Cuộc thi viết về chủ đề "Thành phố Pleiku: Bản sắc và Hiện đại"

Bảo tồn bản sắc văn hóa ở TP. Pleiku dưới góc nhìn mới - Kỳ cuối: Giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chính quyền TP. Pleiku đã dành nguồn lực đầu tư để Plei Ốp thành điểm đến của du khách trải nghiệm văn hóa truyền thống và bản sắc dân tộc Jrai thông qua phục dựng một số lễ hội cộng đồng như: cúng giọt nước, pơ thi…

Đến Plei Ốp, du khách được thưởng thức những tiết mục cồng chiêng gắn với vòng xoang đậm đà bản sắc dân tộc Jrai và thưởng thức những món ăn dân dã, uống rượu cần...

Câu chuyện về bản sắc dân tộc Lự là bài học về sự bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tộc người được nhà nghiên cứu Nguyễn Tuệ Chi đề cập trong công trình “Bản sắc tộc người di sản văn hóa và du lịch”.

Chúng tôi cho rằng sự thành công của nghề dệt truyền thống người Lự đang sinh sống ở Thái Lan, ngoài sự may mắn còn có yếu tố nội sinh và sự tác động quan trọng của nhà nước Thái trong việc nhìn nhận và biết phát huy bản sắc văn hóa, cụ thể là nghề dệt thổ cẩm của người Lự.

bag-lay-5589.jpg
Biểu diễn cồng chiêng ở Plei Ốp, phường Hoa Lư. Ảnh: Đ.T

Dân tộc Lự đang còn hiện diện ở bản Hon (Lai Châu), một bộ phận ở Trung Quốc, Lào và Thái Lan. Nghề dệt thổ cẩm của người Lự từ xa xưa cũng giống như các dân tộc bản địa Tây Nguyên mang tính tự cung tự cấp. Người ta tự trồng bông dệt vải, nhuộm màu sắc bằng các vật liệu tự nhiên và tự làm khung dệt thủ công.

Trong một nghiên cứu của Hideki Yoshikawa (Nhật Bản) được trình bày tại hội thảo ở Hà Lan năm 1999 về bản sắc và kinh tế của người Lự ở Thái Lan đã cho thấy: Trước đây, nhóm người Lự này ở Lào, họ dệt thổ cẩm và bán sản phẩm cho các dân tộc khác. Thấy vậy, thực dân Pháp bắt đánh thuế với mức cao, khiến cộng đồng người Lự không chịu nổi và họ tìm cách di cư sang Đông Bắc Thái Lan.

Ở vùng đất mới, người Lự vẫn tiếp tục với nghề trồng bông dệt vải truyền thống và sản phẩm của họ được nhiều người biết đến, Chính phủ Thái bắt đầu quan tâm. Khi thị trường Thái Lan ưa chuộng sản phẩm dệt thổ cẩm thủ công của người Lự thì cộng đồng dân tộc này trở nên giàu có.

Trong các sản phẩm được quảng bá ra thị trường thế giới thì vải thổ cẩm truyền thống của người Lự được nhiều quốc gia chú ý và nó trở thành bản sắc quốc gia Thái trong quan hệ thương mại quốc tế. Mô hình này được Thái Lan phổ biến, khuyến khích các tộc người khác ở vùng sâu, vùng xa nhân rộng để từng bước xóa đói giảm nghèo. Từ đó, bản sắc vải thổ cẩm truyền thống của người Lự đã trở thành “tài sản” chung của các tộc người ở Thái Lan.

Với kinh nghiệm này, chúng tôi cho rằng, TP. Pleiku nên tổ chức và khuyến khích các buôn làng trên địa bàn phục hồi và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống và nghề đan lát thủ công; quảng bá rộng rãi thông qua nhiều con đường, trong đó có du lịch và các hội chợ thương mại để tiêu thụ sản phẩm.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có nhiều tổ hợp dệt thổ cẩm truyền thống mang bản sắc Jrai, Bahnar ở một số buôn làng cùng nhiều hoa văn khá đẹp mắt với những cải tiến mẫu mã hợp thời trang, hiện đại. Vấn đề là khâu tiếp cận thị trường cần linh hoạt và chuyên nghiệp hơn thông qua các doanh nghiệp có kinh nghiệm với sự góp sức của chính quyền địa phương.

Khi các sản phẩm mang bản sắc văn hóa của dân tộc mà đem lại lợi ích cả vật chất và tinh thần cho cộng đồng, cải thiện cuộc sống người dân thì giá trị của nó sẽ được nâng tầm và các thành viên của buôn làng ấy, cộng đồng dân tộc đó sẽ ra sức bảo tồn như báu vật, các thế hệ sau sẽ tự nguyện học hỏi để tiếp nối.

2ngocsang-3984.jpg
Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm làng Phung (xã Biển Hồ) góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời tạo việc làm cho người dân. Ảnh: N.S

Khi TP. Pleiku chọn các làng Jrai để đầu tư xây dựng thành làng văn hóa-du lịch thì cần có sự khảo sát, lập quy hoạch và sự tư vấn của các chuyên gia về văn hóa dân tộc, chọn lựa thế mạnh về di sản văn hóa truyền thống đặc sắc và những nghệ nhân tinh hoa có khả năng hướng dẫn và truyền dạy lại cho cộng đồng di sản của cha ông để đạt được 2 mục tiêu là vừa bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa vừa phục vụ du lịch, thu hút du khách.

Thời gian qua, chính quyền TP. Pleiku đã nỗ lực đầu tư để Plei Ốp thành điểm đến của du khách trải nghiệm văn hóa truyền thống và bản sắc dân tộc Jrai thông qua phục dựng một số lễ hội cộng đồng như: cúng giọt nước, pơ thi… Du khách được thưởng thức những tiết mục cồng chiêng gắn với vòng xoang đậm đà bản sắc Jrai và thưởng thức những món ăn dân dã, uống rượu cần...

Tuy vậy, một số du khách muốn được trải nghiệm, quan sát các sinh hoạt thường nhật, cách thức lao động và môi trường sống đặc thù của cư dân để hiểu biết sâu hơn về bản sắc dân tộc. Theo đó, Plei Ốp hôm nay khó đáp ứng được theo yêu cầu một làng Jrai nguyên mẫu với đầy đủ các thành tố văn hóa truyền thống như trước đây.

Theo các chuyên gia, cần giữ nguyên khuôn viên và địa hình của làng văn hóa Plei Ốp hiện tại; vận động các hộ dân trong làng không cắt đất bán cho người ngoài, nhất là người Kinh xen cư, xen canh trong phạm vi của làng dẫn đến phá vỡ tổng thể quy hoạch vùng dân cư đặc thù đang đầu tư để phát triển du lịch.

Xem xét để đầu tư xây dựng cảnh quan tự nhiên của Plei Ốp như làm đường dân sinh, trồng cây và các loài hoa phù hợp, đảm bảo môi trường xanh-sạch-đẹp. Tất cả quán xá và hộ kinh doanh trên các trục đường của làng cũng phải được quy hoạch và tuân thủ vẻ mỹ quan, phù hợp với tập quán, đảm bảo vệ sinh môi trường cho cộng đồng.

Thành phố nên cử cán bộ chuyên môn về nông nghiệp hướng dẫn dân làng trồng các loại cây ở nhà vườn, các loại rau củ và canh tác lúa trên cánh đồng, vừa đảm bảo tự cung tự cấp cho các gia đình vừa có thể tăng thu nhập từ sản xuất, đồng thời đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng và du khách.

Cùng với đó, lồng ghép các chương trình hỗ trợ của Nhà nước để đầu tư cho các dự án dân sinh của Plei Ốp cũng như các làng đang quy hoạch để phát triển du lịch của TP. Pleiku. Có chính sách khuyến khích các nghệ nhân cồng chiêng, dệt thổ cẩm, chế tác nhạc cụ dân tộc, tạc tượng… Chú trọng đến việc truyền nghề cho thế hệ trẻ, bằng cách mở các lớp dạy đánh cồng chiêng, thu thập các bài chiêng cổ mang bản sắc Jrai hay tập hát dân ca Jrai, xoang, tạc tượng…

Ngành Văn hóa địa phương có kế hoạch kiểm tra, hướng dẫn và báo cáo định kỳ về các vấn đề liên quan đến công tác xây dựng làng văn hóa-du lịch của TP. Pleiku.

Cùng với đó, chính quyền thành phố cần huy động các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đầu tư vào các làng trọng điểm, đặc biệt là biết khai thác những di sản văn hóa truyền thống của dân tộc bản địa; khuyến khích các thành viên buôn làng tại chỗ lựa chọn những thành tố văn hóa đặc sắc của dân tộc mình để tạo nên các sản phẩm phục vụ du lịch.

laychuan-logo-ban-sac-va-hien-dai-4891.jpg

Có thể bạn quan tâm