Văn hóa

Cổ học tinh hoa

"Thắp lửa" tình yêu văn hóa truyền thống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đến hẹn lại lên, đông đảo thanh-thiếu niên lại tụ hội về tranh tài tại Liên hoan cồng chiêng, hát dân ca và diễn tấu nhạc cụ dân tộc thanh-thiếu niên do Tỉnh Đoàn Gia Lai tổ chức. Những ngày liên hoan diễn ra, không gian trước nhà rông Công viên Kpă Klơng (thị trấn Chư Sê) luôn rộn ràng âm thanh cồng chiêng cùng những bài dân ca truyền thống của dân tộc Jrai, Bahnar.
Ấn tượng, hấp dẫn
Tham gia liên hoan năm nay tại Cụm hoạt động số 2 có gần 200 thanh-thiếu niên của 6 đơn vị gồm: Chư Pưh, Chư Sê, Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa và Ayun Pa. Mỗi đội trải qua 3 nội dung thi: hát dân ca, biểu diễn nhạc cụ dân tộc, trình diễn cồng chiêng. Ở nội dung hát dân ca, các đội có thể chọn hát giao duyên, hát kể, hát đồng dao, kể khan... Ở nội dung biểu diễn nhạc cụ dân tộc, đội thi có thể độc tấu, song tấu, hòa tấu bằng các nhạc cụ tiêu biểu của dân tộc như đàn trưng, trống, lục lạc, đàn goong, đinh dek... Ở phần trình diễn cồng chiêng, các đơn vị biểu diễn những bài chiêng trong các lễ hội truyền thống của dân tộc.
 Phần thi của đơn vị huyện Ia Pa. Ảnh: T.B
Phần thi của đơn vị huyện Ia Pa. Ảnh: T.B
Tại phần trình diễn cồng chiêng, bài chiêng “Mừng lúa mới” của đội thi huyện Chư Sê được Ban giám khảo đánh giá rất cao. 33 thành viên của đội đã tái hiện sinh động ngày hội truyền thống của người Jrai. Một thành viên nữ đứng giã gạo, nở nụ cười trong niềm vui được mùa. Cạnh đó, những con vật như gà, heo… nằm xung quanh tạo nên một khung cảnh yên bình, no ấm. Các thành viên khác của đội di chuyển nhịp nhàng tạo thành vòng tròn trong tiếng chiêng rộn rã. Ấn tượng nhất là 3 bram (người làm trò hề) hóa trang bằng lá chuối khô, rễ cây si và trét bùn lên cơ thể dẫn đầu đội cồng chiêng với những hành động, bước đi ngộ nghĩnh tạo điểm nhấn cho phần thi. Em Rơ Mah Nik-một thành viên của đội thi huyện Chư Sê-cho biết: “Tất cả thành viên trong đội đều đến từ làng Hăng Ring (thị trấn Chư Sê). Bình thường ở làng chúng em vẫn thường xuyên tập luyện; từng thành viên được giao những nhiệm vụ khác nhau, tùy theo khả năng. Em rất thích làm bram vì tạo được niềm vui cho mọi người”.
Nhờ đầu tư tập luyện, chuẩn bị chu đáo từ trang phục đến đạo cụ, các đội thi đã tạo nên những màu sắc và sức hút riêng. Trong bài chiêng “Lễ bỏ mả”, đội thi huyện Chư Pưh đã công phu sắp xếp các đạo cụ như ghè rượu, tượng mồ, cây chuối… bên người con gái hát khóc cho bố mẹ. Dù chỉ tái hiện được một phần nghi lễ chính thức nhưng phần thi của đội cũng đã giúp người xem hình dung bản sắc văn hóa của người Jrai.
Mỗi đội thi đến với liên hoan đều được tuyển chọn kỹ càng từ cơ sở. Đội thi huyện Krông Pa gồm 26 thành viên là đoàn viên, thanh niên xã Phú Cần và các em học sinh Trường THCS Lương Thế Vinh (xã Phú Cần). Đây là đội cồng chiêng thường xuyên giành giải cao tại các cuộc thi cấp huyện. Ban giám khảo và khán giả rất ấn tượng khi em Nay HNga (lớp 7, Trường THCS Lương Thế Vinh) thể hiện bài dân ca “Sáng trong buôn” của dân tộc Jrai.  HNga có chất giọng cao vút và đầy truyền cảm. Em chia sẻ: “Nghe dì hát ru, em nhẩm theo, dần dần thấy thích và nhờ dì hướng dẫn thêm. Em rất vui khi được tham gia liên hoan, được thể hiện giọng hát của mình trước mọi người”. 
Liên hoan được tổ chức từ buổi chiều đến đêm muộn. Dù thời tiết không thuận lợi với những cơn mưa phùn, trời se lạnh nhưng các đội đều say sưa biểu diễn. Chính vì thế, mỗi phần trình diễn đều nhận được sự tán thưởng của đông đảo khán giả. Đang cầm điện thoại quay lại phần trình diễn của các đội thi, anh Nguyễn Văn Lâm (tổ 4, thị trấn Chư Sê) cho biết: “Xem các đội trình diễn, tôi thấy nét văn hóa của người Jrai và Bahnar rất đặc sắc, nhiều em còn nhỏ nhưng biểu diễn rất say mê. Tôi đã quay lại để về nhà cùng xem với các con”.
Gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc
Mỗi đội thi gồm nhiều thành viên có độ tuổi khác nhau nhưng do thường xuyên tập luyện và chuẩn bị kỹ càng nên các tiết mục đều rất nhịp nhàng, làm nổi bật được nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Là thành viên nhỏ tuổi nhất tham gia liên hoan, em Rơ Lan Thân (10 tuổi, huyện Chư Sê) vẫn rất tự tin biểu diễn bài chiêng cùng các anh. “Em tham gia đội cồng chiêng thanh-thiếu niên làng Hăng Ring từ lúc 7 tuổi. Lúc đầu, em đánh toàn bị lệch nhịp. Nhưng được già làng và các anh hướng dẫn, giờ em đã chơi thành thạo nhiều bài chiêng truyền thống”-Thân tâm sự.
Giải nhất toàn toàn thuộc về đội thi huyện Chư Sê. Ảnh: P.L
Giải nhất toàn toàn thuộc về đội thi huyện Chư Sê. Ảnh: P.L

Kết thúc liên hoan, Ban tổ chức đã trao giải nhất toàn đoàn cho đội thi huyện Chư Sê, giải nhì cho đội huyện Phú Thiện, giải ba cho đội huyện Ia Pa. Hai đội thi huyện Chư Pưh và thị xã Ayun Pa đạt giải khuyến khích. Ban tổ chức cũng đã trao 12 giải (3 giải nhất, 3 giải nhì, 3 giải ba, 3 giải khuyến khích) cho các tiết mục xuất sắc, chia đều cho từng nội dung; trao giải thí sinh nhỏ tuổi nhất cho em Rơ Lan Thân (10 tuổi, đơn vị huyện Chư Sê).

Dù đã hơn 70 tuổi nhưng nghệ nhân Nay Tek (làng Djrêk, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) vẫn luôn theo sát đội thi trong thời gian diễn ra liên hoan. Khi đến lượt đội biểu diễn, già Tek tất bật hướng dẫn mọi người bố trí đạo cụ cho đúng vị trí. Xong xuôi, già Tek đứng bên ngoài chăm chú theo dõi, thỉnh thoảng lại gật đầu ưng ý vì phần trình diễn thành công của đội. Già Tek chia sẻ: “Mình già rồi, mong muốn truyền lại đam mê cồng chiêng cho lớp trẻ để truyền thống dân tộc không bị mai một. May mắn là thanh niên trong làng còn hứng thú với cồng chiêng nên mình nhiệt tình hướng dẫn”.
Chị Hà Thị Giang Thảo-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh, Trưởng ban tổ chức liên hoan-cho biết: Liên hoan được tổ chức 2 năm/lần. Nhưng khác với những lần trước, năm nay, chúng tôi tổ chức liên hoan theo từng cụm hoạt động. Sau Cụm số 2, Cụm số 1 (huyện Chư Pah, Ia Grai, Đak Đoa, Chư Prông, Đức Cơ và TP. Pleiku) dự kiến tổ chức liên hoan vào ngày 6-12 tại huyện Ia Grai; Cụm số 3 (huyện Kbang, Kông Chro, Đak Pơ và thị xã An Khê) dự kiến tổ chức ngày 4-12 tại huyện Đak Pơ. Qua đánh giá của Ban giám khảo, các đội thi của Cụm số 2 đều có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ nội dung đến trang phục, đạo cụ và tự tin trong phần trình diễn. Thông qua liên hoan, chúng tôi mong muốn tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh cho thanh-thiếu niên dân tộc thiểu số; từ đó, góp phần động viên, khích lệ và nhân rộng các mô hình câu lạc bộ, đội, nhóm cồng chiêng trong thế hệ trẻ.
 THỦY BÌNH

Có thể bạn quan tâm