Thâm nhập "thị trường" pháo Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những ngày giáp Tết, nhiều người tại các tỉnh Gia Lai, Kon Tum sang nước ngoài mua pháo nổ mang về trong nước bán kiếm lời. Việc mua bán diễn ra khá công khai bất chấp sự nghiêm cấm của lực lượng chức năng.

Mua bao nhiêu cũng có

Trong vai một người đang có nhu cầu mua pháo về bán trong dịp Tết, chúng tôi được ông N. (trú tại huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) một đầu nậu thường xuyên “đánh hàng” pháo qua Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) chào mời tận tình. Theo ông N. năm nào cũng vậy, mỗi dịp Tết cổ truyền ông lại nhập thêm pháo từ Lào về để bán. “Biết là bị cấm đấy, nhưng một vốn bốn lời, tội gì mà không làm hả chú. Mình không làm thì có thằng khác làm”-ông N. nói.

 

   Mỗi bì pháo có giá 300 ngàn đồng. Ảnh:  Nguyễn Nhật
Mỗi bì pháo có giá 300 ngàn đồng. Ảnh: Nguyễn Nhật

Chúng tôi ngỏ ý mua hàng với số lượng lớn và đã thống nhất giá, tuy nhiên khi yêu cầu cho xem “hàng” thì ông N. từ chối: “Em cứ đưa tiền đây rồi anh sẽ giao hàng đảm bảo uy tín. Em đi khắp cả cái huyện này không có nơi nào bán rẻ và chất lượng như của anh đâu. Có nhiều người ở xa biết tiếng anh chỉ cần gọi điện đặt hàng, gửi tiền là anh gửi hàng cho họ mà chẳng cần gặp mặt”.

Theo chỉ dẫn, chúng tôi tiếp tục đến xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi-nơi được đồn thổi là thị trường pháo lậu tập kết về nhiều nhất sau khi lọt qua được Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y. Sau hồi thăm dò, nữ chủ quán cà phê khoảng 30 tuổi đặt thẳng vấn đề. “Nếu em muốn mua pháo thì cứ đưa tiền trước đây. Pháo bao nhiêu, loại nào cũng có. Sau khi giao tiền chị sẽ dẫn cho đi xem “hàng”-người phụ nữ này nói và cho biết những nơi bán pháo nhiều ở khu vực này như tạp hóa bà X. và quán karaoke F. đều yêu cầu phải đặt trước tiền mới giao hàng.

Tại tiệm tạp hóa trên địa bàn xã Bờ Y, người phụ nữ cũng là chủ quán sau khi hỏi thật kỹ tên tuổi, địa chỉ, mục đích mua pháo của chúng tôi thì chạy ra xem chiếc xe BKS Gia Lai đúng như nơi ở thì mới tin tưởng. “Các chú muốn mua số lượng lớn thì không có đâu. Ở đây tôi chỉ lấy chút ít rồi bán hết lại lấy tiếp. Nếu chẳng may bị bắt thì cùng lắm chỉ bị phạt hành chính thôi”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá thành các loại pháo được bán bên Lào khá rẻ, riêng pháo bông loại 49 quả/hộp giá chưa tới 200 ngàn đồng, tuy nhiên khi về trong nước giá bán được đẩy lên từ 600 ngàn đồng đến 1,2 triệu đồng/hộp. Những đầu nậu mà chúng tôi tiếp cận đều khẳng định, nguồn gốc của pháo được nhập từ Lào về Việt Nam qua Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y.

Khó xử lý hình sự

Theo ông Cao Đăng Quế-Chi cục phó Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, tình trạng nhập lậu pháo vẫn diễn ra lén lút qua Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y với hình thức là bỏ trên các xe khách, trà trộn trong hàng hóa. Loại pháo thường được vận chuyển là pháo bông đựng trong các hộp. “Khi lên xe thì các đối tượng vứt ở đâu đó. Nếu mà thoát qua được cửa khẩu thì họ nhận của mình còn nếu bị phát hiện thì không ai nhận. Lúc đó thì chúng tôi chỉ xử lý được tài xế”-ông Quế thông tin.

Cũng theo ông Quế, đối với các mặt hàng cấm, đặc biệt là pháo, đơn vị luôn tăng cường kiểm tra, kiểm soát và phối hợp với lực lượng chức năng thực hiện những biện pháp ngăn chặn. Thực tế nạn buôn bán trái phép pháo đã giảm đáng kể. “Chúng tôi xác định nguồn pháo là ở Trung Quốc đưa về, còn theo con đường nào thì không thể xác định được”. Ông Quế cho biết thêm tuyến đường biên giới quá dài nên rất khó để kiểm soát hết được.

Tại tỉnh Gia Lai, tình trạng buôn bán pháo cũng khá phức tạp. Thậm chí trên trang mạng xã hội Facebook “81 Gia Lai”, một số thành viên đăng tin mua bán pháo với số lượng lớn. Một lái buôn cho biết, những người thường mua pháo là các thanh niên “choai choai” hoặc học sinh các trường THPT trên địa bàn.

Theo thông tin chúng tôi tìm hiểu được, tối 11-1, Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về Hình sự-Kinh tế-Ma túy Công an huyện Đức Cơ đã mật phục và bắt quả tang đối tượng Nguyễn Xuân Cường (SN 1996, trú tại xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) đang thực hiện hành vi bán 1.000 quả pháo bi cho Hoàng Hữu Lộc (SN 1994, trú tại xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) tại địa phận xã Ia Nan, huyện Đức Cơ. Tại cơ quan Công an, Cường khai nhận mua pháo từ Campuchia sau đó mang về trong nước bán lại cho những người có nhu cầu để kiếm lời. Một cán bộ Công an huyện Đức Cơ cho biết, theo quy định số lượng pháo buôn bán phải lớn thì mới xử lý hình sự được. Trong khi đó, các đối tượng thường vận chuyển nhỏ lẻ nên chỉ bị phạt hành chính.

Nguyễn Nhật

Có thể bạn quan tâm