Theo dự toán, tổng chi Ngân sách bảo vệ môi trường năm 2010 là 6.230 tỷ đồng, dự toán chi năm 2011 là 7.250 tỷ đồng.
Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nhấn mạnh, tình trạng ô nhiễm y tế hiện là vấn đề lớn, nghiêm trọng, cần được ưu tiên giải quyết. Bộ Y tế nên xây dựng một đề án tổng thể về xử lý chất thải y tế tại các bệnh viện, làm rõ nguồn tài chính đối với từng tuyến bệnh viện, mới có thể giải quyết dứt điểm được vấn đề chất thải nguy hại này.
Về phần Bộ Y tế , Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cũng cho biết, cùng với nguồn vốn 1% sự nghiệp môi trường từ 20-40 tỷ đồng mỗi năm, thời gian qua, Bộ đã dùng nguồn vốn tự có của ngành để đầu tư hệ thống xử lý chất thải cho môt số bệnh viện như Bệnh viện Thành phố Hồ Chí Minh như Chợ Rẫy, Thống Nhất.
Nhằm đạt mục tiêu đến năm 2015 đảm bảo xử lý tốt trên 300.000 m3 nước thải y tế/ngày-đêm, Bộ sẽ đầu tư 5 bệnh viện trung ương và 16 bệnh viện thuộc 5 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long bằng vốn hỗ trợ xử lý nước thải bệnh viện từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới.
Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước hiện mới chỉ có gần 200 lò đốt chuyên dụng, chỉ đủ xử lý cho khoảng 40% số bệnh viện. Trong đó, khoảng 1/3 chất thải rắn y tế được đốt bằng lò đốt hiện đại và có thể đảm bảo an toàn môi trường.
Số còn lại được tiêu hủy bằng nhiều hình thức như thiêu ngoài trời, đốt bằng lò thủ công, chôn trong khuôn viên bệnh viện, hoặc thải trực tiếp ra bãi rác chung.
Việc kiểm soát khí thải lò đốt và nhiệt độ buồng đốt còn gặp nhiều khó khăn do một số chỉ tiêu hiện nay như đo nồng độ dioxin phải gửi mẫu ra nước ngoài với chi phí rất cao khoảng 2.000 USD/mẫu xét nghiệm dioxin
Ước tính mỗi ngày, các cơ sở của ngành y tế thải ra ngoài môi trường khoảng 300 tấn chất thải rắn. Với mức tăng chất thải y tế hiện nay là 7,6%/năm, dự kiến đến năm 2015, tổng lượng chất thải rắn y tế là 600 tấn/ngày.
Theo TTXVN