(GLO)- Với trang trại rộng 50 ha vừa trồng rừng, cây ăn quả kết hợp chăn nuôi gia súc, mỗi năm, gia đình ông Phạm Quang Tháp (làng Klá-Môn, xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ, Gia Lai) thu lãi hàng tỷ đồng.
Được cán bộ xã Yang Bắc giới thiệu, mới đây, chúng tôi tới tham quan trang trại của gia đình ông Tháp. Dẫn chúng tôi dạo một vòng quanh trang trại, ông Tháp kể, trước đây, ông công tác trong ngành lâm nghiệp, đến năm 2016 thì về hưu. Quá trình công tác, ông thấy khu vực làng Klá-Môn có một số diện tích đất của người dân bỏ hoang nên bàn với vợ gom góp và vay thêm tiền mua 5 ha để trồng bạch đàn, keo. Sau hơn 1 năm xuống giống, diện tích bạch đàn và keo phát triển xanh tốt. Thấy thế, ông tiếp tục dồn tiền mua những thửa rẫy bên cạnh mà người dân bỏ không. Mở rộng dần diện tích, đến nay, gia đình ông Tháp đã có 50 ha đất sản xuất.
Vườn thanh long 4 ha của gia đình ông Phạm Quang Tháp (làng Klá-Môn, xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ) mang lại thu nhập 600-800 triệu đồng/năm. Ảnh: N.M |
Với quỹ đất rộng 50 ha, gia đình ông Tháp cải tạo, quy hoạch từng vùng để có hướng sản xuất phù hợp. Trong đó, những khu vực đất dốc, đồi cao được dành trồng cây keo, bạch đàn. Đến nay, gia đình ông đã trồng được 20 ha. Mỗi năm, gia đình ông khai thác 5-7 ha cây keo, bạch đàn mang lại thu nhập 500-700 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Trong 30 ha đất còn lại, gia đình ông Tháp dành 4 ha khu vực địa hình thoai thoải, gần nguồn nước để trồng thanh long ruột hồng. Vườn thanh long hàng ngàn trụ đã được ông lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt. Ông Tháp chia sẻ: “Thanh long trồng theo hướng hữu cơ nên trái to, cơm giòn, màu đẹp, được thị trường ưa chuộng, giá bán thường cao hơn các loại thanh long khác khoảng 3 ngàn đồng/kg. Hiện nay, thanh long của gia đình tôi được xuất đi các thị trường Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh với giá 13-20 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi 600-800 triệu đồng/năm từ 4 ha thanh long”.
Không chỉ phát triển trồng trọt, gia đình ông Tháp còn tận dụng diện tích đất đai rộng lớn để nuôi trâu, bò sinh sản theo hình thức chăn thả tự nhiên. Trên bãi chăn thả rộng 26 ha, ông Tháp đào hào sâu và làm hàng rào kiên cố bao quanh để đàn trâu, bò hơn 50 con không đi ra ngoài. Khu đất này, ông Tháp còn đào 2 ao, mỗi ao rộng hơn 1.000 m2 nhằm cung cấp nước uống cho đàn trâu, bò; xây dựng hệ thống chuồng trại để trâu, bò tránh trú khi mưa bão. Ông Tháp cho rằng, trâu, bò được nuôi ở khu vực cách xa khu dân cư, tự do ăn uống, ngủ nghỉ ngoài cánh đồng nên con nào cũng béo khỏe, sức đề kháng cao, ít bệnh tật. Ngoài ra, đàn trâu, bò được chăn thả theo cách tự nhiên nên không tốn chi phí thức ăn và nhân công chăn thả. Do đó, lợi nhuận mang lại khoảng 400 triệu đồng/năm. Ông Tháp tâm sự: “Trước đây, gia đình tôi trồng mía nhưng thu nhập thấp. Năm 2015, tôi phá bỏ mía, chuyển sang trồng cây ăn quả và trồng cỏ nuôi gia súc. Nhờ đó mà kinh tế gia đình phát triển, xây dựng được nhà cửa và lo cho các con ăn học đàng hoàng”.
Ông Trương Minh Giới-Chủ tịch Hội Nông dân xã Yang Bắc-cho biết: Trang trại trồng rừng, cây ăn quả kết hợp nuôi trâu, bò của gia đình ông Tháp là một trong những mô hình phát triển kinh tế điển hình của xã. Ông Tháp cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức về trồng rừng, chăm sóc cây ăn quả cho nhiều hội viên, nông dân của xã. Từ đó, một số hội viên đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục tổ chức cho các hội viên tham quan, học hỏi mô hình sản xuất của ông Tháp để áp dụng phát triển kinh tế gia đình.
NGỌC MINH