Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Thú chơi cổ ngoạn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ông chưa phải là người sở hữu nhiều cổ vật nhất, cũng chưa hẳn có những món đồ quý hiếm nhất trong giới chơi cổ vật tại Gia Lai. Song, những câu chuyện về thú chơi cổ ngoạn mà ông chia sẻ luôn cuốn hút người đối diện bởi sự tự nhiên của một cuộc chơi không toan tính cũng như góc nhìn rất nhân văn. Đó là bác sĩ Võ Văn Hưng (55 Nguyễn Du, TP. Pleiku).
Trong không gian sinh hoạt khá khiêm tốn của gia đình, bác sĩ Hưng dành nhiều nơi để trưng bày, sắp đặt từng vị trí riêng biệt cho các nhóm cổ vật đủ chất liệu: gốm, sứ, kim loại, đá, giấy. Ngóc ngách nào trong nhà cũng đậm cái tình hoài cổ. Qua hàng chục năm sưu tầm, ông đang sở hữu bộ sưu tập tổng hợp khá đồ sộ với hơn 3.000 hiện vật. 
Thú chơi “lập dị”
“Nhiều người không hiểu sẽ cho là mình điên khi mua một món đồ cũ với giá hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Có khi đó chỉ là chiếc ghè bị sứt tai hay chiếc tô vỡ”-bác sĩ Hưng mở đầu câu chuyện khi dẫn chúng tôi tham quan không gian trưng bày tại nhà. Càng “điên” hơn khi ông bỏ ra số tiền rất lớn mua đồ rồi chỉ để… ngắm. Từ khi bắt đầu mê thú chơi kỳ lạ này đến nay, ông chỉ mua vào chứ chưa từng bán ra món nào. Với ông, đó là cách thể hiện sự trân trọng đối với những di sản của tiền nhân. 
Tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa Da liễu Trường Đại học Y Tây Nguyên năm 1990, bác sĩ Hưng được điều về công tác tại Trạm Da liễu tỉnh Gia Lai (nay sáp nhập về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh), chuyên trách nhiệm vụ loại trừ bệnh phong. Thời sôi nổi tuổi trẻ, ông gắn mình với các buôn làng nơi ở của những bệnh nhân phong tại huyện Chư Păh, Chư Pưh, Ia Grai… Có chuyến nửa năm trời ông mới về nhà một lần.
Bác sĩ Võ Văn Hưng bên những chiếc ghè ché cổ Tây Nguyên. Ảnh: Phương Duyên
Chính khoảng thời gian ấy đã mang đến cho chàng bác sĩ gốc Huế những ý niệm đầu tiên về văn hóa Tây Nguyên. Khi được mời dự lễ mừng lúa mới của đồng bào dân tộc thiểu số, ông lạ lẫm nhìn những ghè rượu cần xếp thành hàng dài, càng bất ngờ khi biết rằng trong số đó có những chiếc ghè quý phải đổi bằng hàng chục con trâu, bò. Suốt 10 năm lặn lội ở các buôn làng đã khiến ông “vỡ” ra rằng, ghè ché ở Tây Nguyên từng là tài sản có giá trị quy đổi không khác gì vàng bạc. “Chúng không chỉ mang giá trị vật chất mà còn là giá trị tinh thần, tâm linh. Trong các lễ hội, tôi thấy mắt người dân bản địa ánh lên niềm tự hào trước di sản tổ tiên để lại. Thời điểm đó đã có nhiều thương lái các tỉnh tìm đến Gia Lai để săn lùng các loại ghè quý. Tôi một mặt mê mẩn, một mặt vì… ích kỷ, sợ mất đi cái vốn văn hóa ấy nên bắt đầu sưu tầm ghè Tây Nguyên”-bác sĩ Hưng nói về cơ duyên với thú chơi này. 
Trong bộ sưu tập tổng hợp của bác sĩ Hưng, hiện vật gốm sứ chiếm phần đa, có tuổi đời từ thế kỷ XI đến đầu thế kỷ XX. Một trong những món đồ mà ông rất tự hào là chiếc ghè được giới chơi cổ vật định tuổi gần 1.000 năm, căn cứ trên họa tiết và màu men nâu đặc trưng thời Lý. Một chiếc nữa cao 98 cm, là gốm thời Minh, đến đất Tây Nguyên thông qua con đường mua bán giữa các thương gia. Mỗi chiếc đều được ông dành một chỗ trưng bày trang trọng, xứng tầm.
Ngược dòng lịch sử
Ông Hồ Xuân Toản-Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Bảo tàng tỉnh: “Chúng tôi rất quý bác sĩ Võ Văn Hưng vì ông sưu tầm cổ vật chỉ với mong muốn gìn giữ, bảo tồn những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc”.
“Nghề chơi cũng lắm công phu”. Câu ấy quả đúng khi nói về thú sưu tầm cổ vật bởi nó đòi hỏi người chơi phải có sự am hiểu, tinh thông nhất định về lịch sử, mỹ thuật qua các thời kỳ. 
Bác sĩ Hưng cho biết, theo sử sách, trong những chuyến đi sứ sang Trung Hoa, các triều vua nước ta đều cho xe chở vàng bạc qua trao đổi hoặc đặt hàng sản phẩm gốm sứ. Giờ đây, từ những hiện vật mỏng mảnh này, hậu thế có dịp nhìn rõ hơn một thời kỳ lịch sử. Ông đưa ra ví dụ: Thời Lê-Trịnh, chúa Trịnh tuy tiếm quyền Vua Lê nhưng không cướp ngôi vì nghe theo lời khuyên của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Các đời chúa Trịnh nhờ rất mạnh về kinh tế và tiềm lực quân sự nên đồ gốm sứ đặt hàng đều vô cùng tinh xảo, thuộc hàng thượng phẩm. Dù vậy, phẩm trật vẫn thể hiện rất rõ trên các sản phẩm này khi hình tượng rồng luôn có áng mây che bớt nét uy vũ, thể hiện sự tôn trọng nhất định của chúa Trịnh đối với Vua Lê. Không có gì lạ khi hiện nay nhiều món đồ thời nhà Trịnh có giá lên đến hàng tỷ đồng. Đơn cử, có 1 nhà sưu tập ở Gia Lai sở hữu chiếc tô quý hiếm. Cách đây 10 năm, trước khi anh này mua về, nó đã từng bị vỡ làm 10 mảnh, khi ghép lại vẫn thiếu 1 mảnh, song mức giá vẫn “trên trời”: 250 triệu đồng! Đến nay, nhà sưu tập này vẫn quyết không bán dù có người trả hơn 1 tỷ đồng.
Theo bác sĩ Hưng, giá trị hiện vật đôi khi chỉ nằm ở một bức tranh mô phỏng tích xưa, đề một câu thơ ý nghĩa hoặc niên hiệu. Ông giới thiệu với chúng tôi chiếc tô mà mình đã sưu tập được mang tích Việt Vương Câu Tiễn. Xưa kia, khi phải sang nước Ngô làm con tin, Việt Vương Câu Tiễn nén lòng phục dịch đủ việc. Những lúc Ngô Vương Phù Sai có việc ra ngoài, ông phải dắt ngựa theo hầu. Quyết tâm “nếm mật nằm gai” nuôi chí phục thù, Việt Vương Câu Tiễn chấp nhận mọi tủi nhục. Kể đến đây, bác sĩ Hưng chỉ cho chúng tôi xem bức tranh trên chiếc tô: Một người mặc quan phục đang ngồi dưới tán cây chăn đàn ngựa. Vì mê tích ấy mà ông sẵn sàng bỏ ra 80 triệu đồng để sở hữu. Một hiện vật khác ông cũng rất ưng là chiếc tô long viên (ổ rồng) hiệu đề “Thiệu Trị niên tạo”, dù đã bị vỡ và được hàn gắn lại song giá vẫn lên đến 250 triệu đồng.  
Chiếc tô long viên có hiệu đề “Thiệu Trị niên tạo” là một trong những hiện vật quý được bác sĩ Võ Văn Hưng sưu tầm. Ảnh: Phương Duyên
Bước vào không gian của những món đồ cổ, được nghe nhiều câu chuyện liên quan mới hiểu rằng, một món đồ quý không chỉ bởi giá trị vật chất mà còn vì một câu chuyện ẩn chứa hoặc dụng ý nhân văn nào đó. Như chiếc đọi cháo có niên hiệu Tân Sửu (1841) đời Vua Tự Đức, thường được các quan dùng trước giờ vào chầu. Những người khác có thể không động tâm nhưng bác sĩ Hưng mua ngay vì nó trùng với năm tuổi của ông. Hoặc giả, ông cũng có một bộ sưu tập nhỏ khá độc đáo gồm những hiện vật gốm lỗi. Đó là khoảng 20 chiếc bình, lọ có tuổi đời hơn 100 năm, đa phần thuộc dòng gốm Nam Bộ. Bác sĩ Hưng kiến giải: Trước kia, các lò gốm thường nằm cạnh những con sông để dễ dàng vận chuyển sản phẩm đi nơi khác tiêu thụ. Khi đưa vào lò nung, chiếc này chèn chiếc khác khiến một số sản phẩm bị vẹo vọ, méo mó. Tiện tay, chúng bị quẳng xuống sông, sau này mới được trục vớt lên. “Đời gốm cũng như đời người. Nhìn chúng, tôi nghĩ đến số phận của những bệnh nhân phong. Tuy bệnh tật nhưng họ vẫn mong muốn làm người có ích. Những chiếc bình này cũng vậy, dù bị lỗi nhưng vẫn có thể tận dụng, thậm chí trông chúng khá độc đáo. Phải nhìn thấy cái xấu mới cảm được cái đẹp”-bác sĩ Hưng lý giải về việc đã dành cho chúng một tình cảm đặc biệt từ góc nhìn của người thầy thuốc. 
Gạch nối xưa-nay
Từ niềm đam mê cổ vật, những nhà sưu tập như bác sĩ Hưng đã tự nguyện trở thành gạch nối để giúp thế hệ sau thêm hiểu và trân quý di sản của ông cha. Cũng vì vậy mà ông không ngại chia sẻ vốn quý ấy theo cách của riêng mình. 
Giới thiệu về 2 bức sắc phong thần thời Lê và Nguyễn mà mình có duyên sưu tập được, ông vui vẻ cho hay, sau khi tìm hiểu, ông biết có 1 bức của Vua Khải Định sắc phong cho 1 vị quan ở tỉnh Thái Bình. Dù rất quý nhưng ông vẫn bày tỏ mong muốn tìm dòng họ trên để tặng lại. “Sắc phong thần là danh dự của dòng tộc nên với họ đây sẽ là hiện vật quý giá. Mình mang tặng họ thì sẽ ý nghĩa hơn”-ông bày tỏ. 
Bộ sưu tập gốm lỗi tuy giá trị không quá cao nhưng luôn được bác sĩ Võ Văn Hưng dành tình cảm đặc biệt. Ảnh: Phương Duyên
Chưa hết, ông còn có ý định tặng lại một nhóm hiện vật khác cho Bảo tàng tỉnh Đak Lak. Đó là tượng 3 chú voi gồm 1 voi trắng, 2 voi màu xanh vẹt được chế tác từ lò gốm Biên Hòa xưa, con lớn nhất cao khoảng 40 cm. Cùng với đó là bức tranh gốm độc bản với hình tượng các chú voi mà ông phải đeo đẳng suốt 10 năm mới mua được. Tổng giá trị nhóm hiện vật khoảng 80 triệu đồng. Ông chia sẻ: “Tôi có ý định tặng lại Bảo tàng tỉnh Đak Lak vì đây là xứ sở huyền thoại của các vua săn voi và thuần dưỡng voi. Đây cũng là nơi gia đình tôi đi kinh tế mới từ năm 1977, nhiều kỷ niệm lắm!”.
Nhằm làm phong phú thêm số hiện vật kim loại, bên cạnh 9 chiếc chiêng và 10 chiếc la có tuổi đời xấp xỉ 200 năm, bác sĩ Hưng đang thương lượng để mua về từ Pháp chiếc kim bài bằng vàng ròng của Vua Thành Thái. Ông trầm giọng đề xuất: “Theo tôi, tỉnh ta nên có sự kết nối với các nhà sưu tập tư nhân để khai thác, phát triển du lịch. Bằng cách này ta sẽ để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách về văn hóa của một vùng đất”.
PHƯƠNG DUYÊN

Có thể bạn quan tâm