Tháng Hành động an toàn thực phẩm: Nhiều tín hiệu lạc quan

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tháng Hành động vì an toàn thực phẩm năm 2018 (từ ngày 15-4 đến 15-5) đã khép lại với nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, công tác tuyên truyền vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) được đẩy mạnh với nhiều hình thức phong phú, đa dạng đã tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong cộng đồng. Công tác thanh-kiểm tra cũng được triển khai rộng khắp từ tỉnh đến xã, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Diễn ra rộng khắp trên toàn tỉnh, công tác tuyên truyền trước và trong tháng hành động được các địa phương chú trọng thực hiện. 17/17 huyện, thị xã, thành phố đều tổ chức lễ phát động với sự tham gia của đông đảo người dân trên địa bàn. Các cấp, các ngành đã treo gần 500 băng rôn (trong đó có 64 băng rôn do cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tự treo), cấp phát 240 băng đĩa tuyên truyền, tổ chức xe loa tuyên truyền lưu động… Bên cạnh đó, các cấp, các ngành đã chủ động phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.

 

Kiểm tra một cơ sở chế biến thực phẩm. Ảnh: N.N

Bà Nguyễn Thị Mẫy-Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Giáo dục Sức khỏe tỉnh, cho biết: “Một trong những hình thức tuyên truyền được mọi người quan tâm là tuyên truyền trực tiếp. Trong tháng hành động, Trung tâm đã tổ chức các buổi nói chuyện về VSATTP tại các thôn, làng vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh, thu hút hàng ngàn  lượt người tham gia. Các buổi nói chuyện tập trung đi sâu vào việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân lựa chọn, bảo quản thực phẩm, phòng-chống ngộ độc và các bệnh truyền qua thực phẩm. Cách tuyên truyền trực tiếp giúp người dân có thêm thông tin, kiến thức, chủ động phòng tránh ngộ độc thực phẩm cho bản thân và gia đình”.  

Cũng trong tháng hành động, công tác thanh-kiểm tra được triển khai cả ở 3 cấp nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về VSATTP. Ông Nguyễn Văn Đang-Chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm tỉnh, Trưởng đoàn thanh tra liên ngành của tỉnh, cho biết: Qua thực tế kiểm tra, nhiều cơ sở đã có sự đầu tư về điều kiện cơ sở vật chất, không ngừng cải tiến quy trình sản xuất, chế biến, trang bị công nghệ mới. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn một số cơ sở chưa có sự đầu tư về cơ sở vật chất, sản xuất thủ công, nhỏ lẻ. Nhìn chung, dù qua kiểm tra có phát hiện vi phạm nhưng đáng mừng là số vụ vi phạm trong lĩnh vực VSATTP có chiều hướng giảm, không phát hiện vụ việc có tính chất nghiêm trọng. Trong tháng hành động cũng không có vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra.

“Qua kiểm tra 22 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh trong tháng hành động, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã phát hiện 8 cơ sở vi phạm, tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt vi phạm với tổng số tiền 32.750.000 đồng; đồng thời công khai các cơ sở này trên các phương tiện truyền thông. Ngoài xử phạt vi phạm hành chính, đoàn cũng đã tiến hành tiêu hủy gần 100 kg thực phẩm không đảm bảo an toàn. Trong quá trình kiểm tra, các cơ sở có sự phối hợp tốt, hầu hết giấy tờ, thủ tục pháp lý đều được thực hiện đúng quy định. Các lỗi vi phạm chủ yếu là không đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất; không có đủ thiết bị, biện pháp phòng-chống côn trùng theo quy định… Đoàn cũng đã tuyên truyền trực tiếp và hướng dẫn cụ thể cho các cơ sở khắc phục vi phạm. Ngoài ra, đoàn liên ngành của tỉnh cũng làm việc với 6 Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP cấp xã và 2 Ban Chỉ đạo liên ngành cấp huyện về công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm”-ông Đang cho biết.

Tại TP. Pleiku, nơi có gần 3.100 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, công tác đảm bảo VSATTP trong tháng hành động nói riêng và thời gian tới được thành phố xác định tập trung triển khai thường xuyên. Ông Nguyễn Thanh Bình-Trưởng phòng Y tế TP. Pleiku, Trưởng đoàn thanh-kiểm tra liên ngành của thành phố, thông tin: Từ ngày 22-4 đến 15-5, đoàn đã tiến hành kiểm tra 30 cơ sở, phát hiện 7 cơ sở vi phạm và tiến hành xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 12.750.000 đồng. So với tháng hành động năm 2017, tỷ lệ vi phạm năm nay giảm 2%. Đây là tín hiệu lạc quan, cho thấy ý thức của người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đã được nâng lên. Một số cơ sở những năm trước vi phạm thì năm nay đã được khắc phục, không tái vi phạm.

Năm nay, huyện Ia Grai được chọn làm điểm tổ chức lễ phát động Tháng Hành động của tỉnh. Lễ phát động có sự tham gia của các cấp, các ngành, đoàn thể của tỉnh và địa phương cùng hơn 600 người dân trên địa bàn. Tại đây, đại diện cơ sở sản xuất đã ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật trong kinh doanh thực phẩm. Kết quả kiểm tra trong tháng hành động trên địa bàn huyện cho thấy có nhiều chuyển biến tích cực về ý thức chấp hành pháp luật tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Huyện Ia Grai đã thành lập 9 đoàn thanh-kiểm tra liên ngành (gồm 1 đoàn tuyến huyện và 8 đoàn tuyến xã). Qua kiểm tra 76 cơ sở, lực lượng chức năng phát hiện 8 cơ sở vi phạm; trong đó nhắc nhở đối với 6 cơ sở và xử phạt vi phạm hành chính 2 cơ sở với số tiền 2,1 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Đang-Chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm tỉnh: “Thời gian tới, Chi cục sẽ tổ chức giám sát việc đảm bảo VSATTP trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 trên địa bàn tỉnh; tiến hành thanh-kiểm tra đột xuất khi có sự chỉ đạo của cấp trên hoặc có sự phản ánh của người dân. Công tác giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm và giám sát ngộ độc thực phẩm cũng sẽ triển khai thường xuyên hơn. Ngoài ra, chú trọng xây dựng mô hình điểm bếp ăn tập thể tại 105 trường học nội trú và bán trú trên địa bàn toàn tỉnh và 50 mô hình điểm cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ ăn uống...”.

Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm