Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Thông cáo số 13, Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thứ Ba, ngày 9/11/2021, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Đây là ngày làm việc thứ hai của Đợt họp thứ 2 theo hình thức tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk phát biểu thảo luận tại hội trường, ngày 9/11. Ảnh: LINH NGUYÊN
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk phát biểu thảo luận tại hội trường, ngày 9/11. Ảnh: Linh Nguyễn



Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội dành cả ngày để tiếp tục thảo luận về:

i) Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022;

ii) Báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV;

iii) Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024 (trong đó có việc bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 của tỉnh Quảng Nam; lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương).

Phiên họp được Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và Nhân dân cả nước quan tâm, theo dõi.

Tại phiên thảo luận, có 60 ý kiến phát biểu, 2 ý kiến tranh luận của đại biểu Quốc hội, tập trung về những nội dung cụ thể như sau:

- Về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, các đại biểu đánh giá cao kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp; đồng tình với mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Bên cạnh đó, các đại biểu tập trung thảo luận về các nội dung: nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia; chính sách phục hồi sản xuất, tạo việc làm cho người lao động; cơ chế đổi mới khoa học và công nghệ; công tác dạy và học trực tuyến, tuyển sinh đại học; tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên ở một số địa phương; giải pháp đẩy mạnh chương trình cấp điện đối với khu vực nông thôn, miền núi; phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới, cửa khẩu; công tác giảm nghèo; vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; tháo gỡ những khó khăn trong vấn đề quản lý đất đai; công tác quản lý, bảo vệ rừng, giải quyết vướng mắc liên quan đến đất đai của các công ty nông, lâm nghiệp; việc quản lý thông tin trên không gian mạng; giải pháp phát triển kinh tế số, chuyển đổi số; đẩy nhanh tiến độ đầu tư một số đường cao tốc; mở rộng liên kết vùng; vấn đề bình đẳng giới; chế độ, chính sách đối với công tác cán bộ; nâng mức hỗ trợ đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; chế độ đối với các xã đảo đặc biệt khó khăn; giải pháp phát triển du lịch, thu hút đầu tư nước ngoài sau đại dịch; chính sách đối với người có công với cách mạng; tháo gỡ những điểm nghẽn về thủ tục hành chính; vấn đề cơ cấu lại các tổ chức tín dụng...

- Về Báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, các ý kiến đại biểu tập trung phân tích, đánh giá những kết quả đạt được, chỉ rõ tồn tại, hạn chế và đề xuất các giải pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch như: ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch; hoàn thiện hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở; các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19; khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong phòng, chống dịch Covid-19; đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin; chính sách hỗ trợ đối với trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19; củng cố, tăng cường tuyến y tế cơ sở, y tế dự phòng, y tế tư nhân; kinh phí cho việc xét nghiệm Covid-19.

Bên cạnh đó, các ý kiến cũng đề nghị làm rõ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trên các khía cạnh thể chất, tâm lý, việc làm, thu nhập, cơ hội tiếp cận bình đẳng đối với giáo dục, đào tạo và các gói hỗ trợ của người dân; vai trò của truyền thông trong việc tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh; việc thống nhất phần mềm quản lý thông tin về Covid-19; hiệu quả của việc sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong công tác phòng, chống dịch; tình hình thực hiện Nghị quyết số 128/NĐ-CP của Chính phủ quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiếm soát hiệu quả dịch Covid-19”...

- Về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024 (trong đó có việc bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 của tỉnh Quảng Nam; lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương), các đại biểu tập trung thảo luận về kết quả thu ngân sách nhà nước; cơ cấu ngân sách nhà nước; chính sách thu ngân sách; chi cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; tăng điều tiết ngân sách cho các tỉnh, thành bị thiệt hại nặng nề do dịch Covid-19; việc phân bổ nguồn thu từ xổ số kiến thiết tại các địa phương; vấn đề kiểm soát nợ công; rà soát danh mục đầu tư công trung hạn; đề nghị Quốc hội và Chính phủ bổ sung một số dự án theo chương trình dự án quan trọng cấp bách và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025…

Kết thúc nội dung thảo luận, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Thứ Tư, ngày 10/11/2021, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về hai nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực y tế và lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội.

Phiên chất vấn được Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và Nhân dân cả nước quan tâm, theo dõi.

 

Theo LINH NGUYÊN (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm