Thời sự - Bình luận

Thiêng liêng hai tiếng “đồng bào”

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Tính đến 17 giờ ngày 12-9, cả nước đã có 330 người chết, mất tích do ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi) và mưa lũ sau bão.

Con số này vẫn chưa dừng lại khi lực lượng chức năng đang nỗ lực tìm kiếm nạn nhân trong các vụ sạt lở đất, lũ cuốn ở một số địa phương.

Ngoài ra, “cơn bão thế kỷ” này cũng làm thiệt hại ước tính lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng khi hơn 10.000 ngôi nhà bị sập đổ, tốc mái, hư hỏng nặng; hàng trăm ngàn héc ta lúa và hoa màu bị ngập, trên 1.000 cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản bị phá hủy; nhiều tuyến giao thông, trường học, cơ sở y tế, công trình công cộng bị tàn phá nặng nề…

Lực lượng quân đội triển khai tìm kiếm các nạn nhân mất tích do sạt lở đất tại Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Lực lượng quân đội triển khai tìm kiếm các nạn nhân mất tích do sạt lở đất tại Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Kể từ khi tiếp nhận thông tin siêu bão Yagi sẽ đổ bộ vào miền Bắc, các ngành, địa phương, lực lượng chức năng cùng người dân cả nước đã dõi theo từng diễn biến để dự lường các tình huống ứng phó.

Mặc dù đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng song sức phá hủy vượt ngoài sự tưởng tượng của siêu bão Yagi đã để lại khung cảnh tan hoang đến đau lòng. Hình ảnh, video về sức mạnh, sự tàn phá khủng khiếp của cơn bão nhanh chóng lan truyền trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội khiến ai nấy chứng kiến đều không khỏi bàng hoàng, xót xa.

Sau bão, mưa lớn vẫn tiếp tục kéo dài khiến mực nước sông suối không ngừng lên cao. Lũ quét, sạt lở đất chôn vùi bao ngôi nhà và cả người dân ở tỉnh Cao Bằng, Lào Cai. Điện mất, không có sóng điện thoại, giao thông ngưng trệ… Hàng ngàn ngôi nhà ngập sâu trong nước, người dân trèo lên mái nhà cầu cứu. Chưa bao giờ miền Bắc phải hứng chịu một trận bão lũ kinh hoàng như thế!

Giữa những mất mát, đau thương ấy, người dân khắp mọi miền Tổ quốc cùng hướng về miền Bắc, sẵn sàng tương trợ bằng những hành động thiết thực, ấm áp, đong đầy “nghĩa tình đồng bào”.

Cơn bão Yagi vừa dứt, những đoàn người từ các tỉnh, thành đã sẵn sàng “hành quân” ra Bắc để hỗ trợ người dân dọn dẹp đường sá, nhà cửa, sửa sang cơ sở vật chất, tiếp viện nhu yếu phẩm. Từ các hãng hàng không cho đến đơn vị vận chuyển, xe khách, xe tải đều sẵn sàng chở miễn phí hàng hóa cứu trợ.

Bằng cả tấm lòng, người dân khắp các tỉnh, thành đóng góp, ủng hộ kinh phí, hiện vật để chuyển đến bà con vùng bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Trên mạng xã hội, các hội, nhóm liên tục cập nhật điểm tiếp nhận, danh sách các thực phẩm, nhu yếu phẩm, địa điểm phân phối hàng cứu trợ để mọi người ủng hộ cho phù hợp, tránh lãng phí. Những kinh nghiệm ứng phó trong và sau bão lũ cũng được nhiều người dân miền Trung đăng tải, chia sẻ.

Các đồng chí lãnh đạo TP. Pleiku ủng hộ đồng bào miền Bắc khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra. Ảnh: ĐT

Các đồng chí lãnh đạo TP. Pleiku ủng hộ đồng bào miền Bắc khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra. Ảnh: ĐT

Bên cạnh đó, từ trung ương đến chính quyền địa phương, cơ quan, đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp ở các tỉnh, thành cũng phát động ủng hộ giúp người dân miền Bắc khắc phục hậu quả do cơn bão số 3. Ngay trong buổi lễ phát động, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tiếp nhận gần 407 tỷ đồng từ các tổ chức, cá nhân ủng hộ và đăng ký ủng hộ. Con số ấy vẫn đang không ngừng tăng lên.

Ngoài hiện vật thì số tiền mà đồng bào cả nước đóng góp lúc này có ý nghĩa rất lớn, là nguồn lực giúp người dân miền Bắc tái thiết cuộc sống sau thiên tai. Trong những lúc nguy nan mới thực sự thấy hai tiếng “đồng bào” xiết bao ấm áp, thiêng liêng.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các cơ quan, hội, đoàn thể, tổ chức trong tỉnh cũng đã tổ chức vận động, kêu gọi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động… chung tay hỗ trợ đồng bào miền Bắc với tinh thần “ai có của giúp của, ai có công giúp công, có ít giúp ít, có nhiều giúp nhiều” như lời của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Các hội, nhóm, câu lạc bộ thiện nguyện trong tỉnh đã vận động hàng chục tấn hàng hóa lên đường viện trợ cho bà con các tỉnh, thành bị thiệt hại nặng nề sau cơn bão. Càng cảm động hơn khi có những em học sinh dù tuổi còn nhỏ song cũng tự nguyện đập heo đất, dùng toàn bộ số tiền tiết kiệm để quyên góp.

Bão thì đã tan, nhưng những thiệt hại nặng nề mà nó để lại sẽ cần một thời gian dài khắc phục, tái thiết. Nhưng tin rằng, sự nỗ lực của chính quyền địa phương và người dân vùng lũ cùng với tinh thần đoàn kết, sự đồng lòng, chung sức của đồng bào cả nước, những con đường sẽ sớm trở lại màu xanh, những mái nhà sẽ được sửa sang vững chãi. Một cuộc sống mới đầy niềm tin và hy vọng sẽ lại bắt đầu.

Có thể bạn quan tâm