Phóng sự - Ký sự

Thăm chiến khu núi Ông Sầm(*)

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Một buổi sáng cuối Xuân Giáp Ngọ (2014) trời lất phất mưa, tôi cưỡi xe máy từ Tam Mỹ Đông-quê nội về Tam Hiệp-quê ngoại như lời hẹn trước với cậu Năm Phùng (Phan Như Phùng-em ruột mẹ tôi) để cậu cháu cùng lên thăm lại vùng chiến khu xưa-thời chống Pháp do ông ngoại tôi là Phan Châu-người ở quê hay gọi ông giáo Kính (bí danh Phan Truy)-nguyên Bí thư Phủ ủy lâm thời Tam Kỳ-Quảng Nam đầu tiên (nay là huyện Núi Thành)-nguyên Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến tổng Đào Hoa, xây dựng nên có tên là núi Ông Sầm hay Bàu Trúc.
 

Núi Ông Sầm-chiến khu xưa. Ảnh: Bùi Quang Vinh

Đứng trên những mô đất cao người ta đã cày xới của vùng núi Ông Sầm, phóng tầm mắt ra xa đảo quanh một lượt cùng với lời chỉ dẫn của cậu tôi với một chút ký ức xa vời, có độ lùi đến hơn 60 năm (giờ cậu Năm đã xấp xỉ bát tuần), tôi mường tượng xưa kia, đây là một thung lũng rộng được bao bọc bởi những rặng núi nhô ra từ dãy Trường Sơn thò chân về phía biển và ngọn núi Ông Sầm là phần đuôi cuối cùng tạo nên miền trung du với địa hình và thổ nhưỡng đặc thù, khác biệt với miền cát trắng mênh mông nơi đồng bằng miền Trung. Có lẽ từ những năm sau Cách mạng Tháng Tám 1945, ban đầu ông ngoại tôi đã cho khai phá vùng đất này để phát triển kinh tế, vừa khai khẩn đồng ruộng, trồng cây ngắn ngày vừa chăn nuôi gia súc. Vì có lợi thế do địa hình núi non vây quanh, có thể xoi đường xuyên sơn đi về thượng du, đồng thời gần nơi sông, biển có thể tiếp tế một cách thuận lợi và giao tiếp với Tam Kỳ, Quảng Ngãi khá dễ dàng… nên đến khi toàn quốc kháng chiến, với cương vị của mình ở địa phương, ông tôi biến vùng kinh tế này thành một chiến khu nhằm tập hợp những người yêu nước bấy giờ, bày binh bố trận cùng cả nước chống giặc ngoại xâm.

Giữa vùng đất mênh mông đã được san ủi tương đối bằng phẳng, chung quanh là những ngọn núi nhấp nhô mờ xa, bên cạnh là một ngọn đồi nham nhở đá do con người khai thác (trước đây là ngọn núi Ông Sầm), phía sau là Khu Công nghiệp Bắc Chu Lai khá sầm uất đang hoạt động, cậu Năm đưa tay chỉ vòng quanh: “Đấy là toàn bộ khu vực Bàu Trúc mà ông ngoại con lập nên. Kia là đồng ruộng được khai khẩn từ thời bấy giờ; đó là khu rừng rậm với nhiều cây cổ thụ và chim thú tự nhiên, nơi ông ngoại dựng lán trại để hội họp những người kháng chiến, cũng là nơi để cán bộ, bộ đội thi thoảng về dưỡng quân; đây là khu nhà chính được thiết kế theo kiểu nhà sàn của đồng bào dân tộc thiểu số Trường Sơn-Tây Nguyên mà ông bà ngoại và các cậu dì đã từng sống và sinh hoạt một thời với bao kỷ niệm…”.

Tôi nhìn một vùng đất cò bay thẳng cánh, ước chừng cả mấy trăm mẫu tây, phần lớn đã san ủi mặt bằng, chỉ còn ít nhà dân và đồng ruộng đang canh tác. Hiện tại một con đường cao tốc đang hình thành và băng ngang qua dải đất này nên đa số người dân cư trú nơi đây được Nhà nước đền bù để di dời, đi lập nghiệp nơi khác. Cậu tôi dường như có chút nuối tiếc về một vùng đất do cha mẹ mình tạo dựng nên. Tôi hiểu những cảm xúc của cậu Năm khi nhìn lại cảnh cũ rừng xưa và chiêm nghiệm về cuộc đời dâu bể. Một chút hoài niệm ấy cũng đủ làm cậu tôi nhớ lại một thời của tuổi thơ và người cha mẫu mực của mình.

Cậu kể rằng, ông ngoại là người nghiêm cẩn, có uy tín trong vùng, theo nho học, có lòng yêu nước thương dân, căm ghét áp bức, bất công, rất năng nổ hoạt động cách mạng và trong công việc gia đình. Là một trong những gia đình phú nông ở làng Vân Trai (Tam Hiệp-Núi Thành hôm nay), ông bà ngoại đóng góp rất nhiều cho kháng chiến cả sức người và của cải, nhất là lúa gạo để nuôi quân. Thậm chí, cậu Năm còn nhớ, sau Cách mạng Tháng Tám, bà ngoại còn một chiếc khay cổ bằng bạc, của hồi môn do ông cố ngoại để lại, bà đã đem của quý ấy cùng nhiều vàng bạc để hiến cho cách mạng. Chính vì tinh thần xả thân ấy mà sau này bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ, ông ngoại đã nghĩ đến việc tự túc, tự cường bằng cách mở mang trang trại để làm kinh tế vừa nuôi sống gia đình vừa là căn cứ để tổ chức tham gia các phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp. Có lẽ từ suy nghĩ tích cực đó mà có sự ra đời chiến khu núi Ông Sầm.

Nói chiến khu thì có vẻ to lớn nhưng thực chất nó được núp bóng dưới hình thức một điền trang của các nhà địa chủ xưa kia. Nơi đây đã từng tập hợp các nhà hoạt động cách mạng ở địa phương, nơi truyền đạt các chỉ thị của cấp trên, cất giấu các tài liệu bí mật, đồng thời là chốn dừng chân nghỉ ngơi, học tập của các lực lượng vũ trang… Mẹ tôi khi còn sống, bà hay kể rằng, thời thiếu nữ mẹ thường hay bận bịu tối ngày, đó là giúp ông bà ngoại lo xay gạo, nấu cơm phục vụ các vị khách không mời mà mẹ ít khi biết tên; ngoài ra lâu lâu lại phục vụ giã gạo nuôi quân. Có lúc cả một tiểu đoàn bộ đội cùng với đàn ngựa về dưỡng quân nơi điền trang của ngoại, mẹ cùng các dì là phụ nữ được trưng tập để lo cơm nước cho bộ đội suốt cả tuần, mươi ngày. Có lẽ với lòng nhiệt thành và siêng năng ấy mà bấy giờ mẹ tôi rất được ông ngoại cưng chiều, thường cho ngồi cùng ngựa với ông đi đây đi đó-cậu Năm nhớ về thời mẹ tôi như vậy.

 

Ảnh: K.N.B

Trong một tài liệu lịch sử của huyện Núi Thành (giai đoạn 1930-1945) có nhắc đến các tổ chức chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở địa phương phát triển mạnh, trước yêu cầu của phong trào cách mạng, Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam quyết định thành lập Phủ ủy lâm thời Tam Kỳ tại rừng Định Phước (Tam Nghĩa) và cử đồng chí Phan Truy làm Bí thư (ngày 15-8-1933); sau đó vài năm lại bàn giao chức Bí thư cho đồng chí Nguyễn Phùng (đồng chí Phùng sau bị địch bắt và hy sinh trong nhà tù thực dân, được truy phong liệt sĩ); và qua nhiều thế hệ khác, đến tháng 11-1939 đồng chí Võ Toàn (tức Võ Chí Công từng giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) làm Bí thư… Trong trí nhớ của các cậu tôi, lúc bấy giờ ông ngoại tôi thường có quan hệ và hoạt động cùng với ông Nguyễn Phùng và ông Võ Toàn; sau Cách mạng Tháng Tám, ông Phan Châu được cử giữ chức Chủ tịch tổng Đào Hoa, phủ Tam Kỳ, quản lý 7 xã với gần vạn dân. Phong trào kháng chiến ở địa phương những năm đầu phát triển khá mạnh; các đội vũ trang được huấn luyện chu đáo, luôn sẵn sàng chiến đấu cao. Ông ngoại tôi cử người con đầu là cậu hai Kính, giỏi võ thuật, bổ sung vào lãnh đạo thanh niên địa phương và chuyên đi huấn luyện cho đội du kích các xã về kỹ thuật sử dụng các loại vũ khí tự tạo như đao, kiếm, côn quyền… Các đội du kích này một thời đã khiến kẻ thù phải chùn bước.

Khi Pháp trở lại Đông Dương lần thứ hai, chúng đã thẳng tay đàn áp các phong trào cách mạng và những người yêu nước ở Việt Nam, nhiều nhà hoạt động cách mạng và các chiến sĩ cộng sản lần lượt rơi vào tay địch, bị chúng bắt cầm tù khắp nơi trong đó có ông ngoại tôi. Ra tù chưa được bao lâu thì gia đình ông ngoại lại bị vạ lây bởi cơn lốc cải cách ruộng đất sai lầm, bị quy thành phần địa chủ nên mọi quyền lợi bị tước đoạt khiến ông lao đao một thời. Khi Đảng ta chủ trương sửa sai trong cải cách ruộng đất, ông ngoại tôi trở về làng Vân Trai làm thuốc cứu người, không màng đến thế sự nữa.

Sau này, ông bà Phan Thêm-Trần Thị Nguyên đều là cán bộ lão thành cách mạng (ông Phan Thêm-nguyên Đặc phái viên Xứ ủy Trung kỳ, nguyên Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Gia Lai, trước đây có tên là Phan Khắc, có mối quan hệ anh em chú-bác với ông Phan Châu), trong giấy xác nhận cán bộ tiền khởi nghĩa đã ghi: Sau khi ra tù, đồng chí Phan Châu (giáo Kính) cùng vợ chồng tôi rủ rê nhau bán ruộng lên núi Ông Sầm vỡ đất làm vườn, trồng cây, lấy cớ đi làm ăn để tiếp tục hoạt động cách mạng…

Tôi về thăm lại chiến khu xưa và thầm cảm phục tấm lòng yêu nước của ông ngoại Phan Châu. Câu thơ viết vội trong buổi sáng mưa dầm trên chiến khu xưa để nhớ về ông: Con về thăm chiến khu xưa/Núi non mờ khuất trong mưa xuân tàn/Bóng người ẩn hiện lên ngàn/Ngựa phi trong gió lá vàng cuốn chân/Người đi không chút bâng khuâng/Không đeo công trạng tuần du cõi hiền/Cuộc đời như gió qua hiên/Mới hay người khuất không phiền thế nhân.

Bùi Quang Vinh
 

-------------------
(*) Núi Ông Sầm: ở Tam Hiệp-Núi Thành-Quảng Nam, nằm phía Tây Khu Công nghiệp Bắc Chu Lai.

Có thể bạn quan tâm