(GLO)- Nhờ sự quan tâm, khuyến khích, động viên của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc bảo vệ, lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, thanh niên xã Ya Ma (huyện Kông Chro) đã say mê tìm hiểu, học hỏi những bài chiêng của dân tộc mình.
Xã Ya Ma hiện có 3 làng dân tộc Bahnar sinh sống. Dù kinh tế của bà con trong xã hiện vẫn còn nhiều khó khăn nhưng đời sống văn hóa tinh thần lại không hề thiếu thốn. Trong xu hướng các loại hình giải trí ngày càng phát triển phong phú thì cồng chiêng vẫn có sức hấp dẫn, lôi cuốn và thu hút đông đảo sự tham gia của cả cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Vào các dịp lễ hội của làng hay sinh hoạt hè, tiếng cồng chiêng lại ngân vang khắp núi rừng.
Anh Đinh Tờ Rum (SN 1990, làng Tnùng Măng) cho biết, từ nhỏ anh đã được chỉ dạy cách đánh cồng chiêng cùng nhiều bài chiêng của dân tộc mình. Những dịp theo cha biểu diễn cồng chiêng càng giúp anh thêm yêu các loại nhạc cụ và hiểu hơn giá trị của cồng chiêng trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc mình. “Thấy mình chơi được cồng chiêng, nhiều thanh niên cũng muốn học theo. Bây giờ, thanh niên trong xã ai cũng yêu thích và biết đánh cồng chiêng hết rồi”-anh Rum nói.
Đội cồng chiêng thanh-thiếu niên xã Ya Ma tập luyện trước nhà rông. Ảnh: C.H |
Nói về quá trình luyện tập của các đội cồng chiêng tại địa phương, anh Rum thông tin thêm: Mỗi khi tập một bài mới, tối nào 2 đội cồng chiêng của làng cũng tập trung về nhà rông tập luyện đến khi thành thục mới thôi. Khi đã thuộc và đánh được bài chiêng, các đội sẽ duy trì sinh hoạt vào các buổi tối cuối tuần. “Thanh niên ở đây rất tự hào về cồng chiêng của dân tộc mình. Do đó, ai cũng muốn học để sử dụng thành thạo. Đó chính là cách để bảo vệ và phát huy giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”-anh Rum hào hứng cho hay.
Không chỉ thu hút các nam thanh niên, các đội chiêng cũng có sự tham gia của đông đảo chị em trong làng. Em Đinh Thị Mrấp (SN 2002, làng Tnùng Măng) chia sẻ: “Chúng em rất vui khi được mặc trang phục truyền thống biểu diễn theo nhịp điệu cồng chiêng của dân tộc. Chị em trong làng ai cũng háo hức đến những dịp lễ hội để trình diễn những điệu xoang của dân tộc mình”.
Nói về sức hút của cồng chiêng đối với thanh-thiếu niên trên địa bàn xã, chị Đinh Thị Nguyên-Bí thư Đoàn xã Ya Ma-cho hay: Mỗi làng đều có 2 đội cồng chiêng gồm đội cồng chiêng “nhí” và đội cồng chiêng thanh-thiếu niên. Trong đó, đội cồng chiêng thanh-thiếu niên duy trì tập luyện thường xuyên và luôn sẵn sàng cho các sự kiện của làng, xã. Nhờ sự quan tâm, khuyến khích, động viên của cấp ủy, chính quyền cùng ý thức tự giác của bà con, đến nay, 100% thanh niên trên địa bàn xã đã biết đánh cồng chiêng. Việc truyền dạy cồng chiêng được thực hiện theo phương pháp người biết nhiều chỉ dạy cho người biết ít hoặc người không biết; các đội nhóm trình diễn và góp ý cho nhau để ngày càng hoàn thiện hơn.
Trao đổi với P.V, anh Đinh Văn Súy-Bí thư Huyện Đoàn Kông Chro-cho biết: Thời gian qua, việc tập luyện cồng chiêng trên địa bàn xã Ya Ma thu hút đông đảo thanh niên tham gia và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Ngày 4-12 vừa qua, tại Liên hoan cồng chiêng, hát dân ca và diễn tấu nhạc cụ dân tộc thanh-thiếu niên tỉnh Gia Lai lần thứ IV-năm 2019 của Cụm hoạt động số 3 (gồm 4 đội: Kông Chro, Kbang, Đak Pơ, An Khê) được tổ chức tại huyện Đak Pơ, đội cồng chiêng xã Ya Ma (gồm 33 thành viên, trong đó có 12 nữ) đã đạt giải A phần thi trình diễn cồng chiêng, giải B diễn tấu nhạc cụ dân tộc và giải A hát dân ca. Chung cuộc, đoàn huyện Kông Chro xuất sắc xếp vị trí nhất toàn đoàn. “Những kết quả đạt được tại liên hoan là nguồn động viên và cổ vũ tinh thần to lớn để thanh niên trên địa bàn xã Ya Ma nói riêng và huyện Kông Chro nói chung thêm yêu quý, trân trọng cồng chiêng. Từ đó góp phần gìn giữ, bảo vệ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc”-anh Súy nói.
CHÍ HÀO