Thời gian gần đây, anh Krinh (làng O Đeh, xã Ia Pết) có thu nhập ổn định nhờ công việc thầu xây dựng. Anh chia sẻ: “Gia đình tôi có ít đất sản xuất, lại nuôi con nhỏ, bố mẹ già yếu. Trước đây, tôi phải đi làm thuê khắp nơi nhưng vẫn không đủ trang trải cuộc sống. Cách đây 3 năm, tôi tham gia lớp học nghề thợ xây do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức. Sau 3 tháng học nghề, tôi đã thành thạo công việc xây dựng và có việc làm ổn định”.
Sau khi biết nghề, anh Krinh nhận thầu sửa chữa, xây dựng nhà ở cho bà con trong làng. Sau đó, anh nhận làm công trình tường rào, đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã Ia Pết. Nhờ chịu khó học hỏi và làm ăn uy tín, anh được nhiều cơ quan, đơn vị và người dân trong vùng đặt hàng xây dựng, sửa chữa công trình. Công việc này mang lại thu nhập cho anh Krinh hơn 100 triệu đồng/năm và tạo việc làm thường xuyên cho 8-10 lao động địa phương.
Anh Krinh (làng O Đeh, xã Ia Pết, huyện Đak Đoa) bên công trình do anh nhận thi công. Ảnh: Đ.Y |
Ông Nguyễn Phi Cưng-công chức Văn hóa-Xã hội xã Ia Pết-cho biết: Toàn xã hiện có 13 đội xây dựng nhận thầu các công trình nhà ở và thi công công trình. Nhân công của các đội hầu hết là người dân tộc thiểu số đã qua đào tạo nghề.
“Để giúp lao động nông thôn có nghề và thu nhập ổn định, hàng năm, xã phối hợp mở các lớp đào tạo nghề xây dựng cho khoảng 50 người. Các học viên sau khi hoàn thành khóa học được Trường Cao đẳng Gia Lai cấp chứng chỉ nghề thợ xây và có thể tự nhận công trình để xây dựng hoặc làm thuê kiếm thêm thu nhập”-ông Cưng chia sẻ.
Trong 3 năm qua, từ nguồn kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, UBND xã Ia Băng phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Đak Đoa mở 8 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn. Trong đó, nghề may dành cho hội viên phụ nữ đã phát huy hiệu quả rõ rệt.
Chị Trần Thị Hoài-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn 5 đã tập hợp chị em đã qua học nghề may để thành lập Tổ hợp tác may gia công. Hiện Tổ hợp tác có 20 thành viên. Tham gia Tổ hợp tác, các chị được hỗ trợ học nghề miễn phí, có việc làm, từng bước cải thiện cuộc sống. Gắn bó từ ngày đầu vào Tổ hợp tác, chị Nguyễn Thị Kiều Oanh phấn khởi nói: “Nhà có con nhỏ nên mấy năm qua, tôi chỉ quanh quẩn ở nhà chăm sóc vườn cà phê và đưa đón con đi học. Khi biết Tổ hợp tác tuyển người làm thợ may, tôi mạnh dạn đăng ký. Từ chỗ vừa học vừa làm với tiền công chỉ vài chục ngàn đồng/ngày, hiện nay, thu nhập của tôi bình quân 5-10 triệu đồng/tháng”.
Ngoài 2 nghề chính là xây dựng và may gia công, huyện Đak Đoa còn tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân phát triển nghề chăn nuôi. Mới đây, UBND xã Đak Sơ Mei phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện mở lớp dạy nghề chăn nuôi cho 25 hội viên phụ nữ. Kết thúc lớp học, Hội Liên hiệp phụ nữ xã đã trích quỹ Hội mua 4 con heo sinh sản tặng cho chị Y Thu (làng Tul Đoa) và chị Lên (làng Đê Gôh) làm sinh kế vươn lên thoát nghèo. Chị Y Thu phấn khởi nói: “Sau 3 tháng tham gia khóa học nghề chăn nuôi, tôi có thêm kiến thức về chăm sóc, phòng bệnh cho vật nuôi. Gia đình tôi sẽ cố gắng chăm sóc 2 con heo thật tốt”.
Trao đổi với P.V, bà Nguyễn Thị Thúy Nga-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Đak Đoa-thông tin: Từ năm 2021 đến nay, Phòng phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện mở 22 lớp đào tạo nghề thợ xây, trồng trọt, chăn nuôi, thú y… cho hàng trăm học viên. Sau khóa học, hầu hết học viên nắm vững kiến thức và áp dụng vào sản xuất, thi công công trình, từ đó tạo việc làm, ổn định thu nhập.
“Thời gian tới, Phòng tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan mở các lớp đào tạo nghề nâng cao, tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động, kết hợp hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho học viên ở các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh”-bà Nga nhấn mạnh.