(GLO)- Các doanh nghiệp và nhà nông Tây nguyên đang bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2017-2018. Việc cập nhật thường xuyên, đầy đủ thông tin dự báo đáng tin cậy về những biến động trên thị trường cà phê quốc tế và trong nước để có được những quyết định đúng, giảm thiểu rủi ro và thiệt hại trong kinh doanh là hết sức cần thiết.
Giá cà phê robusta ít thay đổi
Trong gần 1 năm qua (kể từ tháng 10-2016), giá cà phê thế giới có xu hướng giảm. Giá trung bình tháng 9-2017 của cà phê Brazil giảm 17,8%, trong đó cà phê robusta giảm 4,3% so với tháng 10-2016. Đóng cửa phiên giao dịch tuần cuối tháng 10-2017, giá cà phê robusta trên sàn London ở mức 1.985 USD/tấn cho kỳ hạn giao hàng tháng 11-2017, 1.920 USD/tấn với kỳ hạn tháng 3-2018. Tương tự, giá cà phê arabica trên sàn New York là 2.788 USD/tấn (giao hàng tháng 12-2017). Chênh lệch giữa giá cà phê arabica và robusta trên hai sàn tăng lên 29% đối với kỳ hạn giao tháng 11-2017 và 33% cho kỳ hạn tháng 3-2018.
Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, giá cà phê trung bình năm 2018 ít thay đổi so với năm 2017. Ảnh: Đ.T |
Giá cà phê robusta hiện đang thấp hơn 11,8% so với mức đỉnh tháng 11-2016 và cao hơn 5,8% so với mức đáy tháng 1-2017. Điều đó có nghĩa, giá cà phê đang gần hơn với mức đáy, nhưng cũng không quá xa so với mức đỉnh, đủ bù đắp chi phí và có lãi cho người trồng.
Ngân hàng Thế giới dự báo giá cà phê thế giới trung bình năm 2018 ít thay đổi so với cuối năm 2017. Theo dự báo của Hãng Bloomberg, Ngân hàng Rabobank và Quỹ Tiền tệ quốc tế, giá cà phê arabica trung bình quý cho các loại vào cuối năm 2018 tăng so với hiện tại, khoảng 3.000-3.300 USD/tấn, nhưng giá cà phê robusta có thể dao động 1.800-2.000 USD/tấn.
Nhiều yếu tố tác động đến giá cà phê
Tăng trưởng sản lượng cà phê toàn cầu trong 6 năm gần đây chỉ có 1 năm giảm hơn 2%, 5 năm còn lại tăng 1-2%/năm.
Niên vụ 2017-2018, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ dự báo sản lượng cà phê thế giới tương đương niên vụ trước; Ngân hàng Rabobank điều chỉnh giảm thiếu hụt nguồn cung từ 6,1 triệu bao xuống 4,9 triệu bao do dự báo sản lượng tăng so với dự báo trước.
Sản lượng cà phê Braizl niên vụ 2016-2017, theo Tổ chức Cà phê quốc tế đạt 55 triệu bao, tăng 9,1% so với niên vụ trước; Bộ Nông nghiệp Hoa kỳ nhận định đạt 56,1 triệu bao, tăng 13,3%. Niên vụ 2017-2018 đã thu hoạch xong từ tháng 8, sản lượng đạt 52,1 triệu bao, trong đó cà phê arabica đạt 40,5 triệu bao, giảm 5,1 triệu bao so với vụ trước; cà phê robusta đạt 11,6 triệu bao, tăng 1,1 triệu bao. Trường hợp mưa thuận lợi trong tháng 11, rất có thể Brazil được mùa lớn trong niên vụ 2018-2019, sẽ tạo áp lực lên giá cà phê toàn cầu ngay từ giữa năm 2018.
Sản lượng cà phê tại Colombia và Indonesia niên vụ 2017-2018 được nhận định cũng tăng nhẹ so với vụ trước với 14,6 triệu bao và 11-12 triệu bao.
Tăng trưởng tiêu dùng cà phê toàn cầu có xu hướng chậm lại, phần lớn tiêu dùng cà phê toàn cầu tăng thêm đến từ khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Bắc Mỹ. Dự trữ, tồn kho cà phê thế giới cuối kỳ năm 2016 và 2017 tiếp tục giảm. Tăng trưởng sản lượng chậm và không ổn định, nhưng giá cà phê thế giới vẫn giảm và hồi phục chậm, cho thấy giá cà phê thế giới không chỉ chịu tác động của các yếu tố bên trong thị trường mà còn chịu tác động của các yếu tố ngoài thị trường, như tăng trưởng kinh tế thế giới, tăng trưởng thương mại toàn cầu vẫn ở mức thấp, giá dầu mỏ giảm, đồng đô la Mỹ tăng giá so với nhiều đồng tiền có tương quan lớn với thị trường cà phê. Trong khi đó, giá cà phê Việt Nam phụ thuộc giá cà phê thế giới do tiêu dùng cà phê trong nước có quy mô nhỏ, dù tăng trưởng nhanh, phần lớn sản lượng cà phê phải tiêu thụ trên thị trường thế giới.
Giá cà phê nhân xô trong nước tại các tỉnh Tây Nguyên đầu quí I-2017 ở xung quanh mức 46 triệu đồng/tấn, đến cuối tháng 4, đầu tháng 5 giảm xuống quanh mức 42 triệu đồng/ tấn, từ tháng 5 đến tháng 8 ở quanh mức 44-46 triệu đồng/tấn và cuối tháng 9 giảm xuống 42 triệu đồng/tấn. Với mức giá trung bình từ đầu năm đến nay đủ bù đắp chi phí và có lãi, khuyến khích người trồng cà phê tăng đầu tư chăm sóc phục hồi năng suất cà phê.
Nguyễn Viết Sê