Tháng Bảy tri ân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thị trấn Chư Ty, huyện biên giới Đức Cơ những ngày tháng Bảy này trở thành nơi tri ân các liệt sĩ đã hy sinh vì sự trường tồn của dân tộc. Càng linh thiêng và ý nghĩa hơn khi UBND tỉnh phối hợp với Ngân hàng TMCP Công thương và Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức lễ Khai thỉnh Đại hồng chung và cầu siêu anh linh các anh hùng liệt sĩ. Tiếng chuông trầm hùng vang lên giữa đại ngàn như sự tri ân anh linh liệt sĩ đang yên nghỉ trên vùng đất Tây Nguyên.

Nơi hội tụ nghĩa tình

Tối 18-7, bầu trời vùng biên giới Đức Cơ không có sao nhưng Nghĩa trang Liệt sĩ huyện lung linh huyền ảo bởi những ngọn nến tri ân. Những ngọn nến soi đường đưa các anh về với vòng tay ấm áp của đồng đội, người thân.

Ảnh: Lê Quang
Ở Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng, những ngày tháng Bảy này là điểm hẹn của đồng bào cả nước tụ họp về đây để tưởng nhớ những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì Tổ quốc. Trong dòng người ấy có hàng trăm cựu chiến binh đến từ Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Thanh Hóa… Trong đó có rất nhiều người từng trực tiếp tham gia các trận đánh lịch sử ở Plei Me, Phượng Hoàng… Chị Hồ Thị Đoan, ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, nguyên chiến sĩ B3, chiến đấu ở vùng đất máu lửa này xúc động: “Làm sao quên được những ngày tháng chiến đấu gian khổ. Đại đội tôi lúc mới vào biên chế gần 60 đồng chí nhưng sau hai-ba trận đánh chỉ còn lại 30… Có những người tôi chưa kịp nhớ mặt, gọi tên đã hy sinh. Gian khổ, hy sinh, nhưng họ đã không chùn bước. Anh linh các anh đã phù hộ chúng tôi có thêm sức khỏe, nghị lực để trở lại chiến trường xưa...”.

Đêm thắp nến tri ân đặc biệt xúc động khi những câu chuyện, những trang nhật ký ghi lại cuộc sống, chiến đấu anh dũng của các liệt sĩ được thân nhân hay các cựu chiến binh kể lại. Hơn 35 năm trước, máu của các anh đổ xuống và những giọt nước mắt tiếc thương đồng đội đã rơi cho khát vọng hòa bình. Còn đêm nay, tại Nghĩa trang Liệt sĩ Đức Cơ, trong nồng nàn hơi ấm được tiếp thêm từ những ngọn nến, hương hoa... lòng tiếc thương và tình cảm chợt ùa về, lòng người xúc động hòa trong những giọt nước mắt đã rơi của ngày ấy.

Sau phần đốt nến và thắp hương tri ân, các vị cao tăng của Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Gia Lai đã nói về công ơn của các liệt sĩ đã hy sinh vì hòa bình, độc lập, tự do cho đất nước hôm nay. Đó là một trong những nội dung báo hiếu tứ ân của đạo Phật.

Không giấu được sự xúc động, ông Phạm Huy Hùng-Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cho biết: “Để nâng cấp Nghĩa trang Liệt sĩ Đức Cơ khang trang và ấm cúng, cán bộ, nhân viên VietinBank đã đóng góp 50 tỷ đồng để xây dựng Bia tưởng niệm, Tượng đài liệt sĩ, tháp chuông, quả chuông… kèm theo đó là mong ước hương hồn liệt sĩ siêu thoát về nơi vĩnh hằng”.

Vang mãi tên anh

Thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: Lê Quang
Trước lúc tổ chức lễ Khai thỉnh Đại hồng chung, Tỉnh hội Phật giáo Gia Lai đã tổ chức lễ Khai kinh và lễ Chiêu hồn liệt sĩ. Tiếng chuông âm vang giữa đại ngàn. Cả một vùng biên giới lặng đi, hàng ngàn người cùng hồi tưởng về những chàng trai, cô gái mười tám đôi mươi từ miền Bắc theo dọc tuyến đường Hồ Chí Minh hùng vĩ đến đây, trước khi vào Nam tiếp tục chiến đấu hay thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả ở Campuchia, số còn lại ở lại chiến đấu ngay trên mảnh đất Tây Nguyên kiên cường. Hàng trăm người dân địa phương không phân biệt tôn giáo, dân tộc đã đến đây cùng đốt nến và thắp hương tri ân.

Phát biểu tại lễ cầu siêu, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thế Dũng đã tỏ lòng tôn vinh những cống hiến to lớn và sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, vì nền độc lập tự do của nước nhà và hạnh phúc của người dân Campuchia...

Đại đức Thích Nhuận Đạo-người dẫn chương trình của buổi lễ cho biết: “Trước khi hoạt động này diễn ra, công tác chuẩn bị cho lễ cầu siêu đã nhận được sự quan tâm của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đặc biệt, chính quyền địa phương đã quan tâm và tạo điều kiện giúp đỡ, để tổ chức chương trình này”.

Nghĩa trang Liệt sĩ Đức Cơ từ lâu đã trở thành cõi thiêng, trở thành điểm hẹn của hàng trăm người con trên mọi miền của Tổ quốc và cả nhiều người dân lẫn quan chức Campuchia và Lào. Ông Ríp Tân-Tỉnh trưởng tỉnh Pret Vihia (Campuchia) không giấu nổi xúc động: “Các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh thân mình không chỉ cho đất nước Việt Nam mà còn cho cả đất nước Chùa Tháp chúng tôi. Người dân Campuchia đời đời ghi nhớ công ơn của các anh, các chị…”.

Lê Quang

Có thể bạn quan tâm