Kinh tế

Thành công từ cách làm khác

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tuy chọn hướng đi không mới-trồng hồ tiêu, nhưng cách làm lại rất khác đã đem lại những thành công nhìn thấy rõ cho Đinh Lâm (thôn 2, thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Pah). Minh chứng là thời điểm này, khi vườn hồ tiêu của hầu hết cả thôn đều bị dịch bệnh và chết hàng loạt thì những trụ hồ tiêu của Lâm vẫn xanh mướt và phát triển rất tốt.

Anh Lâm đang kiểm tra những thùng phuy ủ thuốc trừ sâu và phân bón sinh học. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc

Lựa chọn và quyết định hướng khởi nghiệp không khó, cái khó là phải vạch ra được kế hoạch, phương pháp thực hiện để hướng đi đó trở thành đúng đắn và thành công. Trồng hồ tiêu xưa nay là việc bình thường ở vùng đất Tây Nguyên nói riêng, Gia Lai nói chung. Và khi được giá, hồ tiêu trở thành loại cây chủ lực của kinh tế tỉnh, người người trồng hồ tiêu, nhà nhà trồng hồ tiêu, theo đó diện tích hồ tiêu không ngừng tăng lên. Bởi vậy, việc Lâm mong muốn đổi đời bằng cách trồng tiêu cũng là việc bình thường. Nhưng điều khác thường là khi hầu hết những người trồng hồ tiêu đi trước đều dùng phân bón lẫn thuốc trừ sâu hóa học vừa nhanh gọn, vừa hiệu quả ngay thì anh chỉ dùng các chế phẩm sinh học, thân thiện với môi trường, tuyệt đối an toàn, không độc hại.
 

Anh Lâm bên vườn tiêu xanh và sạch của mình. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc

Tất cả những sản phẩm này đều do Lâm tự tay làm. Thuốc trừ sâu thì làm từ các nguyên liệu như ớt, tỏi, rượu, các loại rau thơm... ủ với men; còn phân bón thì làm từ cá sông cũng ủ với men. “So với các sản phẩm phân bón vô cơ và thuốc trừ sâu hóa học, chi phí cho những sản phẩm mình làm ra chỉ bằng 1/3, chủ yếu tốn công. Nên mỗi lần làm thì mình làm luôn để dùng trong 6 tháng”-anh cho biết.
 

Kinh nghiệm khởi nghiệp của Đinh Lâm:
  • Không ngại “làm khác”.
  • Không nóng vội, không vì cái lợi trước mắt.
  • Thận trọng và có trách nhiệm với việc mình làm, với hướng đi đã chọn.
  • Luôn đặt mục tiêu cho sự bền vững.

Và nếu chỉ như vậy thì vẫn chưa thấy được những nỗ lực của Đinh Lâm để cho ra sản phẩm tiêu sạch. Là con út trong ngôi nhà khá đông con-tới 8 anh chị em, nhưng tới năm 2 tuổi, ba mẹ mất, Lâm trở thành trẻ mồ côi và phải ở nhờ lần lượt nhà anh, chị. Học hết cấp II, anh nghỉ học và bắt đầu cuộc đời làm thuê làm mướn. Ai thuê làm gì cũng làm. Công việc thường xuyên nhất là hái cà phê cho Nông trường Ia Sao (huyện Ia Grai). Năm 1999, lúc 18 tuổi, Lâm vào Sài Gòn tìm kế sinh nhai, bắt đầu bằng việc rửa xe. Năm 2001, anh xuống Cần Thơ học nghề làm cửa sắt. 2 năm sau, Lâm về lại huyện Chư Pah lập gia đình và mở tiệm cửa sắt. Thời kỳ này, nghề cửa sắt làm cũng khá, cộng với sự cần cù, tỉ mẩn, trách nhiệm của chủ tiệm nên khách hàng tìm tới với anh rất đông.

Tuy nhiên, “vì vẫn muốn kinh tế ổn định hơn nên cách đây vài năm mình bắt đầu mày mò trồng hồ tiêu. Nhà không có tiền nên mình tự đúc trụ, và trồng 50 dây hồ tiêu. Trong lúc mình đúc trụ, những người dân ở đây thấy nên đặt mình đúc luôn, vậy là có thêm ít tiền nữa để đầu tư cho hồ tiêu. Tổng vốn ban đầu của vườn hồ tiêu chỉ có... 15 triệu đồng”-Lâm nói. Không có vốn để đầu tư nhiều, anh chọn cách “lấy nó nuôi nó”. Qua năm thứ 2, anh cắt giống từ 50 trụ đầu tiên để nhân ra làm 600 trụ. Và năm 3, lại tiếp tục nhân giống ra 1.100 trụ. Lúc này, ngoài giống để trồng, anh còn đem bán được 300 triệu đồng và lấy tiền này đầu tư cho hồ tiêu. “Mình chỉ tốn tiền mua đất, đó là tiền dành dụm được từ khi làm cửa sắt và vay mượn thêm ngân hàng”-Lâm nói. Ông chủ vườn hồ tiêu cho hay, gia đình anh vừa mới thu hoạch mùa đầu tiên trên 650 trụ hồ tiêu với tổng năng suất 5 tấn.

Khi mới bắt đầu trồng hồ tiêu, kiến thức về chăm sóc hồ tiêu với Lâm hoàn toàn là con số 0, nên có thời gian hồ tiêu bị rối loạn dinh dưỡng, quắn lá và không phát triển (người trồng hồ tiêu thường gọi là “tiêu điên”) do chăm không đúng quy trình. Lúc này, Lâm mới bắt đầu tìm hiểu cách chăm sóc hồ tiêu. Thấy một số người bạn ở Vũng Tàu, Đồng Nai trồng hồ tiêu rất tốt, năng suất cao, ít sâu bệnh, Lâm đã khăn gói vào tìm hiểu và học hỏi. Thì ra những người này đều dùng phân bón và thuốc trừ sâu sinh học, hoàn toàn không dùng các sản phẩm hóa học. Và anh đem những kiến thức đã học hỏi được về áp dụng cho vườn nhà.

Sau khi áp dụng thành công, tiếng lành đồn xa, nhiều người nghe tới cách làm của anh cũng đã tới học hỏi kinh nghiệm và được chia sẻ, hướng dẫn tận tình. Riêng với Lâm, công sức và nỗ lực đã bỏ ra được đền đáp xứng đáng. Trong khi hồ tiêu hiện đang bị dịch bệnh, cả thôn có 10 hộ trồng hồ tiêu thì có tới 8 hộ bị nhiễm bệnh và chết sạch, có hộ trồng 4.000 trụ giờ cũng chỉ còn lại vài trăm trụ; riêng vườn hồ tiêu nhà Lâm và 1 hộ khác, nhờ học cách chăm sóc hồ tiêu của anh mà vườn vẫn xanh mướt, những nhánh tiêu ken dày, có cảm tưởng như không có chỗ cho lá mọc. “Mình mong Nhà nước có những chính sách hỗ trợ, có những tổ chức hoặc cá nhân nhận bao tiêu sản phẩm tiêu sạch để người nông dân yên tâm sản xuất. Khi đã tìm được đầu ra, chắc chắn mình sẽ vận động được bà con ở đây liên kết lại để hình thành vùng hồ tiêu sạch tuyệt đối để cung cấp cho thị trường”-Đinh Lâm mong mỏi.

 Hà Duy

Có thể bạn quan tâm