Thời sự - Bình luận

Tháo gỡ khó khăn, chặn đà giảm tốc

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Theo báo cáo của Bộ Công thương, qua 8 tháng của năm 2022, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (PII) tăng 9,4%. Kim ngạch xuất khẩu đạt 250,8 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 66,14 tỷ USD, tăng 18,4% và chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 184,66 tỷ USD, tăng 17% và chiếm 73,6%. Xuất siêu là 3,96 tỷ USD. Những chỉ số này cho thấy, sau đại dịch Covid-19, cả sản xuất và xuất khẩu đều phục hồi mạnh mẽ dù phải đối mặt với những tác động tiêu cực của tình hình thế giới.

Nhưng, bức tranh xuất khẩu của chúng ta trong các tháng còn lại của năm 2022 sẽ phải đối mặt với những khó khăn, tác động bất lợi. Trước hết là tình trạng lạm phát cao kỷ lục ở hầu hết quốc gia gây sụt giảm nhu cầu hàng hóa nhập khẩu.

Trong nước, bên cạnh một số điều kiện thuận lợi, vẫn còn tiềm ẩn nhiều tác động bất lợi đến tăng trưởng sản xuất và thương mại. Chẳng hạn như đồng USD tăng tác động bất lợi đến hoạt động nhập khẩu (8 tháng năm 2022, cả nước đã nhập khẩu tới trên 246 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhóm hàng nguyên liệu chiếm 94%). Thêm nữa, chuỗi cung ứng vẫn có nguy cơ gián đoạn. Giá hàng hóa thiết yếu, giá cước vận tải mặc dù có dấu hiệu giảm, nhưng vẫn ở mức cao, tác động xấu tới hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Quan ngại nhất là tác động trực tiếp của lạm phát toàn cầu khiến người dân ở các đối tác nhập khẩu của Việt Nam như EU, Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc… đang triệt để thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” (hạn chế chi tiêu, mua sắm, nhập khẩu). Một số ngành đang đối mặt với nguy cơ đơn hàng giảm do xuất khẩu có dấu hiệu giảm tốc, thủ tục hành chính còn rườm rà, hoàn thuế giá trị gia tăng chậm, ảnh hưởng đến xoay vòng vốn…

Mặt khác, nhiều năm qua, xuất khẩu của chúng ta chủ yếu trông dựa vào các doanh nghiệp FDI. Khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ tăng lãi suất đồng USD thì các doanh nghiệp có xu hướng thu hẹp sản xuất, rút tiền về nước. Bên cạnh đó, các nước hạn chế nhập khẩu bằng cách dùng hàng rào kỹ thuật và bảo hộ thương mại đối với hàng hóa Việt Nam, nhất là với hàng nông sản, ngày càng dày hơn.

Để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm 2022 (368 tỷ USD, tăng khoảng 9,46% so với năm 2021, xuất siêu 1 tỷ USD), kịp thời ngăn chặn đà giảm tốc, theo các chuyên gia kinh tế, trong những tháng cuối năm, Chính phủ, các bộ, ngành cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; theo dõi chặt chẽ các dự án, ngành hàng lớn và các địa bàn trọng điểm để xử lý, đẩy mạnh sản xuất, nhất là các nguyên nhiên vật liệu đầu vào, tăng cường kiểm soát nhập khẩu.

Cùng với đó là huy động tối đa nguồn lực và có phương án chuẩn bị để đảm bảo cung ứng đủ điện, than, xăng dầu, phân bón… cho sản xuất. Đồng thời, cần tạo thuận lợi trong thủ tục hành chính (về hoàn thuế, thông quan xuất nhập khẩu, cấp chứng nhận CO…) cho doanh nghiệp thông qua ứng dụng số hóa.

Chính phủ và các bộ, ngành cũng cần có giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm nguồn cung nguyên-nhiên-vật liệu thay thế nhập khẩu với giá cả phù hợp, đảm bảo đủ cho sản xuất, chuẩn bị cho mùa mua sắm, xuất khẩu cuối năm; tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt các hiệp định thương mại tự do đã ký kết để tăng tốc, đa dạng thị trường. Đồng thời tập trung triển khai đề án thúc đẩy thương mại chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, đảm bảo xuất khẩu bền vững.

Theo VĂN PHÚC (SGGPO)
 

 

Có thể bạn quan tâm