Sau 30 năm lưu giữ, sáng 25-7, bản đồ của Trung Quốc được lập dưới thời nhà Thanh, xuất bản năm 1904, ghi rõ cực nam nước này là đảo Hải Nam, không hề có Hoàng Sa, Trường Sa được Tiến sĩ Mai Hồng giao lại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Tiến sĩ Mai Hồng (trái) giao lại bản đồ cho đại diện Bảo tàng lịch sử quốc gia. |
Sáng 25-7, tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia diễn ra lễ tiếp nhận 5 tài liệu, hiện vật do một số tổ chức, cá nhân hiến tặng. Trong đó, tiến sĩ Mai Ngọc Hồng (nguyên trưởng phòng tư liệu thư viện của Viện Hán Nôm, hiện là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng phả học Việt Nam) trao tặng bản đồ cổ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” do nhà Thanh (Trung Quốc) xuất bản năm Giáp Thìn (1904).
“Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” của NXB Thượng Hải in năm 1904, được in màu, bìa cứng ở ngoài, gấp gọn lại như một cuốn sách. Đây là tấm bản đồ nguyên vẹn, chiều ngang 115cm, chiều dọc 140cm. Bản đồ này được tạo nên từ hơn 35 miếng ghép dán trên nền vải bố, kích cỡ mỗi miếng ghép khoảng 20x30cm. Tiến sĩ Hồng cho biết, tấm bản đồ ông có được là mua lại từ một cụ già tên là Nguyễn Văn Công (ở Phú Xuyên), trong thời gian làm quản lý một kho sách Hán Nôm (năm 1977-1978).
Bản đồ Trung Quốc xuất bản năm 1904 ghi rõ cực nam nước này là đảo Hải Nam, không hề bao gồm Hoàng Sa, Trường Sa. |
Biết chữ Hán, nên sau khi có được tấm bản đồ, ông Hồng đã dịch nghĩa lại hàng trăm chữ cổ, cắt nghĩa một cách rõ ràng xuất xứ, niên hiệu, thời gian thực hiện bản đồ. Cụ thể, ông Hồng cho biết, đây là tấm bản đồ được đích thân các hoàng đế nhà Thanh huy động lực lượng giáo sĩ, những người tài giỏi về thiên văn và toán pháp điền dã thực hiện.
Từ đó, năm 1904, NXB Thượng Hải chính thức xuất bản tấm bản đồ Địa dư toàn đồ tới các tỉnh của triều đình nhà Thanh. Trong “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” không hề xuất hiện hình in, vẽ, tính toán, đo đạc tới các quần đảo ở biển Đông. Người Trung Quốc thời đó chỉ nhận đất đai tới cực nam là đảo Hải Nam. Theo ông Hồng, tấm bản đồ này là một tư liệu tốt để học giả nghiên cứu chủ quyền biển đảo, đồng thời nó cung cấp thông tin cho việc phản biện trên bàn quốc tế vì là bằng chứng chứng minh đất đai của Trung Quốc dừng lại ở đảo Hải Nam.
Rất đông người đến xem tư liệu khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa không thuộc Trung Quốc. |
“Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” của Trung Quốc được xuất bản năm 1904, tái bản năm 1910 trong khi trước đó, trên các bản đồ của Việt Nam như Hồng Đức bản đồ, trong các ghi chép của Lê Quý Đôn trong “Phủ biên tạp lục”… chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa đã thuộc về Việt Nam. Điều này đã được nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, luật pháp chứng minh.
Tiến sỹ Mai Hồng cho rằng, tấm “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” là tấm bản đồ do người Trung Quốc xây dựng và ấn hành thời gian đầu thế kỷ XX, do vậy bên cạnh giá trị về mặt lịch sử nó còn là cơ sở giúp các học giả Việt Nam trong các nghiên cứu chủ quyền quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa hoặc các nghiên cứu chung về Biển Đông. Ông hiến tặng tài liệu quý này cũng vì mục đích chung đó.
Theo dantri
Trung Quốc là nơi có truyền thống lâu đời về sử học nói chung và địa đồ nói riêng. Với những tấm địa đồ vẽ những địa phương nhỏ đã xuất hiện và có niên đại từ rất sớm (năm 229 trước Công nguyên phát hiện 7 bức Bãi thả ngựa sông Thiên Thủy có niên đại thời Chiến Quốc). Song địa đồ được xem là thể hiện cương vực quốc gia hoàn chỉnh sớm nhất xuất hiện vào năm 1121 (đời Tống) và được khắc trên đá có tên gọi Cử vực thú lệnh đồ. Giới hạn cương vực nhà Tống trong Cửu vực thú lệnh đồ về phía Nam đến Quỳnh Châu (tức đảo Hải Nam ngày nay). Theo các nhà nghiên cứu, các địa đồ sau này trải qua các đời Nguyên, Minh như Quảng dư đồ (hoàn thành năm 1541, khắc in năm 1555), Hoàng triều chức phương địa đồ (khắc in năm 1636)… là những địa đồ hành chính toàn quốc, được thực hiện theo chủ trương của chính quyền Trung ương các đời. Những địa đồ này thực hiện dưới sự ảnh hưởng của kỹ thuật vẽ địa đồ phương Tây, tuy nhiên điểm cực Nam của Trung Quốc trong cương vực tổng thể vẫn không vượt quá Quỳnh Châu. |