Biểu tình ủng hộ người dân Palestine ở Colorado, Mỹ. Ảnh: Reuters |
"Chính phủ đã quyết định công nhận Palestine là nhà nước độc lập và có chủ quyền", Thủ tướng Slovenia Robert Golob phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Ljubljana ngày 30/5. Quyết định của chính phủ Slovenia cần được quốc hội nước này phê chuẩn, dự kiến vào ngày 4/6.
Thủ tướng Golob kêu gọi Israel và Hamas dừng giao tranh ở Gaza và trả tự do cho toàn bộ con tin. "Đây là thông điệp hòa bình", ông nói.
Chính phủ Slovenia đã thượng lá cờ Palestine cạnh quốc kỳ Slovenia và cờ Liên minh châu Âu (EU) trước tòa nhà chính phủ ở trung tâm Ljubljana.
Israel chỉ trích quyết định của chính phủ Slovenia. Ngoại trưởng Israel Israel Katz cho rằng Slovenia công nhận nhà nước Palestine là "trao thưởng" cho Hamas.
"Đông thái gây tổn hại đến quan hệ hữu nghị giữa người dân Slovenia và Israel", ông Katz nói. "Tôi hy vọng quốc hội Slovenia bác bỏ đề xuất của chính phủ".
Trước Slovenia, Tây Ban Nha, Ireland, Na Uy ngày 28/5 đã chính thức công nhận nhà nước Palestine, động thái nhằm hướng tới hòa bình.
Động thái của Tây Ban Nha, Na Uy và Ireland đồng nghĩa 145 trong số 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc và 10 trong số 27 nước EU công nhận nhà nước Palestine.
Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) và nhóm Hamas nhấn mạnh, đây là chiến thắng lịch sử, một động lực thúc đẩy sự nghiệp của người Palestine. Tổng thư ký Liên đoàn Arab Ahmed Aboul-Gheit cũng cho rằng, bước đi của Na Uy, Tây Ban Nha và Ireland là hành động dũng cảm, đứng về lẽ phải, công lý và công bằng.
Bộ Ngoại giao Saudi Arabia, Qatar, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đều thể hiện rõ sự vui mừng khi các quốc gia thân thiện, ủng hộ quyền tự quyết của người dân Palestine; cho đây là bước đi quan trọng hướng tới mục tiêu cuối cùng Giải pháp hai Nhà nước.
Hầu hết các chính phủ phương Tây, trong đó có Mỹ, tuyên bố sẵn sàng công nhận nhà nước Palestine, song phải vào thời điểm sau khi đạt được thỏa thuận về các vấn đề nan giải như biên giới cuối cùng và tình trạng của Jerusalem.
Cho tới nay, chưa kể Slovenia, đã có 8 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) gồm: Slovakia, Bulgaria, Cyprus, Cộng hòa Czech, Hungary, Ba Lan, Romania và Thụy Điển đã công nhận Nhà nước Palestine.