Thành phố Pleiku nỗ lực giảm nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
So với các huyện, thị xã khác trên địa bàn tỉnh, Pleiku (Gia Lai) vẫn là nơi có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo thấp nhất (4,03%). Nỗ lực giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 2,4% vào cuối năm 2011 chính là một trong những mục tiêu lớn của thành phố nhằm xây dựng trung tâm hành chính, kinh tế, xã hội của tỉnh ngày càng đẹp hơn.

Với đồng bào dân tộc thiểu số, thường khi tách hộ sẽ được bố mẹ chia ruộng, bò để có điều kiện làm ăn. Nhưng với Bôch (làng Bông Phun, xã Chư Á), đó chỉ là niềm mơ ước khi cuộc sống ba mẹ anh cũng chật vật với 8 miệng ăn phải lo. Tách hộ ra riêng được 3 năm không có đất, không có ruộng, tài sản đáng giá duy nhất là căn nhà trống lợp tôn do anh chị em trong nhà góp lại dựng lên, Bôch và vợ duy trì cuộc sống gia đình bằng cách làm thuê, hoặc xúc cua đồng. “Năm nào mình cũng phải nhận trợ cấp người nghèo, nhận gạo cứu đói của xã…”-anh cho biết. Nhận tin được hỗ trợ tiền làm lại nhà theo Chương trình 167, anh vui lắm. Anh hồ hởi: “Vợ chồng mình cũng chăm chỉ làm ăn nên đã tích cóp được một ít, vừa rồi mình vay mượn thêm của anh em, họ hàng được mấy triệu đồng mua 2 con bò con. Nếu được xã hỗ trợ thêm, gia đình mình sẽ không còn nghèo nữa”.

Bôch bên 2 con bò con và mơ ước thoát nghèo. Ảnh: H.D
Trên địa bàn thành phố, có khá nhiều hộ như Bôch, có sức lao động, cần cù, chăm chỉ nhưng lại không có đất sản xuất, không được đào tạo nghề, chưa có công ăn việc làm nên cái nghèo cứ đeo bám mãi, không thoát được. Thống kê, theo quy định chuẩn hộ nghèo, cận nghèo giai đoạn 2011-2015, toàn thành phố hiện có 1.914 hộ nghèo với 8.278 nhân khẩu, chiếm 4,03% tổng số hộ toàn thành phố. Các hộ nghèo thường do các  nguyên nhân: Có chủ hộ là nữ (675 hộ); hộ thiếu vốn sản xuất (hơn 1.300 hộ); hộ đông người ăn theo (412 hộ); hộ thiếu việc làm (294 hộ). Các xã, phường có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 5% là: Trà Bá, Thắng Lợi, Tân Sơn, Chư Á, Ia Kênh, Gào. Ông Võ Quang Nhân- Trưởng phòng Lao động- Thương binh và Xã hội TP. Pleiku cho biết: “Thành phố đang nỗ lực hết sức để đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, hạn chế tái nghèo. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 4,03% đến cuối năm 2011 còn dưới 2,4%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 2,9%”.

Điều đầu tiên để giảm nghèo thành công chính là xác định nhu cầu cụ thể của từng hộ. Ông Võ Quang Nhân cho biết thêm, chính quyền các xã, phường đã tổ chức rà soát thực trạng hộ nghèo của địa phương để có những giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ phù hợp với từng hộ nghèo nhằm giúp họ thoát nghèo bền vững. Hộ nào cần vay vốn sẽ được vay vốn; hộ nào cần việc làm sẽ giải quyết việc làm; hộ nào cần hỗ trợ nhà sẽ được hỗ trợ nhà… Một số chỉ tiêu từ nay đến cuối năm được đưa ra như: Sẽ có 800 đến 1.000 lượt người được đào tạo nghề miễn phí; phấn đấu tạo việc làm mới cho 4.250 lao động; vận động các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tiếp nhận lao động tại chỗ vào làm việc, ưu tiên cho lao động là hộ nghèo. Hiện trên địa bàn còn 329 hộ diện tích nhà ở bình quân dưới 6 m2/người; 214 nhà thuộc vùng nông thôn bị hư hỏng, xuống cấp, gia đình không có khả năng tự cải thiện và cần được hỗ trợ. Số này sẽ được giải quyết cơ bản tình trạng nhà ở tạm bợ hoặc chưa có nhà ở theo Quyết định 167 của Chính phủ. Giải quyết cho 100% hộ nghèo có sức lao động, có nhu cầu vay vốn được vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội để phát triển sản xuất, dịch vụ, nâng cao đời sống. Các hộ nghèo sản xuất nông nghiệp được cơ quan khuyến nông, khuyến lâm chuyển giao kỹ thuật và hướng dẫn cách làm ăn.

Nỗ lực tăng nhanh mức thu nhập của nhóm hộ nghèo, hạn chế khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa các phường trung tâm với các xã vùng ven thành phố chính là mục tiêu dài hơi đặt ra để hướng tới một tương lai thành phố Pleiku phát triển, năng động và giàu đẹp. Tin rằng với sự đồng thuận từ các cấp lãnh đạo đến nhân dân, mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo của thành phố từ 4,03% còn dưới 2,4% vào cuối năm là hoàn toàn có thể.
Hà Duy

Có thể bạn quan tâm