Đầu xuân, chúng tôi quyết định thực hiện chuyến đi về miền biên giới ngã ba Đông Dương, nơi có cột mốc thiêng liêng đánh dấu chủ quyền đất nước, nơi hiện hữu những làng mạc bình dị và kiên trung.
Có những vùng đất không chỉ được vẽ khắc bằng đường biên giới trên bản đồ mà còn lưu dấu trong từng câu chuyện, trong từng cuộc gặp gỡ thân tình. Tôi từng được đọc một thông tin khá thú vị rằng, 1 trong 10 điểm cần tới trên dải đất hình chữ S là ngã ba Đông Dương-nơi giao thoa giữa 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia, nơi không chỉ mang vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ mà còn gắn liền với lịch sử, văn hóa và tình hữu nghị giữa 3 quốc gia.
Vậy nên, với mong muốn có thêm những trải nghiệm đáng nhớ, trong một ngày đầu xuân, tôi men theo cảm xúc tự hào, thiêng liêng tìm đến ngã ba Đông Dương (xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum), nơi 1 con gà gáy, 3 nước cùng nghe.
![Đường lên cột mốc biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia trên độ cao 1.086m. Ảnh: N.T.D duong-len-cot-moc-bien-gioi-viet-nam-lao-campuchia-tren-do-cao-1086m.jpg](https://cdn.baogialai.com.vn/images/5280d79736bf637b83d5add7c6a143af566937149950d5cae0127ef46e3d9181c8a3f7dd527d8de2e9c332080f34adf7ebf1dfa423d87e14440992e16168008b7a1268ae05835a58defeb0371f3cfd174615dbaf380f9297151cd318d7b0e33750d39b57d2e79d72a1b6dc2dd7866221/duong-len-cot-moc-bien-gioi-viet-nam-lao-campuchia-tren-do-cao-1086m.jpg)
Nhà thơ Tố Hữu từng viết về vùng đất ba biên này: “Trên đường lớn Hồ Chí Minh/Gác ba biên giới... mối tình Đông Dương” (Nước non ngàn dặm). Có lẽ từ trong sâu thẳm trái tim của người dân đất Việt, ai cũng đều mong một lần được đến 1 trong 2 địa điểm ngã ba biên giới (địa điểm thứ 2 là cột mốc số 0, ngã ba biên giới giữa Việt Nam-Lào-Trung Quốc ở A Pa Chải, tỉnh Điện Biên) tự hào nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay nơi cột mốc thiêng liêng, để nhắc nhớ về một thế hệ cha ông dựng bờ giữ cõi, từ đó nhân lên tình yêu quê hương, Tổ quốc.
Trên bản đồ Google, từ TP. Pleiku chỉ mất 2 giờ 48 phút theo quốc lộ 14 đi tầm 136 km là đến ngã ba biên. Không nhiều khúc cua nguy hiểm nhưng cũng thách thức những tay lái chắc tay với khúc cua tay áo và thế dốc đứng. Qua ô cửa kính xe, tôi có thể nhìn thấy phía trước mắt bạt ngàn cà phê đang mùa hoa thơm ngát, trắng tinh khôi một dải mênh mông.
Trên đường đi có thể bắt gặp những sườn đồi uốn lượn. Đang là mùa lau trắng muốt vờn gió, đung đưa, bảng lảng sương mai se sắt. Thi thoảng bắt gặp hai bên đường dọc dài hàng cây đỗ mai bung nở rực rỡ. Không khí mùa xuân trong lành, đủ tĩnh lặng để tôi có thể nghe được tiếng gió miên man trên khắp núi đồi.
Cột mốc biên giới hiện ra trước mắt, sừng sững giữa đất trời bao la. Đó là một khối đá hoa cương 3 mặt, mỗi mặt khắc tên một quốc gia: Việt Nam-Lào-Campuchia. Đứng từ đây, có thể phóng tầm mắt nhìn sang 2 nước láng giềng. Đó là những ngọn đồi xanh thẳm bên đất Lào, là những con đường nhỏ, uốn lượn dẫn vào Vương quốc Campuchia. Tôi đưa tay chạm vào bề mặt mát lạnh của cột mốc, chợt cảm nhận được sự giao thoa kỳ diệu giữa 3 nền văn hóa, 3 số phận dân tộc.
Chỉ cách một bước chân thôi, tôi đã đứng giữa một vùng đất mới, nơi chỉ một khắc là ngôn ngữ thay đổi, khác biệt, nhưng sợi dây gắn kết vẫn luôn bền chặt trong tình hữu nghị sắt son. Ngã ba biên giới trù phú, xanh tươi ngút ngàn. Một cảm giác thật sự choáng ngợp, cảm xúc trào dâng thiêng liêng nơi cương thổ quốc gia.
Trong một chiều hoàng hôn gió lộng, tôi ngồi bên núi đồi biên giới. Trong suốt thời gian lưu lại vùng đất ngã ba biên này, tôi thấy nhiều bạn trẻ mặc áo in hình cờ đỏ sao vàng, những em bé háo hức leo từng bậc thang, những cựu chiến binh trên ngực áo sáng ngời huy chương hân hoan chụp ảnh bên cột mốc. Hẳn nhiều người trong số các cựu chiến binh ấy từng là thanh niên xung phong, từng là chiến sĩ vào sinh ra tử trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
![Tác giả cùng người thân tại ngã ba biên. Ảnh: N.T.D ben-phai-la-dat-campuachia-phia-ben-trai-la-dat-lao.jpg](https://cdn.baogialai.com.vn/images/5280d79736bf637b83d5add7c6a143afb1b8cd40563b793eecc0ded6e7ccdf7061cda9bae9a4a1a69ed8b507cee9370cc11cef065ed2a275ccdb3cc00ffdcb7e83dd8e6b0dd0d2e86cfe908f4ab1e65962a2d6350900a1ad0c62346a1227f5ea/ben-phai-la-dat-campuachia-phia-ben-trai-la-dat-lao.jpg)
Rời cột mốc, tôi tìm đến một làng nhỏ Đắk Mế (xã Bờ Y). Làng nép mình bên rẫy cà phê xanh thẳm, ngôi làng có biệt danh là “ba nước” với tộc người Brâu từ vùng Nam Lào và Đông Bắc Campuchia đã về định cư nơi đây.
Bắt gặp lũ trẻ con hiếu khách, chúng vui vẻ, cười chào. Tiếng chào con trẻ ấm lại không khí của ngày đầu tháng Giêng, dẫu nơi ngã ba biên còn vương lại cái rét se sắt của buổi chiều muốt gió. Tôi mới hiểu vì sao, nơi đây không chỉ là một đường ranh giới trên bản đồ, mà còn là nơi kết nối những tâm hồn xa lạ thêm ấm nồng tình đoàn kết. Những con người mà hồn nhiên trong từng hơi thở núi đồi, phóng khoáng trong từng ánh mắt, tươi vui trong từng câu chuyện của cỏ cây, bình dị và hiền lành dưới mỗi nếp nhà.
Ở đây lâu hơn một chút, tôi có cảm giác như gió lớn, rét buốt, hay nắng gắt miền biên giới đã gọt mài những khoảng thời gian khác nhau, những con người khác nhau. Dường như ở đây có 2 khoảng thời gian. Một là thời gian không thể đo đếm được của người biên viễn khi họ sống hồn nhiên, thong dong giữa đất trời, giữa núi đồi thênh thang. Một thời gian khác rất thực thấy rõ của những người lính quân hàm xanh ngày đêm canh gác để biên giới luôn bình yên. Chỉ một ánh nhìn thân thiện, một cái bắt tay trìu mến cũng đủ để nói lên lời cảm ơn chân thành của tôi dành cho người lính trên tuyến biên giới thân yêu này.
Nắng chiều đã cạn. Đứng bên cột mốc trong một chiều tà bảng lảng sương giăng giữa bao la núi rừng trùng điệp, tôi không khỏi xốn xang, bồi hồi khi nhìn những mái nhà nhỏ bình yên ở góc trời biên cương mờ dần giữa những sóng sánh núi xanh. Nhìn lại phía sau, cột mốc biên giới vẫn đứng đó, lặng lẽ nhưng vững vàng, như minh chứng cho sự trường tồn của tình hữu nghị, của những tháng năm đã qua và những hành trình phía trước.