Thăm Di tích Nhà tù Sơn La

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ nhỏ, qua những trang sách giáo khoa, trong tôi đã hình thành ý niệm sâu sắc về miền Tây Bắc, về một Sơn La bất khuất với cây đào Tô Hiệu trường tồn, về một vùng núi non hùng vĩ có nền văn hóa đặc sắc của đồng bào phía Bắc với vòng xòe Thái ngây ngất men rượu cần trong đêm hội…
 

Ảnh: Bích Nga
Ảnh: Bích Nga

Cách đây hơn 100 năm, cùng với việc thiết lập bộ máy cai trị tại vùng Tây Bắc, thực dân Pháp ráo riết huy động nhân công xây dựng Nhà tù Sơn La, trên đồi Khau Cả, thị xã Sơn La, tỉnh Sơn La. Chỉ tính riêng từ năm 1930 đến năm 1945, thực dân Pháp đã giam cầm, đày ải 1.007 lượt chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước. Chúng muốn biến nơi đây thành một địa ngục trần gian, đày ải và thủ tiêu ý chí đấu tranh của những người cộng sản Việt Nam. Nhưng, chính tại nơi này, hơn bao giờ hết, khí tiết của người chiến sĩ cộng sản đã tỏa sáng và thắp lên ngọn lửa đấu tranh cách mạng.

Nơi đây trở thành một trường học cách mạng, rèn luyện và bổ sung cán bộ lãnh đạo cho Đảng, cho cách mạng Việt Nam ở cả ba miền: Bắc-Trung-Nam, như các đồng chí: Lê Duẩn, Trường Chinh, Văn Tiến Dũng, Lê Thanh Nghị, Trần Huy Liệu, Nguyễn Cơ Thạch, Mai Chí Thọ, Nguyễn Lương Bằng... và bao đồng chí trung kiên khác.

 

Ảnh: Bích Nga
Ảnh: Bích Nga

Nhà tù Sơn La nằm ngay trung tâm thành phố, từ đây có thể phóng tầm mắt bao quát toàn cảnh phố xá miền Tây Bắc. Cô hướng dẫn viên người Thái của Bảo tàng Sơn La dẫn chúng tôi qua khuôn cửa hẹp nhà ngục vào thăm nơi giam cầm các chiến sĩ cách mạng. Bằng giọng trầm ấm đầy cảm xúc, cô đưa chúng tôi trở lại những ngày tháng đấu tranh gian khổ ác liệt của những chiến sĩ cách mạng năm xưa…

Đã hơn 1 thế kỷ qua đi, nhưng những chứng tích về tội ác dã man của thực dân Pháp vẫn còn hiển hiện với hàng trăm hiện vật-những công cụ tra tấn như còng tay, xích sắt, bàn kẹp sắc nhọn, những chiếc bát sứt mẻ dùng cho tù nhân ăn uống hàng ngày; những phòng giam tăm tối, ẩm thấp, nhỏ hẹp, hôi thối; hình ảnh các tù nhân bị thực dân Pháp giam cầm, hành hạ chỉ còn da bọc xương được thể hiện trên bức phù điêu lớn treo tại phòng trưng bày... Đó là bằng chứng đối lập với tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng không gì lay chuyển của lớp lớp những đồng chí cách mạng tiền bối đã từng bị giam cầm ở nơi này.

Đã được học lịch sử, đã đọc nhiều sách viết về Nhà ngục Sơn La, về người chiến sĩ cách mạng trung kiên Tô Hiệu nhưng trong tôi vẫn trào dâng niềm xúc động khi nghe cô hướng dẫn viên kể về cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Tô Hiệu trong thời gian bị giam cầm ở đây, từ cuối năm 1939 đến năm 1944. Được bầu làm Bí thư chi bộ Nhà tù Sơn La, ông tham gia viết báo, soạn tài liệu huấn luyện cán bộ, biến nhà tù của địch thành trường học đào tạo được nhiều cán bộ ưu tú cho Đảng.

 

Ảnh: Bích Nga
Ảnh: Bích Nga

Bọn cai ngục thấy Tô Hiệu chính là mối nguy hiểm tiềm tàng nên chúng đã giam riêng ông, nhưng bằng mọi cách Tô Hiệu vẫn âm thầm lặng lẽ chỉ đạo sát sao phong trào đấu tranh của những người tù cộng sản. Do đòn roi tra tấn dã man, chế độ nhà tù hà khắc của thực dân cùng với bệnh lao phổi nặng, ngày 7-3-1944 Tô Hiệu đã trút hơi thở cuối cùng khi ông mới 32 tuổi. Cây đào mà đồng chí Tô Hiệu thường ngày chăm sóc tiếp tục được các đồng chí ở lại trông nom, cứ mỗi độ xuân về lại nở hoa hồng thắm và đâm chồi xanh biếc, gieo niềm hy vọng vào tương lai cách mạng. Sau này cây được đặt tên là “Cây đào Tô Hiệu”.

Chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng về sức sống mãnh liệt của cây đào khi đã trải qua hai lần đánh phá của giặc (lần thứ nhất vào năm 1952, lần thứ hai vào năm 1965) nhưng như có một phép màu kỳ lạ, cây đào Tô Hiệu vẫn còn nguyên vẹn, tiếp tục bám rễ, vươn cành và nở hoa mỗi dịp xuân về như một chứng nhân của lịch sử, khẳng định sức sống mãnh liệt, ý chí quật cường, đấu tranh gian khổ của những con người cộng sản trung kiên, giành độc lập cho dân tộc, cho đất nước…

Bích Nga

Có thể bạn quan tâm