Thiệt hại hơn 4 tỷ đồng do mưa lũ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cơn mưa lớn kéo dài kèm với việc nhà máy thủy điện An Khê-Ka Nak xả lũ đã dẫn đến tình trạng ngập lụt trên diện rộng khắp các huyện, thị phía Đông tỉnh.
 

Mặc dù tới sáng ngày 16-11, nước đã rút nhưng vẫn còn chảy xiết và những thiệt hại do cơn lũ vừa gây ra vẫn đang được các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra và thống kê. Sau một đêm túc trực tại điểm cầu sông Ba, hiện Thanh tra Cục Đường bộ Việt Nam tỉnh đã đưa tăng nhân lực tiến hành dọn dẹp rác mắc trên thành cầu để các xe cộ lưu thông.
 

Rác thải do lũ kéo về kẹt trên thành câu sông Ba đang được dọn dẹp. Ảnh: Phương Linh

Ghi nhận tại thôn Thượng An 3 (xã Song An, thị xã An Khê), có hơn 15 hộ bị ảnh hưởng và thiệt hại do cơn lũ vừa qua. Nước lớn kéo về, dâng cao hơn 1 mét khiến một cây cầu dân sinh và bờ đường hai bên cầu bị sạt lở nặng. Tại một cây cầu dân sinh khác trong thôn, nước vẫn chảy tràn qua mặt cầu. Có lẽ thiệt hại nặng nhất trong đợt lũ vừa rồi là hộ chăn nuôi heo của anh Võ Văn Vinh (29 tuổi, thôn Thượng An 3, xã Song An, thị xã An Khê). Nước tràn vào nhà anh Vinh và dâng cao hơn 1 mét.
 

Sức nước chảy xiết đã kéo đổ sập hàng rào bê tông, làm ngả rạp cây cối xung quanh nhà. Nghiêm trọng hơn, hệ thống chuông trại chăn nuôi của anh Vinh bị hư hỏng nặng khi hàng loạt mái tôn bị gió tốc và cuốn trôi, nước làm sập hoàn toàn khu nhà đựng cám chăn nuôi và làm hỏng chiếc máy nghiền cám của gia đình. Hiện tại, theo ước tính tổng thiệt hại của gia đình anh Vinh là hơn 20 triệu đồng. Rất may, gia đình anh Vinh cũng đã kịp di chuyển toàn bộ số heo lên nơi khô ráo, an toàn, giảm thiệt hại.
 

Đoạn đường cầu dân sinh tại thôn Thượng An 3 bị sạt lở mạnh. Ảnh: Phương Linh

Thống kê nhanh của UBND thị xã An Khê cho biết: tính đến cuối ngày 16-11, tổng thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 15 trên địa bàn thị xã ước tỉnh khoảng trên 4 tỷ đồng. Về hoa màu có 12,6 ha lúa mới sạ, 5 ha mía, mì, 32 ha rau xanh, 22 tấn lương thực, thực phẩm bị ướt. Về gia súc có 900 gia súc gia cầm bị cuốn trôi (khoảng 50 con heo, còn lại là gà và vịt), khoảng 5 tấn cá các loại. Về giao thông và các công trình xây dựng có bản có 1 cầu ván tạm (cầu Ri, tổ dân phố 3, phường An Bình) bị sập và cuốn trôi, công trình đập Đất Khách, xã Song An bị vỡ thân, 4 công trình đập bị cuốn trôi trên 700 m3 đất, trạm bơm điện (xã Thành An) và trạm bơm cấp 1-Nhà máy nước An Khê bị ngập. Gần 5 km đường giao thông nông thôn bị sạt lở, hư hỏng khoảng 400 m2 đường nhựa, bê tông nội thị; khoảng 15 tấn vôi, xi măng vị hư hại.
 

Cảnh tan hoang sau lũ của gia đình anh Vinh (thôn Thượng An 3). Ảnh: Phương Linh

Tại huyện Kbang, lũ cũng đã làm ngập 38 nhà dân, gây sạt lở phần móng của 3 nhà dân, cuốn trôi một máy hút cát. Các tuyến đường ở Đông Trường Sơn từ trung tâm huyện về các xã cũng bị hư hỏng nghiêm trọng; 1 cầu dân sinh vào làng Vir, xã Krong bị nước cuốn trôi. Sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản cũng bị thiệt hại nặng nề với hơn 17,5 ha lúa nước mới gieo xạ vụ Đông Xuân 2013- 2014 bị ngập; khoảng 1,5 ha cây hoa màu (ớt, rau, khổ qua) và 5 con gia súc bị cuốn trôi. Ước tính thiệt hại do lũ gây ra tới hàng trăm triệu đồng.

Đến thời điểm hiện tại chưa có thiệt hại về người. UBND thị xã An Khê và huyện Kbang  đang tích cực chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường công tác giúp dân khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của cơn bão số 15 và sẵn sàng ứng phó với các tình huống xấu có thể xảy ra.

Phương Linh

Có thể bạn quan tâm