Thêm cơ hội thoát nghèo cho phụ nữ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sở Lao động-Thương binh và Xã hội vừa phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổng kết 5 năm thực hiện chương trình phối hợp về lĩnh vực đào tạo nghề giải quyết việc làm cho phụ nữ, giai đoạn 2011-2015. Nhờ chương trình phối hợp này đã giúp cho gần 5.000 chị em có thêm cơ hội việc làm, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

 Tư vấn nghề cho phụ nữ. Ảnh: Đinh Yến
Tư vấn nghề cho phụ nữ. Ảnh: Đinh Yến

Về làng Vẻh, xã Hà Bầu (huyện Đak Đoa) bây giờ, nhìn nhiều ngôi nhà khang trang, rộng rãi của các hội viên thuộc các chi hội phụ nữ, ít ai nghĩ rằng, chỉ 2 năm trước đây, nhiều chị em trong làng vẫn còn thuộc diện hộ nghèo. Chị Hlam, cùng với 29 chị em trong làng vừa tham gia lớp học nghề trồng và chăm sóc tiêu, kể: Trước khi tham gia lớp học nghề trồng tiêu, nhà mình đã trồng 200 trụ tiêu. Khi tham gia lớp học được thầy giáo hướng dẫn kỹ thuật trồng tiêu thì mình thấy là làm sai kỹ thuật. Vì thế, 200 trụ tiêu của nhà mình trồng được 3 năm rồi mà dây tiêu vẫn chưa phủ hết trụ. Sau lớp học nghề này, mình đã nắm vững được kỹ thuật trồng tiêu nên quyết định đầu tư trồng thêm 400 trụ tiêu nữa. Hy vọng, các trụ tiêu trồng sau đúng kỹ thuật sẽ sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh.

Còn với chị em làng Pôt (xã Song An, thị xã An Khê) thì được các giáo viên Trường Trung cấp Nghề An Khê hướng dẫn về cách ngâm lúa, làm đất, gieo mạ. Trước đây, bà con trong làng chưa được hướng dẫn thì mỗi khi ngâm lúa, bà con thả cả bao lúa giống xuống suối, sau 3 ngày vớt lên, thấy hạt lúa nảy mầm là mang đi gieo mạ. Gieo lúa đều tay, nửa tháng mạ mọc lên cao khoảng hơn 1 gang tay nhưng có chỗ mạ mọc lưa thưa. Khi được thầy, cô giáo chỉ dẫn, bà con mới hiểu lý do là lúa giống có những hạt lép nên không mọc được. Cùng với đó, chị em còn được hướng dẫn kỹ thuật ngâm lúa, chỉ cần đổ lúa giống vào thùng rồi ngâm với công thức: 3 sôi, 2 lạnh, mỗi ngày thay nước một lần, thấy lúa lép nổi lên thì vớt ra, sau 3 ngày đem ủ, cứ mỗi ngày tưới nước ấm một lần, 3 ngày lúa ra mầm là mang đi gieo. Sau 1 tháng mạ xanh tốt dày đều bà con nhổ lên đem đi cấy.

Thực tế cho thấy, hiệu quả trong công tác dạy nghề, tạo việc làm cho hội viên phụ nữ mang lại là rất lớn. Nói về công tác dạy nghề, tạo việc làm cho hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh, bà Trần Thị Hoài Thanh-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, nhấn mạnh: 5 năm qua, hai đơn vị đã tích cực phối hợp cùng nhau đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, hướng nghiệp và tư vấn nghề cho chị em phụ nữ. Theo đó, đã đào tạo nghề cho 21.378 lao động nữ và tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho 31.211 lượt người, trong đó có 4.950 lao động nữ đã có được việc làm tại các doanh nghiệp ở Khu Công nghiệp Trà Đa, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, các công ty dịch vụ nhà sạch, công nhân cạo mủ cao su, dịch vụ thương mại, may gia công; tư vấn hỗ trợ cho 1.600 lao động nữ đi xuất khẩu lao động tại các nước, như: Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Lào, Campuchia…

Bên cạnh việc tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ được vay vốn và duy trì hoạt động các tổ, câu lạc bộ giúp nhau phát triển kinh tế, hai đơn vị còn tích cực triển khai những chính sách hỗ trợ lao động nông thôn học nghề, như: vay vốn tín dụng đối với học sinh, sinh viên, dạy nghề cho người nghèo; nhiều mô hình, như: “Dịch vụ chăm sóc gia đình”, “Cải tạo và chăm sóc cây hồ tiêu năng suất cao”, “Chăn nuôi heo siêu nạc”, “Trồng lúa chất lượng cao”, dạy nghề “Nghiệp vụ bảo mẫu” cho 60 chị. Từ mô hình dạy nghề “Nghiệp vụ bảo mẫu”, sau khóa học đã thành lập được mô hình tổ liên kết “Dịch vụ chăm sóc gia đình” tại TP. Pleiku; 8 chị tham gia giữ trẻ tại các hộ gia đình; 165 lượt chị làm việc tại các cơ sở dịch vụ nhà sạch, với mức thu nhập 2-2,5 triệu đồng/người/tháng.

Bà Phạm Thị Tố Hải-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, cho biết: Hàng năm, thông qua sinh hoạt, Hội Phụ nữ các cấp luôn chủ động khảo sát nhu cầu học nghề của học viên tại các xã, thị trấn, chủ động xây dựng kế hoạch và mở các lớp dạy nghề phù hợp với nhu cầu và đối tượng học viên. Qua các lớp học, hội viên được tiếp cận, thực hành kiến thức khoa học-kỹ thuật mới áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi, các biện pháp phòng tránh dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, cách tổ chức mô hình kinh tế nhỏ và vừa… Từ những kiến thức đã học, chị em mạnh dạn vay vốn thông qua tổ chức hội, vươn lên thoát nghèo.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm