Theo đánh giá của BHXH Việt Nam, số người tham gia BHXH tự nguyện như trên là rất khiêm tốn. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến an sinh tuổi già của một bộ phận lớn dân cư sau này.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến lao động khu vực phi chính thức chưa mặn mà tham gia BHXH tự nguyện. Trước hết, là do thu nhập của người lao động (NLĐ) khu vực phi chính thức bấp bênh, không ổn định. Họ thường chú trọng quan tâm những nhu cầu trước mắt, mưu sinh hằng ngày mà chưa chú trọng an sinh bền vững sau này, do đó, ít tìm hiểu chính sách BHXH tự nguyện. Kế đến, mức hỗ trợ tiền đóng của nhà nước hiện nay chưa tạo được cú hích để thúc đẩy người dân tham gia. Cuối cùng, BHXH tự nguyện hiện chỉ có chế độ hưu trí, tử tuất, đóng ít nhất 20 năm mới được hưởng nên khó thu hút.
3 hình thức nhận lương hưu và trợ cấp BHXH
Vì sao lao động phi chính thức chưa mặn mà với BHXH tự nguyện?
Tiếp thu ý kiến của các tầng lớp nhân dân, tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), bên cạnh đề xuất bổ sung chế độ thai sản thì chính sách BHXH một lần đối với người tham gia BHXH tự nguyện cũng có sự điều chỉnh. Theo đó, đối tượng được hưởng BHXH một lần bao gồm: người đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định nhưng có thời gian đóng BHXH chưa đủ 15 năm mà không tiếp tục tham gia BHXH (trường hợp NLĐ không hưởng BHXH một lần thì có thể lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng); ra nước ngoài định cư; người đang mắc một trong những bệnh ung thư, bại liệt, xơ gan cổ trướng, lao nặng, AIDS; người có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; người khuyết tật đặc biệt nặng. Ngoài các trường hợp trên, dự thảo cũng đề xuất 2 phương án giải quyết BHXH một lần cho NLĐ tham gia BHXH tự nguyện tương tự như với BHXH bắt buộc.
Với đề xuất này, các chuyên gia trong lĩnh vực lao động, việc làm đánh giá là bước tiến rõ nét trong việc xây dựng và hoàn thiện chính sách an sinh nhằm thu hút ngày càng nhiều hơn lao động tự do tham gia BHXH tự nguyện. Sự phát triển đa dạng của các loại hình kinh tế (xe ôm công nghệ) đã hình thành một lực lượng tự do, những người không chịu sự điều chỉnh của quan hệ lao động. Do không có hợp đồng lao động nên họ không được hưởng bất cứ quyền lợi gì về bảo hiểm, cho dù đó là chế độ ngắn hạn (ốm đau, thai sản, tai nạn lao động). Do vậy, để vận động họ tham gia lưới an sinh, việc tăng tính hấp dẫn của BHXH tự nguyện là vô cùng cần thiết.
Ngoài đề xuất mang tính đột phá kể trên, để mang lại lợi ích tối đa cho NLĐ khu vực phi chính thức, về lâu dài, cần làm rõ sự liên thông giữa BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện, giúp NLĐ được cộng nối thời gian tham gia BHXH và cách tính lương hưu là giống nhau, để tránh tình trạng NLĐ nhận BHXH một lần khi rời khỏi khu vực tham gia bắt buộc.
Đặc biệt, nhà nước cũng cần triển khai nhiều chính sách đồng bộ, toàn diện hơn nhằm tạo cơ hội và điều kiện cho NLĐ tiếp cận chính sách BHXH tự nguyện như: Thúc đẩy chính sách xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm bền vững cho NLĐ; đào tạo kỹ năng, nâng cao tay nghề để NLĐ tham gia thị trường lao động bền vững; khuyến khích chủ sử dụng lao động ký kết hợp đồng lao động với NLĐ...