Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

"Thắp sáng một gia đình" (*)

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- 1.Những ngày cuối của tháng 6 nhắc ta về một ngày đặc biệt: Ngày Gia đình Việt Nam (28-6). Thời tiết ở những nơi nắng nóng nhất nước cũng dịu đi đôi ba phần. Và trong nhiều gia đình, những giận hờn, khó chịu dường như cũng theo “nội quy ngầm” nào đó mà xếp lại, để có một ngày nhắc nhau về những ngọt ngào, yêu thương.
Tôi chợt nhớ tới “Chuyện con mèo dạy hải âu bay”-một trong những tác phẩm văn học thiếu nhi đương đại nổi tiếng của nhà văn Luis Sepúlveda. Một cuốn sách cực hay về tình yêu thương. Ở đó, một chú mèo và chú chim hải âu non mà nó vô tình gặp được vẫn trọn vẹn yêu thương và tạo nên một mái ấm dù chúng không cùng giống loài. Vì chú mèo hiểu được rằng: “Thật dễ dàng để chấp nhận, yêu thương một kẻ nào đó giống mình, nhưng để yêu thương ai đó khác mình thì thực sự rất khó khăn và con đã giúp chúng ta làm được điều đó”. Cuộc sống dưới bao mái nhà cũng như thế, mỗi người là một cá thể riêng biệt nhưng vì chung một mái ấm mà chấp nhận và yêu thương nhau.
Xúc động không kém là truyện “Cô gà mái xổng chuồng”, tác phẩm được đánh giá là tuyệt hay, cực kỳ xúc động không chỉ với trẻ em mà với cả người lớn. Đó là một cô gà công nghiệp ôm khát khao tột độ là có thể ấp trứng, có con (điều không thể có với số phận gà công nghiệp vì hễ đẻ trứng là bị người nuôi lấy mang đi bán). Và rồi, ngày cô bị vứt đi vì đã già, không còn đẻ trứng được thì hạnh phúc đích thực trong đời đã đến khi cô vô tình lượm được quả trứng ai đó đánh rơi. Cô đã ấp và dạy một chú vịt con lớn lên với tất cả tình yêu thương của một người mẹ, thậm chí hy sinh cả thân mình để bảo vệ chú vịt con ấy. Những cuốn sách với nhân vật là chim chóc, chó mèo, gà vịt thôi nhưng mang bóng hình gia đình của mỗi người trong đó, không chỉ dành cho trẻ con mà còn gieo vào người lớn bao suy ngẫm sâu sắc.
Ảnh minh họa (nguồn: INTERNET).
2.Không phải ai cũng may mắn có một gia đình đủ đầy, hạnh phúc trọn vẹn. Nhất là trong thời hiện đại đầy thách thức như hiện nay. Tôi có người bạn đành chia tay chồng khi không thể cùng chung tiếng nói. Mẹ bạn khăn gói từ quê vào can ngăn, nói phải giữ thể diện cho bố mẹ, phải giữ cho con mái ấm đủ đầy có bố có mẹ. Cô bạn từ tốn đáp lại rằng, việc cô cần là tạo dựng một mái ấm bình yên cho con mình và ly hôn cũng là vì điều ấy. Điều này nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng là thật. Bởi con trẻ sẽ không thể phát triển về thể chất và tâm lý khi quanh mình là những lạnh nhạt, xa cách, nặng nề mà cha mẹ dành cho nhau. Cư dân mạng truyền tai nhau rằng, muốn chăm cái cây tốt hãy nói lời ngọt ngào với nó. Dĩ nhiên, chăm con trẻ càng phải vậy.
Gia đình êm ấm chung một mái nhà là điều ai cũng mong đợi, vun đắp. Nhưng khi cả hai đã cố hết sức để giải tỏa những cơn giận, để nhường nhịn nhau mà không được thì cách tốt nhất là chia tay để giữ sự tôn trọng lẫn nhau. Con của bạn tôi có hai mái nhà, nhưng trong tim bé vẫn luôn có một mái ấm chung khi được cả bố và mẹ cư xử văn minh để cùng sẻ chia yêu thương, cùng dành cho con những điều tốt đẹp nhất. Và dù không chung nhà thì những ngọn nến vẫn có thể thắp sáng tình cảm gia đình.
Chúng ta vẫn luôn nghĩ về gia đình với những giá trị tốt đẹp nhất được thể hiện qua tình yêu thương, sự chia sẻ, sự tôn trọng… Chất  liệu để thắp lên ngọn nến gia đình chính là ở đó. Gia đình “tam đại đồng đường” có đầy đủ ông bà cha mẹ cháu chắt có tốt không? Rất tốt. Nhưng gia đình vì lý do chẳng đặng đừng nào đó mà khuyết thiếu cũng không vì thế mà thua thiệt, khi trái tim chúng ta luôn hướng về nhau, cảm nhận được niềm an ủi, yêu thương lẫn nhau. Bởi lẽ, điều chung nhất mà ai cũng mong đợi là “thắp sáng một gia đình”.
VÕ THU HƯƠNG

Có thể bạn quan tâm