Thanh Minh ở Phố núi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những cư dân Việt dù xuống bể hay lên nguồn, từ nông thôn đến thành thị đều không quên Tết Thanh Minh vào tháng 3 Âm lịch. “Truyện Kiều” của Nguyễn Du có câu: “Thanh Minh trong tiết tháng ba/Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh”. Đây là tiết thứ 5 trong 24 tiết của người phương Đông.

Người Việt đã du nhập và coi trọng Tết Thanh Minh theo truyền thống và quan niệm riêng. Thời phong kiến, đây là dịp tổ chức lễ nghi chính của triều đình do vua làm chủ lễ. Ngoài việc tảo mộ ông bà, cúng gia tiên của các gia đình, tộc họ, Thanh Minh còn cúng chư vị thổ công xóm làng, khu phố… với ý nghĩa biết ơn ông bà tổ tiên, các vị tiền nhân, cầu an cho gia đình, xóm làng và khu phố.

 

Ảnh minh họa

Cách đây nhiều thập niên, người Việt đã mang văn hóa truyền thống của mình hòa nhập vào Phố núi thân yêu. Bên cạnh Tết Nguyên đán, người dân các khu phố hầu như đều tổ chức cúng Thanh Minh vào đầu tháng 3 hàng năm. Tùy theo tập quán sinh hoạt từng nơi mà cách thức tổ chức khác nhau, cúng lớn hay cúng nhỏ nhưng nhìn chung đều chu đáo và trang trọng, hầu hết là cúng tiệc mặn  để sau lễ, các gia đình trong khu phố thêm một dịp được quây quần bên mâm cơm ấm cúng mà chuyện trò, chia sẻ, hàn huyên.

Ở khu phố chúng tôi, việc cúng Thanh Minh được chia làm nhiều khu vực nhỏ theo cụm dân cư. Khu chúng tôi ở là đường Sư Vạn Hạnh, trong cụm dân cư có ngôi miếu thổ thần, có phân công người trông nom, hương khói. Hàng năm vào dịp Thanh Minh, bà con trong xóm đóng góp tùy lòng hảo tâm để cúng Thanh Minh tại ngôi miếu này. Chủ lễ là người lớn tuổi đức độ trong xóm dâng cúng với bài vị khấn thần linh, thổ công, thổ phủ, long mạch, tiền chu tước, hậu huyền vũ, tả thanh long, hữu bạch hổ và chư vị tôn thần cai quản khu vực này. Đồng thời, cầu  an lạc, sức khỏe cho bà con lối xóm. Có thể nói, Thanh Minh là dịp hội ngộ thành viên trong các gia đình, kết chặt thêm tình thân hữu xóm làng, đúng với nghĩa “bán anh em xa, mua láng giềng gần” để “tối lửa tắt đèn có nhau”. Đặc trưng của việc cúng Thanh Minh ở Pleiku có thể nói được biến thể theo hướng cố kết cộng đồng nhiều hơn là yếu tố tâm linh; nó chuyển từ hình thức riêng rẽ từng gia đình, tộc họ đến cộng đồng dân cư, qua đó tạo nếp sinh hoạt văn hóa tốt đẹp giữa các tầng lớp khác nhau trong xã hội thu nhỏ.

Pleiku vào tháng 3 Âm lịch thường là những ngày rực nắng. Để cúng Thanh Minh, bà con các khu phố thường hay mượn một góc phố để dựng rạp, hành lễ và đãi tiệc. Bởi vậy, ta cũng cần lưu tâm đến việc làm sao cho chu đáo, vừa đảm bảo được sự tôn kính của lễ vừa không gây  cản trở giao thông. Đặc biệt là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Nên chăng, tận dụng những khu vực công cộng như nơi hội họp khối phố, bãi đất trống để dựng rạp tổ chức sinh hoạt, cúng bái; thận trọng với việc chế biến thực phẩm và đồ uống để tránh tình trạng ngộ độc tập thể, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, mọi người cần hạn chế việc đốt vàng mã gây ô nhiễm môi trường, gây cháy nổ, dẫn dắt người dân vào các tục lệ mê tín dị đoan hoặc bày vẽ ăn uống linh đình, lãng phí, say sưa làm mất an ninh trật tự khu vực.

Bùi Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm