Kinh tế

Hàng hóa - Tiêu dùng

Thị trường 29 Tết: Sức mua tăng, nhiều mặt hàng giá biến động mạnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không khí mua sắm ở các chợ, siêu thị, cửa hàng trong ngày 29 Tết diễn ra rất nhộn nhịp. Sức mua hàng tăng mạnh, tập trung vào các loại thực phẩm tươi sống, hoa quả. Giá cả một số mặt hàng đã tăng từ 20-30%.

Thịt heo bình ổn, hải sản và hoa quả tăng mạnh

Tại các siêu thị, chợ, cửa hàng, sức mua hàng trong ngày 29 Tết tăng gấp nhiều lần trước đó, tập trung chủ yếu ở mặt hàng thực phẩm tươi sống, hoa quả. Qua khảo sát giá cho thấy, thịt bò có giá từ 140-300 ngàn đồng/kg (tăng 30 ngàn đồng/kg so với ngày thường); thịt gà ta 150-170 ngàn đồng/kg (tăng 20 ngàn đồng/kg); riêng thịt heo có giá bán ổn định từ 100-160 ngàn đồng/kg, không tăng so với trước đó. Bà Nguyễn Thị Hoài Thanh-tiểu thương bán thịt heo tại chợ Hoa Lư (TP. Pleiku) cho biết: “Mọi năm, đến 29 Tết là giá thịt heo các loại tăng khá mạnh, nhưng năm nay giá rất ổn định, không tăng so với ngày thường. Nhờ vậy, lượng tiêu thụ có khá hơn, trung bình mỗi ngày quầy của tôi bán chừng gần 100 kg”.

Trong ngày 29 Tết, giá thịt heo giữ ổn định, không tăng so với ngày thường. Ảnh: Vũ Thảo

Trong ngày 29 Tết, giá thịt heo giữ ổn định, không tăng so với ngày thường. Ảnh: Vũ Thảo

Theo các tiểu thương, thường trong 2 ngày cuối năm, người dân bắt đầu đi mua thịt về làm mâm cỗ và trữ ăn trong mấy ngày Tết. Nếu so lượng bán với trước kia thì không bằng, vì bây giờ mùng 2 Tết tiểu thương đã họp chợ, hàng rất đầy đủ nên thay vì mua 5 ký thì nay họ chỉ mua chừng 2 ký, đủ ăn trong 2-3 ngày. Giá thịt heo không tăng là do giá heo hơi đã giảm, phần nữa là do giá heo của các lò mổ bán ra không tăng.

Bà Trần Thị Thanh Hiền (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) chia sẻ: “Chiều 29 Tết, tôi đi chợ thấy các mặt hàng từ hoa, rau củ quả, các loại thịt đều tăng giá, riêng chỉ có thịt heo không tăng. Đây có lẽ là điều hiếm thấy trong mỗi dịp Tết. Thời điểm này, lượng người đi chợ mua sắm có đông nhưng vẫn không bằng mọi năm, gia đình tôi cũng mua sắm ít đi vì tiết giảm chi tiêu”.

Trong khi thịt heo có giá bán ổn định trên thị trường thì mặt hàng hải sản lại tăng khá mạnh từ 20-30%. Ví dụ như cá các loại tăng 10-50 ngàn đồng/kg; tôm sú từ 260-450 ngàn đồng/kg (tăng 40-70 ngàn đồng/kg); mực ống lớn từ 300-400 ngàn đồng/kg (tăng 50 ngàn đồng/kg)… Bà Trần Thị Bình-tiểu thương bán hải sản ở khu vực Chợ Đêm (TP. Pleiku) cho hay, nguồn cung hải sản khan hiếm nên các vựa nhập không có hàng, do đó giá cũng bị đẩy lên cao từ mấy ngày trước. Nhiều loại cá đắt tiền như cá thu, cá bớp giá tăng đến 30%, còn các loại cá khác cũng tăng từ 10-30 ngàn đồng/kg.

Tại các chợ sức mua tăng nhưng vẫn không nhộn nhịp bằng mọi năm. Ảnh: Vũ Thảo

Tại các chợ sức mua tăng nhưng vẫn không nhộn nhịp bằng mọi năm. Ảnh: Vũ Thảo

Năm nay, dịp cận Tết nguồn cung trái cây tương đối dồi dào. Tuy nhiên, giá tăng khá mạnh, dao động từ 10-40 ngàn đồng/kg. Khảo sát giá một số loại như táo Envy tăng từ 220 ngàn đồng/kg lên 250 ngàn đồng/kg, mãng cầu tăng từ 60 ngàn đồng lên 85 ngàn đồng/kg, thanh long tăng từ 30 ngàn đồng lên 50 ngàn đồng/kg, xoài cát Hòa Lộc từ 100 lên 140 ngàn đồng/kg, cam cara Mỹ từ 120 ngàn đồng lên 150 ngàn đồng/kg. Theo bà Nguyễn Thị Thắm-tiểu thương chợ Hoa Lư, năm nay hàng Tết về rất sớm và nhiều nên người dân tranh thủ đi chợ mua sắm từ sớm. Trong đó, giá mặt hàng trái cây để chưng mâm ngũ quả tăng mạnh, còn lại chỉ tăng nhẹ, do chi phí vận chuyển tăng nên giá bị đẩy lên.

Sức tiêu thụ hàng giảm đáng kể so năm ngoái

Bà Phan Thị Ánh Nhung-chủ cửa hàng Hồng Nhung (đường Nguyễn Văn Trỗi, TP. Pleiku) chia sẻ: “Năm nay, cửa hàng chúng tôi cân nhắc rất kỹ khi nhập hàng về, nhất là các loại mứt truyền thống, lượng nhập vào giảm đến 70%. Bởi bây giờ, người tiêu dùng có xu hướng nghiêng về các loại thực phẩm ít ngọt, các loại hạt dinh dưỡng, granola, thành ra sức mua bánh kẹo, mứt, nước ngọt giảm đi rất nhiều so mọi năm. Giá cả hàng hóa tương đối ổn định, chỉ một số ít có giá tăng nhẹ nhưng không đáng kể”.

Mặt hàng trái cây có sức tiêu thụ mạnh nhất trong ngày 29 Tết. Ảnh: Vũ Thảo

Mặt hàng trái cây có sức tiêu thụ mạnh nhất trong ngày 29 Tết. Ảnh: Vũ Thảo

Ghi nhận sức mua hàng hóa trong ngày 29 Tết, Ông Bùi Quốc Bình-Giám đốc Siêu thị Co.opmart Pleiku-cho biết: Siêu thị đã xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa khoảng 110 tỷ đồng. Hàng tập trung số lượng lớn chủ yếu ở nhóm thực phẩm công nghệ, thực phẩm tươi sống, hóa phẩm, may mặc, đồ dùng gia đình, điện gia dụng… Đến thời điểm này, lượng hàng bán ra cơ bản đạt so với kế hoạch đề ra. Giá cả hàng hóa năm nay tương đối ổn định, không xảy ra tình trạng khan hiếm bất kỳ mặt hàng nào. Ngày hôm nay, người dân đến mua sắm chủ yếu là trái cây, bánh mứt. Để phục vụ nhu cầu mua sắm, Siêu thị sẽ mở cửa phục vụ người dân đến trưa 30 Tết.

Theo kế hoạch của tỉnh, với mức dự trữ hơn 56 ngàn tấn lương thực (tương đương gần 800 tỷ đồng), hơn 50 ngàn tấn thực phẩm các loại (tương đương khoảng 1.805 tỷ đồng); 5.250 tỷ đồng thực phẩm công nghệ (2,55 triệu lít rượu, 36,21 triệu lít bia, 17 triệu lít nước giải khát, 2,55 ngàn tấn bánh kẹo mứt…) thì với sức mua như hiện tại, nguồn hàng lương thực thực phẩm rất dồi dào, không thể xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá.

Theo báo cáo nhanh của Cục Quản lý thị trường tỉnh, qua theo dõi, kiểm tra, kiểm soát thị trường cho thấy, diễn biến tình hình cung-cầu hàng hóa ổn định, đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn tỉnh. Lực lượng Quản lý thị trường đã tăng cường công tác quản lý địa bàn, hoạt động giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm hành chính đối với hàng hóa, nhất là những mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp Tết Nguyên đán như: bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát, thuốc lá, các mặt hàng thực phẩm tươi sống, khí dầu mỏ hóa lỏng, hàng điện tử, mỹ phẩm, thời trang cao cấp, quần áo may sẵn… tại các trung tâm thương mại, chợ đầu mối, chợ dân sinh, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.

Có thể bạn quan tâm