Cụ thể hơn, công nghệ đòi hỏi cơ quan báo chí và nhà báo phải luôn vận động, trau dồi cả những kỹ năng bề rộng và kỹ năng bề sâu, luôn học, cập nhật những tiến bộ của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và các lĩnh vực khác.
Ở đây, sự "thay đổi" và "sự học" thể hiện rất rõ. Phải sẵn sàng đổi mới hoạt động của tòa soạn, đừng chần chừ nữa!
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, đặc biệt là AI và mạng xã hội, đã và đang tạo ra cuộc cách mạng trong việc truyền tải thông tin đến bạn đọc. Điều này dẫn đến cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các cơ quan báo chí và mạng xã hội. Trong vòng xoáy cạnh tranh khốc liệt này, để tồn tại và có chỗ đứng trong lòng bạn đọc, không cách nào khác, báo chí truyền thống phải thay đổi và đổi mới mạnh mẽ tư duy quản trị, quản lý và sản xuất nội dung. Xem chuyển đổi số báo chí là mệnh lệnh của thời đại.
Tận dụng AI và công nghệ số đang là xu thế phổ biến ở các tòa soạn báo hiện nay. AI đóng vai trò quan trọng trong cải thiện chất lượng nội dung và trải nghiệm người dùng. Sử dụng AI để phân tích dữ liệu độc giả giúp tòa soạn hiểu rõ hơn về sở thích và hành vi của bạn đọc, từ đó sản xuất nội dung phù hợp và hấp dẫn hơn. Ngoài ra, bằng công nghệ, các tòa soạn có thể tạo ra các bài viết tương tác, nơi độc giả không chỉ đọc mà còn có thể tham gia vào câu chuyện qua các hình ảnh 3D hoặc video 360 độ. Đây là một cách để thu hút sự chú ý và giữ chân bạn đọc trong thời đại số.
Chỉ công nghệ thôi vẫn chưa đủ. Làm báo trong kỷ nguyên số, nội dung đóng vai trò "vua", còn công nghệ được ví như "nữ hoàng". Nội dung chất lượng luôn là yếu tố cốt lõi để giữ chân bạn đọc. Báo chí cần đầu tư vào những bài viết có chiều sâu, phân tích kỹ lưỡng và đưa ra góc nhìn mới lạ. Các phóng sự điều tra, bài viết mang tính nhân văn và các câu chuyện đời thường gần gũi sẽ tạo được sự kết nối mạnh mẽ với bạn đọc. Sử dụng công nghệ để đa dạng hình thức trình bày, như đồ họa thông tin (infographic), video, podcast… là những cách hiệu quả để truyền tải thông tin một cách sinh động và dễ hiểu.
Có công nghệ thông minh, có nội dung hay nhưng thiếu tương tác và gắn kết với bạn đọc thì cũng giống như bệ đỡ 3 chân nhưng 1 chân bị cụt. Mạng xã hội không chỉ là đối thủ mà còn là công cụ hỗ trợ đắc lực cho báo chí. Tòa soạn có thể sử dụng các nền tảng như Facebook, YouTube, TikTok, Twitter, Instagram… để tương tác với bạn đọc, lắng nghe phản hồi và giải đáp thắc mắc. Các buổi livestream, hỏi đáp trực tuyến và các cuộc thi viết trên mạng xã hội là những cách tốt để tạo sự gắn kết với độc giả. Điều này không chỉ tạo ra sự tương tác mà còn giúp tòa soạn xây dựng một cộng đồng bạn đọc trung thành.
Chủ tịch nước Tô Lâm: Báo chí phải có tinh thần tiến công, đấu tranh loại bỏ cái xấu, cái sai
Chuyển đổi số để đa dạng hóa nguồn thu cho báo chí
Bằng cách tận dụng công nghệ, đổi mới nội dung và hình thức, tương tác chặt chẽ với bạn đọc, đa dạng hóa nguồn thu…, từng tờ báo có thể giữ chân bạn đọc trung thành và thu hút thêm nhiều bạn đọc mới. Câu hỏi lớn mà các tòa soạn phải đối diện lâu nay là "sống" thế nào với mạng xã hội, với công nghệ truyền thông, nhất là khi xuất hiện AI, đã phần nào được giải đáp.
Nhìn lại chặng đường 49 năm qua, Báo Người Lao Động đã có những bước phát triển đáng tự hào. Trong thời đại công nghệ số, tòa soạn đã và đang nỗ lực không ngừng để thích ứng và đổi mới. Với sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa chất lượng và công nghệ, Báo Người Lao Động sẽ tiếp tục vượt khó để giữ vững vị thế của mình, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, trở thành người bạn đồng hành tin cậy trong lòng bạn đọc.