Thăm làng kháng chiến Stơr

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 63 năm về trước, làng kháng chiến Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang) đã tự mình đánh một dấu son đậm nét trong trang lịch sử chống thực dân Pháp của dân tộc. Ngôi làng ấy cũng đã oai hùng hiện lên trong từng trang sách của nhà văn Nguyên Ngọc với tên gọi làng Kông Hoa hàng đêm bập bùng ánh lửa dưới chân núi Chư Lây huyền thoại. Chàng trai Đinh Núp hùng dũng, kiên cường hét vang làm rung chuyển đánh thức cả núi rừng: “Đồng bào ơi, Pháp cũng chảy máu” (Đất nước đứng lên của nhà văn Nguyên Ngọc). Câu nói ấy chính là một cuộc “cách mạng” lớn để rồi mở ra một cuộc cách mạng vĩ đại của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên như lịch sử đã ghi nhận.

Không thể tìm kiếm được những điều đã thuộc về quá khứ ở lũ trẻ đầu làng, tôi tìm đến nhà già làng Đinh H’Dong. Nhà ông nhỏ, nằm đối diện với nhà rông của làng với nền đất cao loang lổ những mảng xi măng cũ kỹ. Ông đang cùng một cậu con trai và hai chàng rể uống cạn những cang rượu. Tôi đi làng nhiều nên biết chiều muộn của ngày cuối tuần là thời gian lý tưởng để những người đàn ông trong từng nếp nhà của đồng bào Bahnar quây quần bên ché rượu cần nồng ấm và tôi đã cố tình chọn thời điểm này để ghé thăm làng kháng chiến Stơr.
 

Tác giả chụp hình kỷ niệm với già Amlinh, già Thơl và già làng H’Dong (tính từ trái qua). Ảnh: Văn Đức
Tác giả chụp hình kỷ niệm với già Amlinh, già Thơl và già làng H’Dong (tính từ trái qua). Ảnh: Văn Đức

Sau khi uống cạn một cang rượu cần cùng già làng tôi hỏi ngay về Bok Núp. Ông nghiêng cổ nhìn tôi, rất lâu ông hỏi lại: “Bok Núp?”. Già kể: Làng Stơr của già ngày ấy nhà nào cũng theo Bok Núp đi đánh Pháp vì tin Bok Núp chớ sao mà không tin, tin mới làm chớ. Bok Núp nói Pháp cũng chảy máu nên mình đánh được mà. Bọn Pháp ác lắm, đốt cả làng, cả rẫy. Pháp muốn lấy đất của mình nên mình phải quyết tâm đánh nó. Bọn Pháp cũng khôn lắm, nó có súng bắn ầm ầm nhưng mình cứ bình tĩnh mới đánh được nó. Hồi đó, anh Tunh, làm liên lạc cho Bok Núp bị Pháp bắn chết ở ngoài chòi rẫy. Lúc đó, già đang ở gần rẫy bắp, biết anh Tunh đói cái bụng, vào chòi rẫy bẻ bắp nướng ăn. Bọn Pháp biết phục ở đó trước, lúc nghe súng nổ ầm ầm ở chòi rẫy là mình biết Tunh bị bắn chết rồi, chết tại chỗ đó, cả làng thương lắm!

Cắt ngang dòng ký ức buồn bằng một cang rượu đầy rồi già H’Dong nhắc nhớ về cái tên Kông Hoa mà có lẽ đã lâu lắm rồi già không có dịp nhắc lại. Già vỗ vai tôi hỏi: “Có biết Kông Hoa không? Kông Hoa là làng Stơr đấy, hồi đó Việt Minh rồi bộ đội gọi là Kông Hoa”. Những thanh âm của “Việt Minh, Bộ đội” phát ra và vang lên nghe thiêng liêng, bồi hồi lắm. Từng dòng ký ức của già làng đang được những cang rượu cần nồng ấm đánh thức mãnh liệt: Hồi đó, làng ở dưới này bị Pháp đốt cháy hết, phải dời lên núi, đi trong rừng đánh Pháp thôi. Pháp sập bẫy chông, bẫy đá rồi đi qua cầu gãy rơi xuống hố chết nhiều lắm. Lớp nhỏ như già ngày ấy chỉ chừng mười hai đến mười lăm tuổi đi rình xem Pháp sập bẫy chết rồi chạy về báo với người già, con nít mà. Hỏi già lớp người ngày ấy giờ còn lại bao nhiêu thì già ngậm ngùi: “Ngoài già ra chỉ còn lại Bok Thơl, Bok Amlinh thôi, chết hết rồi…”.

Ba già gặp nhau, ngồi quây quần bên bếp lửa. Già Amlinh mang ra một ché rượu cần nhỏ, loại ngon đặc biệt vì được làm bằng hạt cào đãi hai ông bạn già. Già Amlinh và già Thơl không biết nhiều tiếng phổ thông nên già làng H’Dong phải nói lại những điều tôi muốn hỏi. Đôi khi, cả ba già đều quên mất tôi, say sưa ôn lại chuyện theo Bok Núp đi đánh Pháp bằng tiếng đồng bào mình. Những danh từ: “Bok Núp, Việt Minh, Bộ đội, làng Kông Hoa” được ba già nhắc đi nhắc lại giúp tôi có thể hiểu những ký ức của một thời oanh liệt, bi hùng của những năm tháng đã xa đang được các già kéo về rất gần.

Già Amlinh kéo cổ áo, chỉ cho tôi và hai ông bạn già vết sẹo dài vì bị Pháp bắn lúc đang rình chúng cài mìn bên gốc xoài cuối làng qua bao nhiêu năm tháng vẫn không mờ đi. Ba già lại nhìn nhau say sưa nhắc lại chuyện của ngày ấy. Nhìn những đôi mắt đã hao gầy theo vệt thời gian của già H’Dong, già Amlinh và cả già Thơl đang sáng bừng trở lại nhờ những kí ức đã quá lâu rồi không có dịp nhắc lại, tôi đã không nỡ lòng cắt ngang để chèn những câu hỏi xem chừng sẽ thừa thãi…

Thêm một lý do tôi muốn các già nói nhiều, nói lâu, nói mãi về cái ngày đánh đuổi quân Pháp là vì tôi muốn con cháu của các già đang ngồi đó được nghe để hiểu vì sao làng Stơr của mình lại được gọi là làng kháng chiến. Nếu có thêm nhiều những Đinh Bơn, Đinh Thị Thuyên, Đinh Thị H’Lăn… đều đang ở độ tuổi đến trường đang đùa chơi ở đầu làng nhưng ghé vào hỏi thăm chúng về Bok Núp, về làng Kông Hoa thì chúng đều lắc đầu chịu thua không nhớ.

Rồi thế hệ 7X, 8X của làng kháng chiến Stơr cũng không ai biết, không ai hiểu để còn làng, để có làng như ngày hôm nay thì cha ông đã phải trải qua những cuộc cách mạng vĩ đại như thế nào?  Ngay cả ba người con của già làng H’Dong cũng thú nhận chưa bao giờ nghe và cũng không muốn nghe chuyện ngày xưa cha theo Bok Núp đi đánh Pháp. Cha đã làm bẫy chông, bẫy đá thế nào? Pháp đã đốt làng, giết dân làng ra sao, tất thảy những điều đó, lũ trẻ bây giờ không đứa nào muốn nghe cả. Ngay cả ngôi nhà Tưởng niệm Anh hùng Núp được xây khang trang, bề thế ngay đầu cổng làng cũng thường xuyên khóa cửa im ỉm.

Bên bếp lửa đang rừng rực cháy, nhìn vào đôi mắt ừng ực nước của ba người già đang ôm nhau kể chuyện ngày xưa, tôi bỗng thấy chạnh lòng.

Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm