(GLO)- Việc quản lý các loại hình dịch vụ thức ăn đường phố trên địa bàn tỉnh từ trước đến nay luôn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù ngành chức năng đã triển khai nhiều giải pháp nhưng trên thực tế là quản không xuể bởi sự nổ rộ của các loại hình này. Kế hoạch về việc triển khai mô hình điểm công tác đảm bảo an toàn thực phẩm đối với kinh doanh thức ăn đường phố năm 2014 đang được kỳ vọng sẽ phần nào gỡ khó cho ngành chức năng trong việc quản lý loại hình này thời gian tới.
Tại TP. Pleiku rất dễ dàng bắt gặp các quán bán thức ăn đường phố. Những nơi đông dân cư hoặc gần trường học, bệnh viện, bến xe, các điểm vui chơi… thì hàng quán càng nhiều. Thức ăn đường phố được bày bán chủ yếu vẫn là các loại thức ăn nhanh, dễ chế biến được bày bán cố định tại các hàng quán nhỏ, ở vỉa hè hay trên các xe bán hàng lưu động, hàng rong… nên việc quản lý loại hình này phải nói là hết sức khó khăn. Bởi sự thuận tiện, giá cả hợp lý đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng mà các cửa hàng, dịch vụ thức ăn đường phố ngày càng phát triển.
Ảnh: Như Nguyện |
Mối nguy ngộ độc thực phẩm từ thức ăn đường phố luôn hiển hiện. Muốn có khách hàng thì thức ăn phải ngon, giá cả phải chăng nên nhiều người bán vì lợi nhuận mà lấy nguồn thực phẩm rẻ tiền, không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc chưa đảm bảo ATVSTP… Cùng với đó, việc chế biến sử dụng hóa chất độc hại, phụ gia thực phẩm không được phép sử dụng; nguồn nước trong sản xuất chế biến không bảo đảm vệ sinh, thành phẩm làm ra chưa được kiểm định về chất lượng.
Bên cạnh đó, dụng cụ chế biến; dụng cụ bảo quản, chứa đựng thức ăn thường chưa đáp ứng được điều kiện bảo đảm về ATVSTP. Cơ sở, địa điểm kinh doanh tạm bợ, môi trường bị ô nhiễm, nguyên liệu chế biến thức ăn chủ yếu vẫn được cung cấp từ các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ nên việc kiểm soát về ATVSTP đối với loại hình sản xuất, kinh doanh thức ăn đường phố gặp rất nhiều khó khăn…Thêm vào đó, người tiêu dùng dường như chưa ý thức về nguy cơ mất ATVSTP đối với loại hình thức ăn đường phố nên vô hình trung vẫn tiếp tay cho loại hình này ăn nên làm ra.
Ông Nguyễn Văn Đang-Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết: Kế hoạch về việc triển khai mô hình điểm công tác đảm bảo an toàn thực phẩm đối với kinh doanh thức ăn đường phố năm 2014 nhằm nâng cao nhận thức của người dân và trách nhiệm của chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn đường phố đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với loại hình dịch vụ này nói riêng và công tác đảm bảo ATVSTP trên địa bàn tỉnh nói chung. Năm 2014, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh Gia Lai sẽ triển khai thực hiện thí điểm “Mô hình thức ăn đường phố” tại phường Hội Thương, TP. Pleiku-đây là một trong những tuyến đường đông dân cư và trường học nên tập trung khá nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ thức ăn đường phố.
Theo ông Đang, xây dựng mô hình điểm về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đối với kinh doanh thức ăn đường phố là cơ sở ban đầu để đánh giá rút kinh nghiệm việc quản lý chất lượng ATVSTP đối với loại hình kinh doanh thức ăn đường phố; góp phần giảm thiểu ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm từ đó nhân rộng mô hình này từng bước xây dựng khu phố, tuyến phố, xã phường đạt tiêu chí về ATVSTP trong kinh doanh thức ăn đường phố, đảm bảo an sinh xã hội và mỹ quan đô thị…
Cuối tháng 2-2014, Chi cục ATVSTP, UBND TP. Pleiku, Phòng Y tế, Trung tâm Y tế TP. Pleiku, UBND phường Hội thương và Trạm Y tế phường Hội Thương đã có cuộc họp bàn về việc triển khai thực hiện kế hoạch mô hình điểm về kinh doanh thức ăn đường phố. Theo kế hoạch, từ ngày 3 đến 20-3-2014, ngành chức năng sẽ tổ chức điều tra, thống kê danh sách các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn phường Hội Thương; tổ chức tập huấn kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm, cấp giấy chứng nhận, vận động các cơ sở kinh doanh ký cam kết… Từ ngày 21 đến 28-3-2014, kiểm tra đánh giá việc thực hành bảo đảm ATVSTP trong kinh doanh thức ăn đường phố theo cam kết đối với các cơ sở. Đầu tháng 4-2014, sẽ đánh giá kết quả ban đầu và có kế hoạch triển khai tiếp theo…
“Để việc triển khai đạt kết quả tốt thì cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp ngành trong đó cần nhất là sự phối hợp tốt của UBND phường Hội Thương- nơi thí điểm mô hình này. Chính vì vậy, UBND TP.Pleiku cần có công văn chỉ đạo, đôn đốc, nhắc nhở để việc triển khai đạt hiệu quả…”- ông Đang cho biết.
Như Nguyện