Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Thân thương quà tặng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tặng quà và nhận quà là một phần trong cuộc sống của mỗi người, trong mọi nền văn hóa. Dù ở hoàn cảnh khác nhau, món quà không giống nhau, nhưng tình cảm dành cho nhau luôn là điều đáng quý.

Việc trao tặng những món quà, cho nhau những vật kỷ niệm từ ngày xưa là cách để người ta thể hiện tình cảm và sự trân trọng dành cho nhau. Người ở quê gửi cho người thân ở xa hoặc khách quý tới thăm vài ba bó rau tươi, ít trái cây vừa thu hái hay chục quả trứng gà.

Có những khi, nhà có khách đến bất ngờ không kịp chuẩn bị, nhiều người cũng cố tìm những gì tươi ngon nhất đang có trong nhà để làm quà. Những món quà quê không cầu kỳ, không được gói ghém đẹp mắt nhưng lại thắm đượm biết bao tình làng nghĩa xóm, tình bà con thân tộc.

Ảnh minh họa (nguồn internet).

Ảnh minh họa (nguồn internet).

Ngày tôi còn nhỏ, việc giao thương, đi lại còn nhiều khó khăn vì đường sá chưa được mở rộng, xe cộ thiếu thốn. Mỗi lần về quê hay bà con ở quê lên thăm, gia đình tôi thường nhận được những món quà chan chứa nghĩa tình. Đó là những gói đường mía được làm thủ công, chùm quả dừa hái từ khu vườn xanh mướt ở quê nhà. Có cả bao trái chà là được hái từ ngọn núi Nhiệm gần làng. Còn quà tôi gửi về quê cho bà con là những loại trái cây phong phú của miền Tây Nguyên, cũng có thể là nếp, là gạo, là gà, là trứng…

Quà quê cũng như người quê, đầy ắp ân tình. Những món quà tuy nhỏ mà chứa đầy tình cảm khiến người cho và người nhận thêm gắn kết. Giờ đây cũng vậy, tuy hàng hóa lưu thông dễ dàng, ở đâu cũng có thể mua được những thứ mình thích, nhưng túi bánh bột lọc Quảng Trị, ràng bánh tráng nước dừa Tam Quan nhận được từ quê hương luôn đem đến cho tôi xúc cảm ngọt ngào.

Cùng với sự phát triển mọi mặt của cuộc sống, mỗi người có cơ hội được đi đây đi đó nhiều hơn, có thể chiêm ngắm cảnh đẹp, thưởng thức đặc sản của một vùng đất khác và mua món quà lưu niệm đem về tặng gia đình, bạn bè. Những món quà như chiếc mũ, chiếc áo, chiếc móc khóa gắn với điểm du lịch được nhiều người chọn để làm quà lưu niệm sau những chuyến đi. Những món quà ấy tuy giá trị về vật chất không lớn, cũng có thể bị cũ đi sau một thời gian sử dụng, nhưng người nhận chắc chắn sẽ trân trọng tình cảm mà người tặng gửi gắm.

Chúng ta thường nghe câu “Của một đồng, công một lượng”, quà quý cốt ở tấm lòng, ở những yêu thương chứa đựng. Cuộc sống ổn định hơn cho phép người ta thể hiện tình cảm với gia đình, người thân, bạn bè một cách thiết thực hơn qua những món quà. Vào những dịp đặc biệt, ngoài bó hoa, lời chúc, thì tùy khả năng của mình, ta cũng chọn cho những người yêu thương của mình món quà phù hợp. Quà bánh cho trẻ, thuốc men, áo ấm cho người già là truyền thống kính già yêu trẻ bao đời vẫn luôn được mỗi cá nhân gìn giữ và phát huy.

Có những món quà được giữ lại, bền lâu, song hành với thời gian, trở thành kỷ vật trân quý. Cũng có món quà không thể đi theo người nhận cùng năm tháng nhưng trong ký ức, chắc hẳn những ân tình đẹp đẽ không dễ mờ phai

. Là giáo viên, được xã hội ưu tiên có một ngày kỷ niệm của nghề nên chúng tôi cũng thường được tặng quà. Có món quà đầy ắp tình thương và sự trân trọng khiến người nhận thêm yêu nghề và thấy mình cần cố gắng nhiều hơn để xứng đáng với những yêu thương đó. Tôi còn giữ quyển sổ nhỏ là quà tặng của các em học sinh năm đầu tiên đi dạy. Món quà nhỏ đơn sơ được các em tự mua, tự tìm đến nhà cô rồi rụt rè trao cho tôi với tất cả sự ngượng ngùng dễ thương.

Các em học sinh quê tôi ngày đó còn khó khăn lắm, cha mẹ suốt ngày bận rộn với ruộng vườn. Món quà là một sự trân trọng và yêu thương mà các em dành cho cô giáo. Những tình cảm ấy còn mãi trong tôi, dù bao năm đã qua, tôi đã đi hết cuộc đời cầm phấn với bao vui buồn và nhiều kỷ niệm.

Trong chiếc tủ sách của tôi có một ngăn dành lưu giữ quà tặng. Thỉnh thoảng, tôi dọn dẹp lại ngăn tủ, lật giở từng trang sách đã phai màu giấy, đọc những lời đề tặng viết bằng nét bút học trò vụng về, ngây thơ mà đong đầy tình cảm.

Những tấm thiệp nhỏ với bao cảm xúc yêu thương, bó hoa được làm thủ công tỉ mỉ, công phu. Những món quà tặng đượm màu thời gian ấy như mở ra cho tôi từng trang kỷ niệm đã đi qua trong cuộc đời.

Tặng quà là một nét đẹp trong văn hóa giao tiếp. “Của cho không bằng cách cho” và trên hết là tình cảm chân thành được thể hiện. Quà tặng là một cách để thể hiện lòng biết ơn. Thật đẹp biết bao khi người bệnh sau khi được cứu chữa có món quà nhỏ và lời cảm ơn gửi tới bác sĩ. Người thầy giáo già chắc chắn cũng sẽ rất vui khi học trò cũ đến thăm và đó là món quà quý nhất mà người thầy mong chờ.

Những món quà là sự kết nối yêu thương để cuộc sống thêm đẹp hơn với tình người lan tỏa.

Có thể bạn quan tâm