Sau công trình "hạc pikachu" bị dư luận phản ứng, sau khi Tượng đài 20 tỉ vừa bị bác còn chưa ráo mực, HĐND tỉnh Thanh Hoá lại thông qua nghị quyết về một tượng đài 75 tỉ.
Biểu tượng di tích lịch sử cách mạng Yên Trường y như cảnh "đóng đinh con hạc pikachu" từng gây bao điều tiếng. Và giờ, lại đến tượng đài 75 tỉ. Ảnh: Congluan.vn |
Theo thuyết trình, số tiền 75 tỉ này được đầu tư cho Khu di tích lịch sử Trận địa Đông Ngàn và Tượng đài Trung đội dân quân gái xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc.
Trong 75 tỉ, ngoài 38 tỉ từ nguồn xã hội hoá, có 47 tỉ sử dụng ngân sách địa phương.
Cũng như tất cả các quảng trường, tượng đài khác, thuyết trình không hề quên hai chữ “cần thiết”.
Nhưng xây tượng đài trong lúc này có thực sự cần thiết cấp bách đến thế không?
Cuối năm 2018, khi làm việc với Thanh Hoá, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, tăng trưởng của Thanh Hóa vẫn dưới mức tiềm năng và ông đề xuất “Thanh Hóa cần quán triệt tinh thần nỗ lực vươn lên về tự chủ ngân sách”.
Bởi năm 2018, dù đạt “dấu son” với tổng thu ngân sách kỷ lục: 23.276 tỉ; tốc độ tăng trưởng GRDP 15,16% cũng kỷ lục nhưng những kỷ lục ấy hơn nửa phụ thuộc vào cái tên Nghi Sơn. Bởi riêng nhà máy lọc hoá dầu này khi có sản phẩm vào tháng 5.2018 đã đóng góp tới 8 điểm phần trăm cho tăng trưởng GRDP của tỉnh.
Bởi dù “phát triển ấn tượng”, bản chất Thanh Hoá vẫn là địa phương vẫn còn nhận hỗ trợ hàng ngàn tỉ từ NSNN.
Chưa hề giàu, nhưng chơi sang thì chẳng kém ai cả. Dư luận chắc chắn là chưa quên trường hợp cái tượng đài 20 tỉ ở huyện Yên Định. Địa phương này vẫn quyết làm tượng đài 20 tỉ khi mà các món nợ tiếp khách, xây dựng, mua sắm lên tới... 52 tỉ chưa trả nổi và chưa biết trả bằng cách nào.
Ngân sách nhà nước năm 2020 là cực kỳ khó khăn với số hụt thu lên tới 190 ngàn tỉ. Chính phủ đang phải siết chặt chi thường xuyên để tiết kiệm.
Năm 2021, đến cả nguồn tăng lương cũng không có, đến mức Quốc hội phải quyết định “chưa tăng lương”.
Xây dựng tượng đài, dù “chỉ” 72 tỉ trong bối cảnh đại dịch Covid- 19 vẫn còn hết sức phức tạp, trong khi vẫn phải xin ngân sách từ trung ương thật sự là phản cảm với khó khăn của người dân.
Có lẽ, ngoài việc siết chặt chi thường xuyên, Chính phủ cũng cần có một chỉ thị, thậm chí một nghị quyết để trước hết dừng lại những sự “cần thiết” không thực sự... cần thiết so với áo cơm của người dân.
ANH ĐÀO (LĐO)