Sông Yên chảy trong khu vực nam Thanh Hóa. Là người con đầu nguồn, lĩnh hội và ghi nhớ nhiều điều, tôi có cơ hội để thấm và kể ra về nó.
Đầu nguồn sông Yên nay thành khu du lịch Bến En. |
Qua chuyến đò ngang
Khởi nguồn sông Yên từ cánh rừng thuộc huyện Như Thanh, nay là Vườn quốc gia Bến En. Đầu nguồn, xưa có ba đồng bào cư trú: Thái, Thổ, Mường, hướng tâm linh theo đạo Mẫu, lập nên Phủ Sung với đền Ông, đền Bà và Phủ Na nằm phía tây dãy núi Nưa gắn với huyền thoại Bà Triệu “phất cờ nương tử”.
Trong ký ức của chúng tôi vẫn nhớ cụ bà Quách Thị Liềng, người Mường, thôn Đồng Sung (Hải Vân, Như Thanh). Cụ người nhỏ, nhanh nhẹn, thường gùi những gói thuốc lá hái trong rừng bán cho phụ nữ người Kinh. Cụ căn dặn cách thức sắc thuốc một cách rõ ràng. Nói hết với người cần, cụ Liềng thở dài, kết luận: “nam đánh giặc, bắc lấy tiền”. Câu nói này có nghĩa là thuốc nam đánh dẹp bệnh tật nhưng rẻ, thuốc bắc thì cứ mỗi thang một khoản tiền to.
Nhiều người phụ nữ Kinh rất thích các bài thuốc nam của người Mường. Lý do thật đơn giản là nhiều người phụ nữ Mường sinh đẻ xong không cần kiêng cữ mà vẫn khỏe mạnh nhờ bài thuốc đó. Bí mật núi rừng nằm trong tay người Mường, người Thái là vậy.
Đầu nguồn sông Yên được khúc xạ, thẩm thấu của các cộng đồng Kinh, Thái, Thổ, Mường... Món canh đắng của người Mường, món loóng (thân cây chuối thái mỏng nấu với mẻ và thịt gà) của người Thái được người Kinh học hỏi cách nấu, mời nhau cùng ăn.
Sông Yên được cấp nước bởi ba dòng suối: Đồng Sình, Đồng Bởi và Đồng Mưa cộng thêm nguồn nước sông Mực. Sông chảy qua các huyện Như Thanh, Nông Cống, Quảng Xương, một phần huyện Tĩnh Gia, đổ ra biển ở cửa Lạch Ghép.
Xưa, có bến đò Tiền Định. Đây là bến đò đầu tiên tính từ đầu nguồn sông. Đò nối thôn Xuân Điền (xã Hải Vân) với thôn Tiền Định (xã Phú Nhuận). Sở dĩ bến đò mang tên Tiền Định vì người lái đó thuộc thôn đó. Nhưng rồi với thời gian, bến đò cũng đổi tên chính sang tên người lái đò, gọi là bến đò ông Thuấn. Đò được làm bằng thân cây tre chằng kết lại.
Những năm đó, tôi vẫn còn nhỏ lon ton theo mẹ xuống lò gốm nằm dưới chân núi Nưa. Ở đó có mỏ đất sét, lại cũng gần sông Yên. Gốm ra lò bốc chuyển xuống thuyền rồi thuyền theo sông Yên đưa gốm về Nông Cống, Như Thanh. Có những lần về trễ, mẹ tôi lại rẽ vào nhà ông Thuấn, nói với ông ra chèo đò đưa mấy mẹ con tôi sang sông. Từ nhà ông Thuấn ra bến đò cũng không gần, đi bộ bốn năm cây số. Cứ vậy, ông Thuấn lầm lũi đi trước, ra mở dây, kéo đò xuống nước, chở mẹ con tôi qua sông.
Giờ đây, bằng tuổi này ngồi nghĩ lại mới thấy hết nghĩa tình của người chèo đò, họ không nỡ để ai lỡ chuyến dù đêm khuya giá rét. Mà ngày đó chèo đò chỉ được hưởng mấy cân gạo mỗi tháng chứ không được lấy tiền khách qua đò.
Đó là con đò đầu tiên trong tuổi thơ tôi.
Ông Thuấn đã mất, đò cũng không còn. Bến đò năm đó, nay đã bắc cầu. Dòng sông xưa nay cũng không đò ngang khua nước. Ngay như phà Ghép thuộc tuyến đường 1A cũ, sau chiến tranh, cũng đã bắc cầu.
Xưa, dọc sông Yên, làng quê nối tiếp nhau với những cánh đồng màu, đồng lúa. Mùa đông, bên mái tranh ẩm ướt, khói bếp quyện quanh báo hiệu bữa cơm chiều. Mùa hè, củ khoai, củ lạc sót lại sau mùa thu hoạch, gặp cơn mưa rào, lòi ra ngoài đất, cười với nắng. Đó là món quà của chúng tôi trong trưa hè tắm sông, đuổi trâu, câu cá.
Thượng nguồn sông Yên xưa chỉ có ba dân tộc thiểu số: Thái, Thổ, Mường. Trong thời Pháp thuộc, có một bộ phận người Kinh lên làm trong các đồn điền cà-phê, chè của người Pháp. Trong bộ “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú, ở phần Địa dư chí, ông chép rằng: đất đồi núi chướng khí, con người ngỗ ngược. Có lẽ ngày ấy, triều đình vẫn chưa thể mở rộng tầm cai quản đến tận vùng này, nên văn nhân chí sĩ có qua đây cũng nhìn thấy một vùng đất hỗn mang đồi núi.
Tại đầu nguồn sông Yên có thể bắt gặp một Tây Nguyên “tràn” xuống, đó là đất đỏ bazan. Và cũng gặp một Tây Bắc “lấn làn” tràn qua, đó là đất feralit- đất mùn từ các đỉnh núi cao.
Lịch sử góp dân ở đầu nguồn sông Yên được tính như sau: Năm 1946, với tinh thần “tiêu thổ kháng chiến”, người các tỉnh Vĩnh Yên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Nam Định, Thái Bình rời quê tìm đến Như Thanh sinh sống. Năm 1954, người công giáo Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định vào miền nam bị nghẽn lại ở giáo phận Ba Làng (Tĩnh Gia) nên đã đi lên thượng nguồn sông Yên. Năm 1961, hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ, kiều bào sống ở Thái Lan về nước cũng có một nhóm gia đình về đây lập làng bên bờ sông.
Nhiều công nhân kỹ thuật sản xuất đạn cũng theo kỹ sư Trần Đại Nghĩa về làm đạn trong hang Lò Cao thuộc thôn Đồng Kênh, hòa bình lập lại, họ ở lại đó. Những người sống ở phường Nam Ngạn-Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) vì tránh bom Mỹ cũng về đầu nguồn sông Yên lập làng, trồng trọt, chăn nuôi. Nhiều người miền nam tập kết ra bắc, họ cũng về đây xây dựng quê hương mới.
Trên tuyến đường vào nam kháng chiến, đầu nguồn sông Yên chứng kiến cuộc mở đường theo dốc Bò Lăn-Đá Nhảy.
Và âm ba thượng nguồn
Khám phá sông Yên, không ai dại gì đi dọc bờ sông của nó, đây là dòng sông nhỏ nhưng độ quanh co rắn bò thuộc hàng nhất xứ Thanh. Hơn 40 năm qua, sông Mực-đầu nguồn sông Yên được ngăn dòng, tạo lòng hồ được ví như vịnh Hạ Long của xứ Thanh, nay đang mở ra cơ hội mới du lịch sinh thái.
Tôi-một người con của thượng nguồn, mỗi khi đọc các trang du lịch, giới thiệu điểm đến trong Vườn quốc gia Bến En với những địa danh được điểm tên: làng Lúng, Dọc Khoan, hang Ngọc, hang Trần Đại Nghĩa, cồn Độc Lập, hòn Đá Nổi…, lại máy mồm, hỏi người quê, họ đều bác bỏ rằng: “Nó có ra cái chi mô mà”!
“Bụt chùa nhà không thiêng”- câu nói xưa ứng với người dân, quan niệm của người quê tôi, đẹp ở chỗ khác, chứ ở quê vài quả đồi với mặt nước, muỗi vắt bâu chân. Lại nhớ, người Mường răn dạy “cây trong rừng không bằng ngọn, nhiều người nhiều ý khác nhau”, và tự bảo nghĩ vậy cho nhẹ nhàng.
Sông Yên khiến những người xa quê nhớ về với nỗi niềm mà đôi khi, thả ánh mắt theo dòng chảy, buông hồn bên bến sông và từ đó dòng chảy cứ theo họ suốt hành trình cuộc sống.
Đầu nguồn sông Yên, khi tôi còn nhỏ, vào ngày mồng 3 hoặc mồng 5 Tết Nguyên đán bắt gặp những đoàn người săn bắn ngang qua nhà. Thỉnh thoảng bắt gặp bà mế người Mường gùi thuốc nam xuống bán cho người Kinh.
Rồi chuyện săn bắn một phần bị cấm, một phần do chính họ từ bỏ. Nhà sàn của người Thái, người Mường ở Đồng Sung, Đồng Lớn, Đồng Lầm, Đông Mười, Đồng Bởi... cũng bị xóa dần. Thay thế vào đó là nhà xây, lát gạch. Chuyện cũ săn bắn, hái lượm lỗi thời bị bỏ. Cái đẹp xưa nhà sàn, váy Thái, cạp Mường cũng không đứng nổi trong dòng chảy hôm nay.
Những mo Mường, tào Thái (thầy cúng), ngải gà (niệm chú), bùa yêu... không còn lan truyền nhiều trong các cộng đồng dân cư. Hơn nửa thế kỷ sống giao thoa các cộng đồng, ông Lục Văn Cương, 76 tuổi, thôn Đồng Bởi (Hải Long, Như Thanh), đọc rằng: “Kin khẩu bo mi keng cắp/Non lắp bo mi sao quệt (ăn cơm không có canh khác gì đi ngủ không có gái ôm-hiểu ra là, trai đến tuổi lập gia đình mà không chịu lấy vợ khác gì bữa cơm không có miếng canh ngon ngọt)”.
Bà Quách Thị Thiềng cắt thuốc nam đã đi theo một hành trình khác. Nhưng chúng tôi vẫn nhớ trong gùi thuốc nam năm đó của bà, vẫn có những quả rừng ăn được bà mang theo cho trẻ. Và bà đọc những câu ca dao của bà: “Măng mọc từ đất, người thật nhìn lối đi”...
Ngày xưa, còn nhỏ nghe đọc câu đó thì nghĩ, người thật là mình, người giả là hình nộm, bù nhìn. Khi hiểu ra rằng, thì cũng là lúc, xa người già, xa bến cũ. Và sông Yên cứ yên bình chảy mãi trong tôi.
Tương lai về một dòng sông du lịch Để biến nơi nào đó thành một địa chỉ du lịch, điều đầu tiên là phải cấp cho nó một dự án. Theo đó, thượng nguồn sông Yên, cụ thể là Vườn quốc gia Bến En bấy nay hoạt động èo uột, sắp tới sẽ được một tập đoàn lớn xác định là dự án trọng điểm phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng của Thanh Hóa. Cũng bên dòng sông Yên, tại xã Quảng Yên (Quảng Xương), quần thể nghỉ dưỡng khoáng nóng đã khởi công tháng 12/2021. |
Theo Bài và ảnh: NINH NGUYỄN (NDĐT)