Thủ tướng phê duyệt việc tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính qua bưu điện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 45/2016 về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) qua dịch vụ bưu chính công ích, có hiệu lực từ ngày 16-12-2016.

3 hình thức thực hiện TTHC qua bưu điện

Quyết định số 45 được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 19-10-2016 quy định việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân (không điều chỉnh việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC đối với TTHC yêu cầu tổ chức, cá nhân không được ủy quyền và phải có mặt trực tiếp để giải quyết).

 

Dịch vụ tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu điện đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng.

Theo Quyết định này, việc tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu điện phải đảm bảo các yêu cầu: Bảo đảm chất lượng dịch vụ (an toàn, ổn định, tin cậy, chính xác, thường xuyên, kịp thời trong việc thực hiện dịch vụ chuyển phát hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC); Tiết kiệm chi phí thực hiện TTHC của tổ chức, cá nhân; Tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện TTHC; Bảo đảm vai trò của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích trong việc chuyển phát hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC; sự phối hợp giữa doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích với tổ chức, cá nhân và cơ quan có thẩm quyền trong giải quyết TTHC; Chịu sự hướng dẫn, kiểm tra về chất lượng dịch vụ chuyển phát của cơ quan nhà nước, được hưởng các cơ chế ưu tiên, ưu đãi theo quy định của pháp luật đối với loại hình dịch vụ bưu chính công ích.

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng đã nêu rõ, các tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn một trong ba hình thức khi thực hiện TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích gồm: Gửi hồ sơ giải quyết TTHC; Nhận kết quả giải quyết TTHC; Gửi hồ sơ và nhận kết quả giải quyết TTHC.

Việc nhận hồ sơ của tổ chức, cá nhân được thực hiện tại các điểm phục vụ bưu chính của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích hoặc tại địa chỉ theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân. Cơ quan có thẩm quyền bố trí người tiếp nhận hồ sơ và tiền phí, lệ phí (nếu có) do doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích chuyển đến. Khi hoàn thành giải quyết TTHC, cơ quan có thẩm quyền đăng tải công khai kết quả giải quyết TTHC trên trang thông tin điện tử của cơ quan (nếu có) và thông báo (bằng tin nhắn, thư điện tử hoặc hình thức khác) đến nhân viên bưu chính và tổ chức, cá nhân.

Hồ sơ và kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích phải được chuyển trả kịp thời cho các tổ chức, cá nhân. Trường hợp tổ chức, cá nhân không thể trực tiếp nhận hồ sơ, kết quả từ nhân viên bưu chính thì có thể ủy quyền cho người khác nhận hồ sơ, kết quả TTHC.

Tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ có thể chọn 1 trong 2 cách nộp phí, lệ phí giải quyết TTHC gồm: Trực tiếp nộp hoặc chuyển vào tài khoản phí, lệ phí của cơ quan có thẩm quyền; Trực tiếp nộp hoặc chuyển vào tài khoản của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích để chuyển cho cơ quan có thẩm quyền.

Chất lượng dịch vụ bưu chính và giá cước áp dụng đối với việc chuyển phát hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích phải được công khai tại các điểm phục vụ bưu chính và trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích.

Trường hợp doanh nghiệp bưu chính công ích hoặc nhân viên của doanh nghiệp bưu chính công ích làm cho bản chính hoặc bản gốc và các giấy tờ khác có trong hồ sơ chuyển phát đã bị mất, thất lạc, bị hư hỏng không thể khôi phục được thì doanh nghiệp bưu chính công ích phải có trách nhiệm khắc phục mọi hậu quả đã gây ra và chịu mọi chi phí phát sinh trong việc xin cấp lại hồ sơ, giấy tờ.

Tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng/năm

Đánh giá cao ý nghĩa, hiệu quả của dịch vụ tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua bưu điện, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC, Bộ Tư pháp từng phân tích: “Mỗi ngày toàn quốc có tối thiểu 600.000 giao dịch liên quan tới TTHC. Theo cách thức truyền thống, người dân, doanh nghiệp phải bỏ nhiều công sức, chi phí đến cơ quan hành chính để giải quyết TTHC rồi lấy kết quả. Nếu sử dụng dịch vụ trả kết quả giải quyết TTHC qua bưu điện, người dân, doanh nghiệp có thể đến điểm giao dịch bưu điện gần nhất hoặc ngồi tại nhà nộp hồ sơ cho cơ quan hành chính, bưu điện sẽ nhận trách nhiệm mang hồ sơ đó nộp cho cơ quan giải quyết TTHC, sau đó, bưu điện lại mang kết quả trả cho người dân. Dịch vụ trả kết quả giải quyết TTHC qua bưu điện tiết kiệm rất nhiều chi phí, công sức cho xã hội”.

Theo tính toán sơ bộ của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, doanh nghiệp duy nhất đang được giao nhiệm vụ quản lý, vận hành mạng lưới bưu chính công ích với mạng lưới gần 15.000 điểm giao dịch đến tận cấp xã, chỉ tính riêng năm 2015, đã có khoảng 9 triệu hồ sơ TTHC được tiếp nhận và trả kết quả qua đường bưu điện (các TTHC liên quan đến cấp chứng minh nhân dân, cấp phiếu lý lịch tư pháp, hộ chiếu, giấy phép lái xe, bảo hiểm xã hội...), đã tiết kiệm cho người dân tối thiểu 1.602 tỷ đồng. Bởi tổng chi phí khi trực tiếp nộp hồ sơ và nhận kết quả tại nơi giải quyết TTHC là trên 1.836 tỷ đồng, nhưng nếu sử dụng dịch vụ của bưu điện thì chi phí xã hội chỉ phải bỏ ra trên 234 tỷ đồng (bao gồm chi phí trực tiếp và chi phí gián tiếp liên quan đến giải quyết TTHC.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng khẳng định: "Việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức qua dịch vụ bưu điện không chỉ tiết kiệm chi phí và giảm thời gian đi lại cho người dân, giải quyết yêu cầu bức xúc của người dân, mà còn giảm tình trạng tiêu cực, sách nhiễu trong giải quyết TTHC".

Theo infornet

Có thể bạn quan tâm