Thêm nguồn lực mới cho người nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong những năm qua công tác xóa đói giảm nghèo ở Gia Lai luôn được Đảng, Nhà nước có sự quan tâm, chăm lo đặc biệt đến đời sống của những hộ nghèo. Các địa phương đã có nhiều chính sách để giúp người nghèo phát triển sản xuất, từng bước ổn định và nâng cao mức sống. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay công tác giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Gia Lai đang gặp phải những khó khăn nhất định. Đó là kết cấu hạ tầng yếu kém, mức sống dưới ngưỡng nghèo; tỷ lệ trẻ em còi cọc, ốm yếu, tỷ lệ trẻ em ở bậc tiểu học đến trường đạt thấp so với cả nước. Thị trường đầu ra của các sản phẩm của hộ nghèo còn thấp, mức độ tiếp cận kỹ thuật mới trong sản xuất của hộ nghèo còn nhiều hạn chế. Năng lực cán bộ cấp xã ở vùng sâu cũng không đồng đều, trình độ dân trí trong vùng đạt thấp.

Dự án hỗ trợ hộ nghèo cách chăm sóc và phòng bệnh cho vật nuôi. Ảnh: Đinh Yến

Với những nguyên nhân và thách thức nêu trên, dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên có sự hỗ trợ tích cực của Ngân hàng Thế giới sẽ là “cần câu cơm” cho 25 xã thuộc 5 huyện: Kbang, Kông Chro, Krông Pa, Mang Yang và Ia Pa trong thời gian tới. Trong thời gian 6 năm (từ 2014 đến 2019), những xã này chính thức sẽ được dự án đầu tư theo 4 hợp phần chính. Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tỉnh, từ nay đến cuối năm 2015, dự án sẽ bắt đầu triển khai các thủ tục đấu thầu theo quy định của Ngân hàng Thế giới và đấu thầu cộng đồng. Cụ thể các hợp phần của dự án đều do xã làm chủ đầu tư, đấu thầu theo quy định, xây dựng và vận hành tổ nhóm.

 Song vấn đề đặt ra là năng lực quản lý cấp xã còn nhiều hạn chế và cần phải đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ chuyên môn hoặc tăng cường cán bộ cấp huyện về cùng tham gia trong mọi hoạt động. Hơn nữa, trong điều kiện mặt bằng dân trí còn thấp, do vậy, công tác tuyên truyền cũng là giải pháp quan trọng để nâng cao ý thức của người dân trong việc thực hiện dự án.

Trao đổi với chúng tôi tại Hội nghị triển khai dự án mới đây, ông Trần Vĩnh Hương- Chủ tịch UBND huyện Kbang, cho rằng: Hiện nay, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn trên địa bàn huyện còn nhiều khó khăn. Vì vậy, dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên hỗ trợ cho Kbang là nguồn lực lớn giúp địa phương vươn lên. Song vấn đề đặt ra ở đây là cách thực hiện của những hợp phần sao cho hiệu quả. Trước mắt là tuyên truyền nâng cao năng lực cán bộ cấp xã trong việc thực hiện dự án. Sau đó, đến việc các thiết kế định hình ở cấp xã về đường giao thông nông thôn cũng cần phải bổ sung kiên cố hóa kênh mương. Do vậy, trong quá trình thực hiện các hợp phần cần phải có những cơ chế linh hoạt để người hưởng lợi sớm được tiếp cận những công trình hỗ trợ.

Cùng nêu quan điểm, trong việc triển khai sao cho kịp tiến độ, đảm bảo nguồn vốn hỗ trợ, ông Trần Văn Mạnh-Chủ tịch UBND huyện Krông Pa, đưa ra giải pháp: Dự án nên mở rộng cơ chế khi thực hiện các danh mục trong kế hoạch của 18 tháng đầu của dự án. Đơn cử như việc thực hiện 5 mô hình sinh kế, trong đó gói an ninh lương thực và dinh dưỡng, gồm: bắp lai, lúa, cải tạo vườn hộ, chăn nuôi gia súc nhỏ; các hoạt động đa dạng hóa sinh kế, gồm: chăn nuôi bò và trồng mía. Tất cả những mô hình này, thời gian thực hiện không quá 1 năm. Do vậy khi triển khai, dự án nên mở cơ chế cho thực hiện trước. Triển khai xong, Ban Quản lý dự án tiến hành nghiệm thu. Có như vậy mới kịp tiến độ thực hiện các danh mục.

Trước những ý kiến của các địa phương, ông Trần Ngọc Hùng-Giám đốc Ban Điều phối Trung ương dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên, cho biết: Cách thực hiện của dự án sẽ rất thuận lợi, tạo điều kiện tốt nhất cho các địa phương triển khai dự án. Đó là cơ cấu Ban Quản lý dự án cấp huyện sẽ là Chủ tịch UBND huyện làm trưởng ban, như vậy sẽ đẩy nhanh được tiến độ trong quá trình thực hiện. Hơn nữa, các công trình thực hiện của dự án đều là quy mô đơn giản nên việc thẩm định, thực hiện, giải ngân vốn cũng sẽ nhanh và thuận lợi. Ông Trần Ngọc Hùng cũng khẳng định: Những khó khăn của Tây Nguyên và những thách thức mà các nhóm đồng bào dân tộc thiểu số phải đối mặt không dễ vượt qua. Tuy nhiên, với cách làm mới phù hợp với thực tế, nhất là sự nhiệt tình và sự cam kết mạnh mẽ cấp lãnh đạo của các huyện, chắc chắn rằng dự án sẽ thành công và hy vọng kết quả của dự án sẽ tác động đến chính sách khác trong cùng một việc hỗ trợ giúp người nghèo.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm