(GLO)- Chiến tranh đã lùi xa hơn 45 năm, song ký ức hào hùng về những năm tháng chống giặc ngoại xâm vẫn vẹn nguyên trong tâm trí của những người con vùng đất B6 anh hùng (nay là xã Ia Hrung, huyện Ia Grai). Đi lên từ gian khó, những người một thời xông pha trận mạc lại góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Ký ức hào hùng
Trở lại Ia Hrung những ngày này, chúng tôi khó khăn lắm mới có thể tìm gặp những “nhân chứng sống” từng trực tiếp đứng lên cầm súng bảo vệ thôn làng. Phần vì nhiều người đã mất, số khác thì tuổi cao sức yếu, trí nhớ không còn minh mẫn.
Qua lời giới thiệu của Chủ tịch UBND xã Ngô Duy Huyến, chúng tôi tìm về làng Maih để gặp ông Puih Pinh nay đã bước sang tuổi “xưa nay hiếm”. Ông Pinh kể, năm 1960, ông tham gia lực lượng du kích địa phương, trực tiếp đào hầm, cắm chông bảo vệ buôn làng. Năm 1966, ông được giao thêm nhiệm vụ làm liên lạc, dẫn đường cho bộ đội và đến năm 1968 làm xã đội trưởng, trực tiếp dẫn dắt lực lượng dân quân du kích tham gia cùng bộ đội chủ lực đánh nhiều trận lớn nhỏ. “Một ngày năm 1971, tôi cùng 2 du kích về làng lấy lương thực. Về gần làng, chúng tôi phát hiện 3 trực thăng đang quần thảo. Núp ở bụi cây bìa làng, chờ khi máy bay địch hạ thấp, tôi chụp lấy khẩu súng AK bên cạnh, ngắm thật kỹ rồi bóp cò. Sau 3 loạt đạn, chiếc máy bay địch bốc cháy rồi rớt xuống như tàu lá”-ông Pinh hồi tưởng. Ngừng một lát, rít thêm hơi thuốc, ông tiếp tục câu chuyện dang dở: “Sau khi 1 chiếc máy bay bị bắn cháy, 2 chiếc còn lại quyết tìm mục tiêu để trả thù. Tôi và 2 du kích vội tìm hầm để nấp và chống trả. Tôi tiếp tục bắn hạ thêm 1 chiếc trực thăng nữa tại bãi ruộng gần bìa rừng. Địch tăng cường lực lượng điên cuồng truy sát nhưng bộ đội ta đã kịp thời ứng cứu và tiêu diệt nhiều sinh lực địch”.
Một góc xã Ia Hrung (huyện Ia Grai). Ảnh: Đ.Y |
Với những chiến công trong kháng chiến chống Mỹ, ông Puih Pinh vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhì và Huân chương Giải phóng hạng nhì, hạng ba. Trở về với cuộc sống đời thường sau giải phóng, ông tiếp tục đảm nhận nhiều vị trí quan trọng của địa phương như: Phó Chủ tịch UBND xã (1977-1987), Chủ tịch UBND xã từ năm 1987 đến khi nghỉ hưu năm 1997.
Chia tay cựu chiến binh Puih Pinh, chúng tôi tìm đến nhà ông Ksor Hiếu (làng Bro Dung). Ông Hiếu trải lòng: “Tôi tham gia cách mạng từ năm 1968 rồi trở thành trinh sát thuộc K631 Sư đoàn 320. Năm 1973, trong một lần cùng đơn vị tham gia trận đánh quyết liệt gần khu vực làng Bẹk (nay thuộc xã Ia Bă, huyện Ia Grai), tôi bị trúng 2 viên đạn ở chân. 1 viên xuyên qua phần mềm lấy ra được, còn 1 viên ở gần khớp gối giờ vẫn nằm nguyên đấy”. Được đưa về tuyến sau chữa trị, tháng 1-1974, ông tiếp tục tham gia trận đánh ở làng Grit (nay là làng Bro Dung). Trận đánh ấy, ông tiêu diệt 2 tên lính ngụy nhưng lại bị thương ở bụng, phải phẫu thuật cắt bỏ 1/3 ruột già.
Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cũng như ông Hiếu, ông Pinh, người dân vùng đất B6 đều một lòng theo Đảng, theo cách mạng, kiên cường đấu tranh giữ đất, giữ làng, lập nên nhiều chiến công hiển hách. Năm 1998, Ia Hrung được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Phát huy truyền thống anh hùng
Giờ đây tuy tuổi cao sức yếu song ông Pinh, ông Hiếu vẫn tích cực lao động sản xuất và tham gia xây dựng đời sống mới. Nhìn các con cháu trưởng thành, ông Hiếu không giấu niềm tự hào: “5 trong 6 đứa con của mình đều tốt nghiệp cao đẳng, đại học và có việc làm ổn định. Chúng đang nối tiếp mình để xây dựng, bảo vệ quê hương”. Ông Hiếu cho hay, cùng với sự quan tâm hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, nhờ siêng năng, chịu khó nên cuộc sống của người dân trong làng, trong xã đã có nhiều đổi thay tích cực. Nhiều gia đình xây nhà khang trang, mua sắm vật dụng tiện nghi, hiện đại phục vụ sinh hoạt và sản xuất. “Có người còn sẵn sàng chia đất, chia rẫy cho người có hoàn cảnh khó khăn; góp công, hiến đất để xây trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng, làm đường”-ông Hiếu phấn khởi nói.
Người cựu binh già Puih Pinh kể lại những trận chiến đấu một thời khói lửa. Ảnh: Đ.Y |
Dẫn chúng tôi đi trên những con đường làng được trải nhựa phẳng lì, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ksor Hiếu chia sẻ: Ngay từ khi còn nhỏ, anh đã được nghe các chú, các bác kể nhiều về những trận đánh, những hy sinh mất mát... để có được ngày hôm nay. Có lẽ vì vậy mà trên cương vị là Chủ tịch Hội Nông dân, anh luôn quan tâm đến nhu cầu, nguyện vọng của hội viên, nông dân và tạo điều kiện để người dân được vay vốn, tiếp cận với khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm tăng năng suất.
Theo Chủ tịch UBND xã Ngô Duy Huyến, không chỉ những người con của vùng đất B6 đang ngày đêm ra sức xây dựng quê hương mà từ những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, những “công dân mới” cũng góp phần không nhỏ vào sự đổi thay của xã. Họ là người dân ở 2 huyện Thanh Hà và Kim Thành (tỉnh Hải Dương) đi kinh tế mới theo chính sách di dân của Nhà nước. 40 năm gắn bó với quê hương thứ 2, bà Nguyễn Thị Kiểm (thôn Thanh Hà 1), nguyên Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã hiện là một trong những triệu phú ở đất này. Với 3 ha cà phê đang cho thu hoạch cộng với việc chăn nuôi, mỗi năm gia đình bà thu gần nửa tỷ đồng. Hay như gia đình ông Nguyễn Văn Chuyên (cùng thôn) mỗi năm cũng thu nhập hơn 300 triệu đồng từ vườn cà phê, chanh dây và chăn nuôi.
Trao đổi thêm về những đổi thay của địa phương, ông Ngô Duy Huyến cho biết: “Phát huy truyền thống anh hùng, người dân trong xã luôn đoàn kết, cần cù lao động và chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, bà con đã tích cực chung sức, chung lòng cùng cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới. Cuối năm 2018, Ia Hrung đã “cán đích” nông thôn mới. Hiện xã đang phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt 37,5 triệu đồng/năm vào cuối năm 2020”.
ĐINH YẾN