Thời sự - Bình luận

Thủ tục oái oăm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Không ít cơ quan nhà nước vẫn đưa ra các yêu cầu không phù hợp, thậm chí vượt quá yêu cầu trong quy định luật, khiến doanh nghiệp không biết làm sao để đáp ứng được các đòi hỏi vô lý này.


Cách đây vài hôm, Chính phủ đã ban hành nghị quyết giai đoạn 2020-2025 về cắt giảm thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, với mục tiêu sẽ cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định; cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến hết 31-5-2020 được thống kê ở các bộ, ngành.

Chưa hết, Chính phủ cũng yêu cầu giảm tối đa số lượng văn bản hiện hành có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc thẩm quyền của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ tướng... nhằm ngăn chặn việc phát sinh những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.

Có thể thấy, sự quyết liệt của Chính phủ nhằm mang lại nhiều điều kiện hoạt động thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp hậu dịch COVID-19 là có chủ đích.

Nhưng thực tế, việc thực thi quy định pháp luật liên quan đến các điều kiện, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn nhiều rào cản "biến tướng", nhiều bất cập vẫn tồn tại trầm kha.

Không ít cơ quan nhà nước vẫn đưa ra các yêu cầu không phù hợp, thậm chí vượt quá yêu cầu trong quy định luật, khiến doanh nghiệp không biết làm sao để đáp ứng được các đòi hỏi vô lý này.

Mới nhất, ngành thủy sản, chế biến thực phẩm điêu đứng trước quy định về đăng ký sử dụng mã số, mã vạch nước ngoài trên bao bì cho các lô hàng xuất khẩu.

Các doanh nghiệp xuất khẩu buộc phải có giấy ủy quyền (bản gốc) của nhà nhập khẩu, giấy xác nhận đăng ký sử dụng mã số, mã vạch được cấp "độc quyền" bởi Trung tâm Mã số - mã vạch quốc gia cho một bộ hồ sơ (chi phí mất 500.000 đồng/bộ), thời gian giao hàng trễ thêm 20 - 30 ngày so với lúc chưa có quy định bổ sung oái oăm và trái luật này.

Đáng nói, 163 quốc gia có giao thương với Việt Nam không hiểu các giấy tờ này có tác dụng gì đối với họ lẫn doanh nghiệp xuất khẩu, thậm chí còn rất ngạc nhiên trước việc cơ quan quản lý trong nước dường như muốn "thò tay" sang tận... nước sở tại để quản lý cách ghi nhãn hàng hóa, cách phân phối, lưu thông sản phẩm mà quy ước mã số, mã vạch quốc tế đã thể hiện rõ.

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) hay Tổ tư vấn về phát triển bền vững và nâng cao năng lực quốc gia - các đơn vị có nhiều khảo sát về các rào cản trong hoạt động kinh doanh - đã từng "điểm mặt" lý do vì sao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt chưa thể "bật" mạnh so với nội lực đang có cũng chỉ vì tình trạng một số bộ, ngành tùy tiện áp dụng pháp luật, "lợi dụng" yêu cầu về minh bạch trong cơ chế quản lý đối với các mặt hàng để mở rộng thêm thành phần kiểm soát.

Tới đây, muốn cộng đồng doanh nghiệp có động lực vượt lên chính mình, góp sức đưa nền kinh tế hồi phục, việc cấp thiết phải được chú trọng là gấp rút nâng cao năng lực của đội ngũ quản lý nếu thật sự muốn giảm dần điều tiếng "có tiêu cực" trong phân cấp, quản lý trách nhiệm của từng bộ, ngành.

Không thể kéo dài tình trạng vì nhận thức hạn chế mà các cơ quan có trách nhiệm lựa chọn phương án "đá bóng" an toàn nhất là không "quyết" gì cả, hoặc đùn đẩy qua nhiều nơi rồi trả ngược lại cho cấp trên "ôm". Hậu quả đưa đến là tình trạng "ôm" việc, "ôm" quyền ngày càng phổ biến ở cấp cao, còn doanh nghiệp, người dân luôn là nơi cuối cùng chịu thiệt.

Theo TRẦN VŨ NGHI (TTO)

Có thể bạn quan tâm