minh, để bớt phiền phức, nhiêu khê, tai nạn, lãng phí nhưng cuối cùng thì nó cũng chìm vào in lặng. Đã là văn hóa truyền thống, đã là mục tiêu và động lực của sự phát triển xã hội thì thay đổi thế nào ? 
Về hay không về Tết: về nhà- về quê, lựa chọn không ai bắt buộc. Nó phụ thuộc vào nhận thức và mách bảo từ trái tim của mỗi người. Nhưng dẫu gì thì tình cảm với gia đình, quê hương với người Việt, có lẽ là mãi mãi !...
Thất Sơn

Có thể bạn quan tâm