(GLO)- Trồng, chăm sóc hàng ngàn cây thông phủ xanh núi Thụp được tuổi trẻ xã Kon Thụp (huyện Mang Yang) triển khai được hơn một năm nay. Cuộc “cách mạng xanh” này mang nhiều ý nghĩa, nhất là khơi dậy tinh thần trách nhiệm của từng người trẻ sống ở làng.
Trồng, chăm sóc thông để phủ xanh núi Thụp được xem là một trong những hoạt động trong Năm Thanh niên tình nguyện 2014 của tuổi trẻ xã Kon Thụp. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Núi Thụp-ngọn núi cao nhất và từng là biểu tượng cho sự hùng vĩ của vùng đất Kon Thụp. Trong ký ức của nhiều người già, ngọn núi xưa kia có rất nhiều cổ thụ, tạo nên một vùng rừng già. Người dân ở 7 làng Bahnar sống quanh chân núi luôn tự hào, xem đây là điểm tựa vững vàng mỗi khi nghĩ về buôn làng. Khi đi xa trở về hay khi đi lạc ra khỏi địa hạt của mình, người Bahnar chỉ cần hướng về phía những tán cổ thụ trên ngọn núi kỳ vĩ nhất vùng, sẽ tìm thấy đường về nhà. Thế nhưng, ngọn núi biểu tượng cho sự hùng vĩ dần trở nên trơ trọi trước “cơn lốc” phá rừng, mưu cầu đất đai để sản xuất.
Anh A Ninh-Bí thư Đoàn Thanh niên xã cho biết: “Trong những câu chuyện của già làng, ông luôn nhắc đến ngọn núi Thụp với rừng già bao phủ, con nai, con mang sống chung với con người. Nghe già kể ai cũng nuối tiếc vì đã để mất rừng. Rất ít người còn nhận ra núi Thụp từng là biểu tượng cho sự hùng dũng, niềm kiêu hãnh của người Bahnar vùng này. Vậy là trong những cuộc họp làng, vấn đề trồng cây gây rừng lại cho núi Thụp được đặt ra. Khôi phục rừng đồng nghĩa với khôi phục lại biểu tượng của cả vùng. Đảng ủy xã quyết định giao trọng trách này cho Đoàn Thanh niên. Mới đầu, mình chưa biết phải triển khai công việc như thế nào nhưng vẫn nhận. May mắn là trong nhiều cuộc họp chi đoàn, vấn đề này được thanh niên rất ủng hộ”.
Làm sao phủ kín cho ngọn núi với diện tích hàng chục ha là bài toán không dễ. A Ninh nói, có nhiều vấn đề đặt ra khiến làng phải họp bàn mãi, chẳng hạn như trồng cây gì, trồng như thế nào, kinh phí ở đâu… “Cuối cùng, chúng tôi mạnh dạn đến đặt vấn đề với Công ty Lâm nghiệp Kon Chiêng-đơn vị có kinh nghiệm trồng rừng đứng chân trên địa bàn huyện. Không ngờ Công ty giúp đỡ rất nhiệt tình. Lúc này, chúng tôi mới thở phào bắt tay vào việc. Công ty tư vấn cho chúng tôi trồng giống cây thông-loài cây khá phù hợp với thổ nhưỡng trong vùng, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật trồng và hỗ trợ toàn bộ cây giống”-A Ninh kể lại.
Ảnh: Hoàng Ngọc |
Một ngày đầu mùa mưa 2013, hơn 2.000 người dân của 7 làng Bahnar sống quanh núi Thụp, trong đó phần lớn là thanh niên đã làm nên một cuộc “cách mạng xanh”. Họ đã phủ xanh núi Thụp bằng 20 ngàn cây thông non chỉ trong một buổi sáng. Bí thư Xã đoàn nói: “Sau khi trồng, mình giao trách nhiệm cho từng chi đoàn của 7 làng, mỗi làng phải chăm sóc, bảo vệ đến khi thông mọc thành rừng, nếu để thông chết sẽ bị kiểm điểm. Chi đoàn các làng thường phối hợp với người dân trong xã làm cỏ, đồng thời tuyên truyền cho họ cách phát dọn để không làm cháy rừng thông”.
Lứa thông non nhờ chăm sóc tốt đã xanh ngời những búp non, cây cao quá đầu gối, có cây đã tới thắt lưng. Hôm nay là ngày các chi đoàn phát động làm cỏ cho thông trước khi mùa mưa tới nên không khí rộn ràng hẳn. Thanh niên các làng tập trung đông đủ với đủ thứ dụng cụ, người cầm cuốc, người cầm xà gạc. Trên sườn núi cao, bóng những chiếc áo xanh thấp thoáng giữa những hàng thông non. Đúng là không có việc gì khó nếu có sự đồng lòng của tập thể. Anh Amyin (làng Dư Nâu) chia sẻ: “Đoàn xã phân công rồi, mỗi làng chăm sóc một lô hơn 1,5 ha. Chi đoàn làng Dư Nâu cũng như các làng khác, đều muốn chăm sóc thông thật tốt để nó mau lớn, mau thành rừng phủ xanh cho núi Thụp”.
Bí thư Đoàn Thanh niên xã A Ninh phấn khởi khi cho rằng, trồng thông phủ xanh núi Thụp là một trong những thành quả của tuổi trẻ toàn xã. Anh nói: “Sự đoàn kết chính là yếu tố tạo nên sức mạnh, sự đồng thuận cao trong lực lượng trẻ, vì thế đã giành nhiều kết quả trong các phong trào thi đua. Song đáng kể nhất phải kể đến phong trào làm kinh tế giỏi trong thanh niên. Nhiều hộ thanh niên hiện có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Toàn xã chỉ còn 15/815 hộ thanh niên nghèo. Đoàn xã đang cố gắng giúp họ thoát nghèo bằng cách để các hộ thanh niên khá giả giúp hộ thanh niên nghèo vay vốn. Song song với đó là phong trào gây quỹ cũng được các chi đoàn làng thi đua bằng nhiều hình thức. Mỗi chi đoàn làng đều có khoảng 1 ha đất để trồng bời lời, bắp, hay mì tùy vào điều kiện từng làng”.
Năm Thanh niên tình nguyện 2014 được tuổi trẻ xã Kon Thụp hưởng ứng bằng nhiều hoạt động ý nghĩa. A Ninh cho biết, với một xã vùng II còn nhiều khó khăn như Kon Thụp, phát huy tinh thần xung kích tình nguyện cần trở thành một thói quen, lối sống tốt để thanh niên góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội, giúp địa phương thoát nghèo. “Chúng tôi sẽ nỗ lực tổ chức nhiều phong trào hay, mô hình tốt, thu hút thanh niên tình nguyện tham gia”-A Ninh nói.
Hoàng Ngọc