(GLO)- Từ ngày 1-1-2016, một số chính sách mới về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) bắt đầu có hiệu lực. Riêng về chính sách BHYT thì từ ngày 1-1-2016, chính thức áp dụng mở thông tuyến khám-chữa bệnh (KCB) BHYT giữa tuyến xã và tuyến huyện trên cùng địa bàn tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người tham gia BHYT trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế.
Khám-chữa bệnh tại Trung tâm Y tế TP. Pleiku. Ảnh: N.Y |
Ông Lê Quốc Khánh-Phó Giám đốc BHXH Gia Lai cho biết: Theo quy định, người tham gia BHYT đăng ký KCB ban đầu tại cơ sở y tế nào thì đi KCB BHYT tại cơ sở đó để được hưởng đầy đủ quyền lợi theo quy định của Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn thi hành. Ngoài ra, từ ngày 1-1-2016 sẽ thông tuyến KCB, tạo sự lựa chọn cho người tham gia BHYT.
Theo đó, người có thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại cơ sở KCB tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền KCB BHYT tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh.
Người có thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại cơ sở KCB tuyến xã chuyển tuyến đến bệnh viện huyện, bao gồm cả các bệnh viện huyện đã được xếp hạng I, hạng II và bệnh viện y học cổ truyền tỉnh (trong trường hợp bệnh viện huyện không có khoa y học cổ truyền).
Người có thẻ BHYT được bệnh viện tuyến huyện, bao gồm cả bệnh viện đã được xếp hạng I, hạng II và bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa, viện chuyên khoa, trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh chuyển tuyến đến trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh hoặc bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa, viện chuyên khoa tuyến tỉnh cùng hạng hoặc hạng thấp hơn.
Người bệnh được cấp cứu tại bất kỳ cơ sở KCB nào. Bác sĩ hoặc y sĩ tiếp nhận người bệnh đánh giá, xác định tình trạng cấp cứu và ghi vào hồ sơ, bệnh án; sau giai đoạn điều trị cấp cứu, người bệnh được chuyển vào điều trị nội trú tại cơ sở KCB nơi đã tiếp nhận cấp cứu người bệnh hoặc được chuyển đến cơ sở KCB khác để tiếp tục điều trị theo yêu cầu chuyên môn hoặc được chuyển về nơi đăng ký KCB ban đầu sau khi đã điều trị ổn định.
Trường hợp người bệnh được chuyển tuyến KCB có bệnh khác kèm theo, bệnh được phát hiện hoặc phát sinh ngoài bệnh đã ghi trên giấy chuyển tuyến, cơ sở KCB nơi tiếp nhận người bệnh thực hiện việc KCB đối với các bệnh đó trong phạm vi chuyên môn.
Trường hợp người tham gia BHYT đi công tác, học tập, làm việc lưu động hoặc tạm trú dưới 12 tháng tại địa phương khác thì được KCB tại cơ sở KCB trên địa phương đó tương đương với tuyến của cơ sở KCB ban đầu ghi trên thẻ BHYT. Trường hợp địa phương đó không có cơ sở y tế tương đương thì người tham gia BHYT được lựa chọn cơ sở KCB khác có tổ chức KCB BHYT ban đầu.
Đối với trường hợp người có thẻ BHYT đã được đăng ký KCB ban đầu tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh hoặc tuyến trung ương nhưng tự đi KCB không đúng tuyến tại cơ sở KCB tuyến huyện, tuyến xã, cơ quan BHXH tạm thời chưa thanh toán chi phí KCB theo chế độ BHYT như đối với các trường hợp tự đi KCB ngoại trú tại các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương (trừ các đối tượng có thẻ BHYT được ghi mã K1, K2, K3; các trường hợp cấp cứu; có giấy tạm trú, đi công tác, học tập).
Theo Phó Giám đốc BHXH tỉnh Lê Quốc Khánh thì có 62 bệnh, nhóm bệnh và các trường hợp được sử dụng giấy chuyển tuyến trong năm Dương lịch (theo quy định tại Thông tư số 40/2015/TT-BYT ngày 16-11-2015 của Bộ Y tế). Theo dự kiến, từ ngày 1-4-2016 sẽ tăng giá 1.800 dịch vụ kỹ thuật. Việc điều chỉnh sẽ được thực hiện theo lộ trình bằng cách lần lượt đưa lương, phí quản lý, khấu hao tài sản cố định vào giá dịch vụ.
Như Ý