Lần đầu tiên, Việt Nam có đến 6 tỉ phú đôla góp mặt trong danh sách hàng nghìn tỉ phú thế giới của Forbes. Cần khẳng định ngay rằng, đó là một tin vui.
6 tỉ phú Việt Nam trong danh sách mới được Forbes cập nhật. Ảnh: VGP News |
Forbes thường kì có những thống kê về tỉ phú đôla, nhưng Việt Nam chưa bao giờ góp mặt trong danh sách tỉ phú của Forbes đến 6 doanh nhân.
Tỉ phú Phạm Nhật Vượng là doanh nhân Việt đầu tiên lọt vào danh sách tỉ phú Forbes, và những năm sau đó ông đều đặn góp mặt.
Trong danh sách 5 người còn lại, bà Nguyễn Thị Phương Thảo là nữ doanh nhân Việt đầu tiên lọt vào danh sách tỉ phú Forbes. Những doanh nhân còn lại là các ông Trần Đình Long, Hồ Hùng Anh, Trần Bá Dương, Nguyễn Đăng Quang có năm nằm trong danh sách tỉ phú Forbes nhưng có năm thì không.
Các tỉ phú, đương nhiên là những doanh nhân hàng đầu về khả năng kinh doanh cũng như qui mô hoạt động của doanh nghiệp của họ. Những doanh nghiệp “mẹ” của các tỉ phú này dường như đều là các công ty đầu ngành trong nền kinh tế, hoặc đầu ngành trong khối doanh nghiệp tư nhân.
Có một phép tính thường được đưa ra so sánh là, cứ 1 đồng vốn đầu tư công sẽ kích thích được thêm 4 đồng vốn đầu tư trong xã hội. Đồng vốn của các tỉ phú đôla, cũng có nội lực riêng, khác biệt hơn so với các doanh nghiệp qui mô bình thường. Nhờ vào thương hiệu doanh nghiệp của họ, uy tín cá nhân họ, sự quảng giao và khả năng kết nối với mạng lưới kinh doanh trong và ngoài nước, từ đó cứ 1 đồng vốn họ bỏ ra đầu tư có thể kéo theo nhiều đồng vốn khác từ đối tác trong và ngoài nước tham gia.
Và kết quả là, qui mô dự án của họ có thể mở rộng hơn, nở nhanh và to hơn, góp phần giải quyết công ăn việc làm nhiều hơn. Từ thực tế có thể thấy, những dự án lớn của các tỉ phú đôla có thể làm thay đổi kinh tế - xã hội của một địa phương.
Và kéo theo còn rất nhiều thứ khác, như đóng góp thuế vào ngân sách, góp phần đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng và chuyên nghiệp hơn, triển khai thêm các dự án cộng đồng…
Dân giàu thì nước mạnh, nguyên lí này dường như bất di bất dịch. Có những lí thuyết quản trị kinh tế quốc gia được lựa chọn, là tạo môi trường thông thoáng để những cá nhân giàu lên, và sau đó họ sẽ góp phần kéo phần còn lại đi lên. Đó là cách mà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình của Trung Quốc từng áp dụng vào những năm đầu thập kỉ 80 của thế kỉ 20 khi quốc gia đông dân nhất thế giới này bắt đầu cải cách, và từ đó Trung Quốc đi lên như bây giờ.
Công ty của các tỉ phú đôla Mỹ sáng lập và điều hành (hoặc từng điều hành) như Amazon với Jeff Bezos, Tesla của Elon Musk, Microsoft với Bill Gates… không chỉ là những doanh nghiệp đầu ngành mà còn là mũi nhọn về nghiên cứu và triển khai các công nghệ mới, những công nghệ lõi tạo ra sự khác biệt giữa quốc gia của họ với phần còn lại của thế giới.
Từ các tỉ phú Forbes của Việt Nam, nhiều doanh nghiệp lớn hàng đầu với thương hiệu đã được quốc tế biết đến, và hơn thế nữa cũng đang đi vào những công nghệ trụ cột của thời đại Công nghiệp 4.0 như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT)…
Có một điều cần lưu ý nữa là sự cạnh tranh của các tỉ phú với nhau giúp cho nền kinh tế năng động và sôi động hơn và cũng khiến cho các doanh nghiệp nhà nước phải thay đổi, nâng cao năng lực để hoạt động hiệu quả hơn.
THẾ LÂM (LĐO)