Thú chơi hại rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm gần đây rộ lên phong trào chơi đồ gỗ mỹ nghệ nguyên gốc. Có thể là bộ sa lông, bộ tượng Tam đa (Phúc, Lộc, Thọ) hoặc tượng Thần Tài, Phật Di Lặc, Quan Thánh, tứ linh… làm từ gốc, rễ các loại cây quý như: hương, cà te, trắc, cẩm... Giá cả các loại gốc rễ cây này rất cao, thường một bộ có đường kính trên 1 m không dưới vài ba chục triệu đồng.

Đặc biệt, nếu là gỗ trắc hay cẩm lai khi đã được chế tác thành đồ gỗ mỹ nghệ hoặc bộ gốc rễ lớn làm được mặt bàn rộng giá có thể lên đến hàng trăm triệu đồng.

 

Ảnh internet
Ảnh internet

Gốc rễ càng lớn, rộng mặt, nhiều vân tự nhiên, cành đẹp… thợ không cần phải ghép, chắp tạo dáng thì giá càng cao! Đắt nhưng người ta vẫn mua về chơi. Vậy là nhiều khu rừng bị xới tung lên, bị băm nát bởi muốn có được nguyên bộ gốc rễ cây quý phải tốn rất nhiều công sức. Trước hết, người ta đào quanh gốc cây khoảng vài ba chục mét vuông, triệt hạ các cây rừng lớn nhỏ xung quanh rồi tiếp tục đào sâu xuống nhiều mét cho đến đoạn cuối bộ rễ, sau đó dùng phương tiện cơ giới đưa nguyên bộ gốc rễ lên khỏi mặt đất (tất nhiên phải dọn đường cho xe cơ giới vào). Một bộ gốc rễ được chế tác hầu như không bỏ phí chút nào bởi phần gỗ thừa sau khi đục đẽo sẽ được tiếp tục làm thành các sản phẩm nhỏ hơn như lộc bình, cóc ngậm đồng tiền, chuỗi gỗ đeo tay, tượng Phật…

Không chỉ đào gốc rễ cây rừng, người ta còn chơi cây cảnh bon sai bằng cây rừng còn sống như: trắc, bồ đề, bằng lăng, sanh, duối… Một gốc cây cảnh bon sai nhiều tuổi, có dáng đẹp, lạ, giá có thể lên đến hàng chục triệu đồng, nếu là cây trắc, hương thì giá còn cao hơn. Những người chuyên đào gốc cây làm bon sai cho biết, thường những khu rừng càng sỏi đá, cằn cỗi bao nhiêu lại cho những cây rừng bon sai đẹp bấy nhiêu. Quả thật cây cảnh bon sai làm từ cây rừng có dáng đẹp lạ lùng. Nhìn như một cổ thụ thu nhỏ, cũng gốc cành sần sùi năm tháng, thân được mài một bên để lộ màu gỗ bên trong cho thêm hấp dẫn. Một cây trắc như vậy giá hàng chục triệu đồng nhưng người ta vẫn mua đến nỗi không đủ hàng để bán!

Bên cạnh các thú chơi nêu trên thì không thể không nhắc đến một thú chơi nhưng hại rừng không kém. Như thành lệ, hầu như cứ đến Tết, nhà nào-nhất là những nhà khá giả-không tậu được chậu mai ưng ý thì cũng phải tìm mua một cành mai rừng về chưng phòng khách. Những năm gần đây, giá mai rừng tăng vọt, từ vài ba trăm ngàn đồng/cành cứ đến cận Tết lại tăng đến vài ba triệu đồng/cành, thậm chí có cành giá đến chục triệu đồng. Cành càng lớn, thế đẹp, nụ hoa nhiều và phân bổ đều thì giá bán càng cao.

Vậy là cứ đến cuối tháng Chạp, người ta lại đổ xô vào rừng chặt hạ cành mai về bán. Những khu vực trước kia có nhiều mai rừng như Ia O, Ia Chía (huyện Ia Grai), Ia Púch, Ia Mơr (huyện Chư Prông), Uar (huyện Krông Pa), Ia Rbol, đèo Tô Na (thị xã Ayun Pa)… giờ hầu như không còn thấy màu vàng của hoa mai ngày xuân. Đã vậy, mấy năm nay, nhiều nghệ nhân lại cải tiến dùng gốc mai rừng để ghép các loại mai khác như mai tứ quý, mai 5 cánh, 9 cánh, 12 cánh (mai hương), bạch mai… Theo họ, mai rừng sinh trưởng khỏe, chịu hạn và chống chịu được sâu bệnh nên đủ sức để mang trên mình nhiều loại mai khác. Do vậy, không ngại nặng nhọc, họ đi sâu vào rừng chọn lấy những gốc mai lớn, khỏe, thân đẹp, đào lên cả gốc rồi cưa ngang thân cách mặt đất độ vài tấc đến 1 m đưa về chăm sóc cho cây sống, chờ cây tược mắt để ghép, sau đó bố trí các nhánh, chi sao cho đúng ý. Một cây mai ghép cành nụ phân chi và có thế đẹp, ý nghĩa hiện nay có giá không dưới 40 triệu đồng.

Tài nguyên rừng vốn suy giảm và rồi sẽ đến lúc không còn màu xanh đại ngàn, không còn một cành mai vàng ngày xuân nếu như thú chơi nêu trên vẫn chưa được từ bỏ!

Thanh Phong

Có thể bạn quan tâm