(GLO)- Thực trạng kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm tràn lan, chưa được kiểm soát đang gióng lên hồi chuông báo động về an toàn thực phẩm và nhiều hệ lụy về vệ sinh môi trường, gây tác động xấu đến sức khỏe con người.
Hầu hết thịt heo, gà chưa qua kiểm dịch
Phần lớn thịt gia cầm bán ở chợ chưa đảm bảo vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm. Ảnh: Đức Phương |
Trung tâm Thương mại Pleiku là chợ đầu mối cung cấp các loại hàng hóa tiêu dùng cho cả tỉnh, trong đó có thịt heo, bò, gia cầm. Tại đây có 30 hộ kinh doanh thịt heo, bò và 20 hộ kinh doanh gà vịt. Ban Quản lý chợ cho biết, mỗi ngày tại đây tiêu thụ khoảng 10 tấn thịt heo, trong đó có một lượng lớn thịt được bán sỉ cho các tiểu thương vận chuyển về các chợ nhỏ và đưa xuống các huyện lân cận để tiêu thụ. Riêng về gia cầm thì có cả gà vịt đã giết thịt và gà vịt còn sống được nhốt trong chợ, khi khách hàng mua đem về nhà giết thịt hoặc muốn giết thịt tại chợ thì đã có gần chục gian hàng làm dịch vụ mổ gà thuê xử lý tại chỗ.
Hàng thịt gia súc, gia cầm thì luôn sẵn sàng, đảm bảo đủ nhu cầu, gần như không bao giờ xảy ra thiếu hụt, khan hiếm. Tuy nhiên, điều đáng quan ngại là hầu hết gia súc, gia cầm bày bán trong chợ lại không được lăn dấu kiểm phẩm của cơ quan thú y. Mới đây, khi Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm của tỉnh tiến hành kiểm tra tại Trung tâm Thương mại Pleiku, chợ Yên Thế, Biển Hồ thì hầu hết thịt heo, bò bán ở các chợ này đều không có dấu kiểm phẩm của cơ quan thú y.
Giải thích về sự việc trên, ông Trần Văn Tư-Trưởng ban Quản lý Trung tâm Thương mại Pleiku nói: Việc kiểm soát dịch bệnh thú y trên thịt heo, bò, gia cầm bán ở chợ là do Trạm Thú y thành phố thực hiện. Có 2 cán bộ thú y lăn dấu kiểm phẩm thịt hàng đêm ở chợ. Tuy nhiên “mỗi đêm xe thồ chở heo vào chợ nườm nượp, có những xe ba gác chở đến 2-3 tạ nên cán bộ thú y thường chỉ lăn dấu được những con nằm chồng bên trên còn bên dưới rất khó thực hiện. Mà chỉ lăn dấu kiểm phẩm không thôi thì tôi không tin lắm về độ an toàn vệ sinh thực phẩm và phòng ngừa dịch bệnh”-ông Tư nói.
Kiểm soát giết mổ: Làm đằng… ngọn!
Kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: Đức Phương |
Trên địa bàn TP. Pleiku hiện có khoảng 74 điểm giết mổ gia súc, gia cầm và trên 250 quầy sạp bán sản phẩm gia súc, gia cầm tại các chợ. Các điểm giết mổ do các hộ gia đình, cá nhân đứng ra hoạt động mang tính chất tự phát. Các hộ tự mua gia súc về giết mổ tại nhà rồi bán sản phẩm đến các chợ trên địa bàn và đi các huyện lân cận như: Chư Pah, Ia Grai, Đức Cơ, Đak Đoa… Có trên 50% số hộ vừa giết mổ gia súc tại nhà vừa tự bán thịt tại chợ. Thế nhưng, hiện không có “lò” mổ nào được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y và giấy phép hành nghề. Vì thế, tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm và ô nhiễm môi trường đang gây ra nhiều bức xúc.
Công tác kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm được giao cho Trạm Thú y TP. Pleiku. Thế nhưng Trạm chưa thực hiện lăn dấu kiểm soát giết mổ tại “lò” mổ nào, công tác này vẫn còn thả nổi. Vì vậy gia súc kể từ khi các chủ lò mổ mua về nuôi nhốt đến khi giết thịt đưa ra chợ bán cho người dân không hề được theo dõi, kiểm soát về dịch bệnh. Điều này không loại trừ có cả những heo, bò bị chết, bị bệnh hoặc đang ủ mầm bệnh vẫn được giết mổ rồi đem ra chợ bán hàng ngày mà người dân mua về để làm thực phẩm không hề biết được.
Tại thị xã Ayun Pa, thị xã An Khê và huyện Đak Pơ, nơi Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm của tỉnh vừa đi kiểm tra trong “Tháng Hành động vì an toàn thực phẩm năm 2015” thì tình cảnh cũng xảy ra tương tự. Trạm Thú y của các địa phương trên cũng chỉ thực hiện lăn dấu kiểm phẩm tại chợ mà không theo dõi, kiểm soát được dịch bệnh của gia súc từ đầu vào và trong quá trình giết mổ theo quy định. Trong Tháng Hành động vì an toàn thực phẩm năm nay với chủ đề “Sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn” nhưng Ban Chỉ đạo liên ngành ở các địa phương cũng chưa thực sự quan tâm, không tiến hành kiểm tra các cơ sở giết mổ gia súc, các điểm kinh doanh thịt gia súc, gia cầm trên địa bàn.
Ông Trần Quang Khâm-Chánh Thanh tra Sở Y tế, Phó Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh đánh giá: Công tác kiểm soát giết mổ mới chỉ làm... đằng ngọn. Cán bộ thú y chỉ lăn dấu kiểm phẩm thịt heo, bò tại chợ mang tính chiếu lệ mà hiệu quả chỉ có thể đánh giá ở việc thu phí giết mổ chứ không mấy có giá trị về mặt kiểm soát dịch bệnh. Còn Ban Quản lý các chợ thì đang đứng ngoài cuộc, họ không hề quan tâm đến việc các hộ kinh doanh đưa vào chợ bán loại thịt gì, có đảm bảo vệ sinh thú y, phòng-chống dịch bệnh và có an toàn thực phẩm hay không?
Đức Phương