Nhận thấy điều đó, thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ cũng như các bộ, ngành liên quan đã có nhiều quyết sách quan trọng, cần thiết để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, tạo đà cho mục tiêu phục hồi nhanh kinh tế sau đại dịch COVID-19. Trong đó, các chính sách hỗ trợ về thuế đã và đang là công cụ rất hữu hiệu để thúc đẩy DN phát triển nhanh hơn, bền vững hơn; đồng thời góp phần tạo thêm niềm tin cho người nộp thuế.
Để công cụ thuế thật sự đạt mục tiêu và hiệu quả, đánh trúng nhu cầu của cộng đồng DN thì việc giảm thuế, gia hạn nộp thuế như thời gian vừa qua là chưa đủ. Nhà nước cần có nhiều giải pháp kết hợp, phối hợp nhanh hơn, rốt ráo hơn nữa để hiệu quả và mục tiêu đề ra chắc chắn đạt được tốt hơn, phù hợp hơn.
Thời gian qua, ngành thuế đã rất quyết liệt, liên tục cải cách chính sách thuế nhằm tạo sự rõ ràng, minh bạch, thuận lợi hơn, "nhẹ gánh" hơn cho cộng đồng DN và người nộp thuế nói chung. Trong mục tiêu đó, ngành thuế đã và đang xây dựng các dự án thay thế hoặc chỉnh sửa, bổ sung một số luật để trình Quốc hội xem xét ban hành, như: Luật Quản lý thuế, Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT), Luật Thuế thu nhập DN…
Trong đó, dự án Luật Thuế GTGT (sửa đổi) đã được trình Quốc hội, với rất nhiều thay đổi so với Luật Thuế GTGT 2008 và các luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế GTGT ban hành thời gian qua. Theo tôi, để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho DN và người nộp thuế nói chung, ngoài các nội dung như dự thảo, cơ quan soạn thảo nên xem xét thêm một số vấn đề. Chẳng hạn, việc hoàn thuế GTGT cần được trả về đúng "đạo lý" của nó - nếu người nộp thuế có số thuế phải nộp âm thì nên được hoàn thuế; cần làm rõ thuế GTGT đánh trên đối tượng (hàng hóa, dịch vụ) hay đánh trên công dụng của chúng để ban hành các quy định thống nhất…
Việc Luật Thuế GTGT (sửa đổi) dự kiến nâng ngưỡng doanh thu chịu thuế với cá nhân, hộ kinh doanh lên 200 triệu đồng/năm là phù hợp thực tế, song có lẽ chưa phù hợp với mức giảm trừ gia cảnh cho 1 cá nhân có hơn 1 người phụ thuộc và cũng chưa mang tính dự báo khi Luật Thuế thu nhập cá nhân sẽ được sửa đổi trong thời gian tới. Ngoài ra, một nội dung nữa mà người nộp thuế hết sức quan tâm và cơ quan soạn thảo cũng nên xem xét là cách xác định thu nhập chịu thuế.
Để DN nhanh chóng vượt qua khó khăn, lấy lại đà phát triển mạnh mẽ thì hơn lúc nào hết, các chính sách sau khi được ban hành cần được thực hiện quyết liệt, đồng bộ. Nếu DN ngày càng "khỏe" hơn thì sẽ đóng góp nhiều hơn vào nguồn thu ngân sách nhà nước; hạn chế tối đa việc gian lận, trốn thuế vốn gây không ít tác hại cho xã hội.