Thời sự - Bình luận

Thấu hiểu, tin tưởng và đồng hành

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Năm học 2023-2024 được ngành giáo dục xác định chủ đề là: Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng GD-ĐT. Xã hội, phụ huynh, học sinh, các thầy cô giáo cũng mong chờ rất nhiều ở năm học mới này.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, đây là năm học có ý nghĩa, vai trò quan trọng trong lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông, mà trọng tâm là triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đây là một năm với lượng công việc nhiều, tầm quan trọng lớn.

Thầy trò Trường Tiểu học Thái Hưng, quận 8, TPHCM trò chuyện làm quen trong ngày tựu trường. Ảnh: CAO THĂNG

Thầy trò Trường Tiểu học Thái Hưng, quận 8, TPHCM trò chuyện làm quen trong ngày tựu trường. Ảnh: CAO THĂNG

Chất lượng công việc có tác động lớn tới chất lượng đổi mới giáo dục phổ thông, nhất là trong bối cảnh đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa đưa ra rất nhiều kiến nghị liên quan đến đổi mới giáo dục phổ thông, sách giáo khoa. Trong đó, việc chuẩn bị sách giáo khoa cho các năm cuối cấp (lớp 5, 9, 12) có yêu cầu, đòi hỏi đặc biệt hơn. Bởi bên cạnh là các lớp cuối cấp còn là lớp cuối cùng của giai đoạn triển khai cuốn chiếu Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Do đó, năm học này, ngành giáo dục phải tập trung chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát cao độ để hoàn thành công việc, tạo đà hoàn thành lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông. Trong tiến trình đổi mới giáo dục phổ thông, yêu cầu đặt ra là cần tiếp tục đổi mới theo chiều sâu, ở từng nội dung giáo dục, môn học, hoạt động. Việc hoàn thành lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông vào năm 2025 là một “đáp án” mà ngành giáo dục sẽ phải “trả nợ” xã hội, để trả lời cho việc đổi mới có hiệu quả đến đâu.

Cùng với nội dung đổi mới giáo dục phổ thông, có hàng loạt vấn đề mà xã hội, phụ huynh, các thầy cô giáo đang “nhìn vào” trong năm học này. Đó là vấn đề giải bài toán thiếu giáo viên đang ngày càng trầm kha; là hoàn thiện cơ sở vật chất, khắc phục tình trạng thiếu trường, thiếu lớp để thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông; là giải quyết vấn đề tiền lương, thu nhập cho giáo viên; là việc chuẩn bị, xây dựng Luật Nhà giáo… Song song với đó là tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 (về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT), nhìn lại chặng đường 10 năm đổi mới, đồng thời xác định hướng phát triển giáo dục cho chặng đường tiếp theo.

Dù còn nhiều khó khăn về chế độ đãi ngộ, lương thấp, điều kiện và trang thiết bị giảng dạy… song lực lượng nhà giáo - nguồn lực quan trọng nhất của ngành giáo dục và của quá trình đổi mới, đã không ngừng nỗ lực, vượt qua khó khăn, thách thức để thực hiện đổi mới. Do đó, hơn lúc nào hết, chúng ta cần dành sự quan tâm đặc biệt cho đội ngũ nhà giáo. Sự quan tâm không chỉ dừng ở chính sách đãi ngộ mà cả ủng hộ về tinh thần, ở việc tạo điều kiện để họ toàn tâm toàn ý với công việc. Bởi, suy đến cùng, đổi mới giáo dục thành công phải thể hiện ở sự hào hứng học tập của học sinh và hào hứng giảng dạy của thầy, cô giáo.

Năm học 2023-2024 đang đứng trước nhiều nhiệm vụ khá nặng nề đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên và ngành giáo dục. Một trong những thuận lợi lớn nhất của ngành là đang nhận được sự quan tâm lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhân dân. Đó sẽ là sự hỗ trợ rất lớn đối với ngành giáo dục, đồng thời tạo ra động lực quan trọng cho sự nghiệp đổi mới giáo dục. Đổi mới càng sâu thì thách thức càng lớn. Do đó, đổi mới rất cần sự ủng hộ của phụ huynh và toàn xã hội. Dĩ nhiên, để nhận được sự đồng hành, chia sẻ tối đa của xã hội, trước hết, ngành giáo dục phải chủ động khắc phục những vấn đề về chuyên môn để phụ huynh, học sinh thấu hiểu, từ đó tin tưởng và đồng hành.

Có thể bạn quan tâm