Thoát nghèo nhờ Ngân hàng Chính sách Xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vẫn bị xem là vùng đất nghèo của tỉnh, nhưng diện mạo cuộc sống của nhiều người bản địa ở Kông Chro đã có một sinh khí mới. Cùng với các chính sách ưu tiên dành cho người dân tộc thiểu số của Nhà nước, một tư duy mới, khát vọng mới đã làm thay đổi hẳn nếp nghĩ, cách làm lạc hậu đã tồn tại từ nhiều thập kỷ trước…

Đứng giữa căn nhà rẫy mát rượi, phóng tầm mắt về bốn phía, già Đinh Nghiơr, làng Đê Kram, xã An Trung chậm rãi giới thiệu: “Phía Đông, phía Tây kéo đến chân ngọn núi kia là diện tích mía và đậu xanh, còn lại là hơn 1 ha lúa nước. Toàn bộ diện tích này mình mới đầu tư trồng mía và đậu xanh thôi, nhưng năng suất khá”. Theo một cán bộ của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, tổng diện tích gieo trồng của nông dân này trên dưới 10 ha. Với đàn bò gần chục con, đàn gà hàng trăm con thả vườn, cùng đàn heo giống… tạo thành mô hình trang trại khép kín mang lại cho gia đình Đinh Nghiơr thu nhập 300-400 triệu đồng/năm. Thế nhưng ít ai biết rằng, cách đây vài năm, già Nghiơr còn bạc đầu nghĩ về số phận chìm nổi cùng tương lai của 5 đứa con đều đến tuổi dựng vợ, gả chồng.

 

Vợ chồng già Đinh Nghiơr trên ruộng đậu xanh. Ảnh: H.N

Sau giải phóng, trở về làng với những chiến công vẻ vang nhưng Đinh Nghiơr đau xót thốt lên khi chứng kiến cái nghèo của buôn làng. Ông kể: “Nhà cửa xác xơ, đất đai rộng lớn để cỏ ăn vào tận chân cầu thang nhà sàn. Nhưng cái chân cái tay của người làng không muốn đi làm. Cái bụng chỉ thích uống rượu, thích hội họp vui chơi. Bao nhiêu năm cầm súng đánh giặc, khi về làng mình chỉ có hơn 3 triệu đồng Nhà nước cho là tài sản duy nhất. Mình không có đất. Có bao nhiêu tiền đều mang ra thuê người khai hoang để trồng lúa, cái bụng của 5 đứa con lúc nào cũng đói”.
 

Ông Đinh Văn Nghĩa-Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện nhận định: “Chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn để thoát nghèo theo chủ trương của Đảng và Nhà nước là chính sách rất nhân đạo, mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân. Bình quân hàng năm có khoảng 500-700 hộ nghèo trong huyện được tiếp cận với nguồn vốn này và có ý thức sử dụng vốn vay đúng mục đích nên cải thiện cơ bản đời sống. Ngoài được vay vốn, họ được tiếp cận với nhiều chương trình tập huấn khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi do Ngân hàng phối hợp với các hội, đoàn thể thực hiện”.

Khi vừa đuổi được cái đói thì cũng là lúc Nhà nước có chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn để phát triển kinh tế. Vượt lên tư duy của người làng đã bao đời, cho rằng Yàng có cho mưa thuận gió hòa thì mới mang lại mùa màng tươi tốt, con người không thể tác động, vay tiền Nhà nước không để làm gì. Cái bụng Đinh Nghiơr nghĩ khác. “Mình đã đi kháng chiến, được bộ đội dạy cho bao nhiêu cái mới, phải thay đổi cách nghĩ, cách làm”-Nghiơr nghĩ thầm. Thế rồi, cũng chính ông là người đầu tiên đến nhờ cán bộ ngân hàng hướng dẫn cách làm đơn vay vốn trong sự nghi hoặc của nhiều người làng.

“Tiền ngân hàng cho vay không nhiều, nếu không biết cách sử dụng thì tiền sẽ “chạy” đi mất. 15 triệu đồng không lớn nhưng nó chạy mất thì lấy gì mà trả cho Nhà nước”-ông hóm hỉnh nói. Nhờ một vài gợi ý của cán bộ huyện, ông mua hai con bò cái. Hơn hai năm sau, đàn bò của ông đã tăng lên 8 con với giá trị cả trăm triệu đồng. Bán bò lấy tiền đầu tư trồng mía, trồng đậu xanh trên diện tích đất sẵn có, mỗi năm ông thu nhập 100-150 triệu đồng với hai loại cây trồng cho giá trị kinh tế này. Mới chỉ thoát nghèo và vươn lên làm giàu từ vài năm nay nhưng với nhiều người dân, việc Đinh Nghiơr làm giàu từ hai con bò đã làm họ thay đổi hẳn suy nghĩ và tìm đến ông học cách làm giàu.

Ở tuổi gần 80, hàng ngày ông vẫn lên rẫy. Khi ra ruộng mía, khi lên ruộng đậu, khi dắt mấy con bò cột rải rác quanh rẫy cho chúng gặm cỏ. “Không đi làm là mình đau”-ông trần tình khi cáo lỗi chúng tôi để đeo chiếc gùi trên tấm lưng đã còng xuống vì thời gian để lên ruộng đậu xanh đang vào mùa chín rộ.

Gia đình Đinh Chrinh, làng Hle Ktu, thị trấn Kông Chro cũng như nhiều hộ nghèo khác trong thị trấn, với số tiền 10 triệu đồng được Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cho vay, “mình phải khéo xoay mới lọt”-Chrinh nói. Chỉ mua được một cặp bò cái và một con dê mẹ từ số tiền vay được, nhưng Chrinh đã thu hái thành quả. Dê mẹ sinh sản nhanh, chỉ một năm sau anh đã có thêm 6 dê con. Chrinh đổi một con bò lấy đất trồng trọt, con còn lại để sinh sản. Sau đó bán dê để lấy tiền đầu tư trồng đậu, trồng mía. Đồng vốn ít ỏi nhưng “khéo xoay” như lời Chrinh đã giúp anh giải quyết khá nhiều việc. Từ một hộ nghèo, đến nay anh đã có thu nhập trên 50 triệu đồng/năm với 1 ha bắp, 1 ha đậu xanh, 5 con bò, 8 con dê. Chrinh kết luận: “Đồng vốn như một cú hích, khơi lên khát vọng thoát khỏi đói nghèo, thay đổi cuộc sống của nhiều gia đình”. Anh còn khoe, bốn đứa con đều được đi học, đứa lớn đã lên lớp 10, đứa nhỏ lớp 6.

 

Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm