Thời sự - Bình luận

Thủ tướng và cảm xúc làm việc từ những chuyến đi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong những chuyến công tác địa phương, trước khi làm việc với lãnh đạo tỉnh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đều có nhiều cuộc kiểm tra hiện trường, tiếp xúc trực tiếp với người dân để nắm bắt cụ thể tình hình mà không lệ thuộc vào các báo cáo để cảm nhận hơi thở nóng bỏng của cuộc sống, những nguyện vọng của địa phương, người dân, doanh nghiệp và nói như ông chia sẻ, để có thêm cảm xúc làm việc.

 

Thủ tướng thị sát công trường xây dựng cầu Như Nguyệt - Ảnh VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng thị sát công trường xây dựng cầu Như Nguyệt - Ảnh VGP/Nhật Bắc


Trong chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ ngày 12/6 tại Bắc Giang, đoàn công tác ngạc nhiên khi chiếc xe dẫn đường đi vào một ngõ nhỏ khá lầy lội, tới một địa điểm nằm ngoài chương trình công tác đã dự kiến.

Thực tế, đây là lần thứ hai Thủ tướng Phạm Minh Chính ghé vào kiểm tra hiện trường thi công mở rộng cầu Như Nguyệt nối hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, nằm trên tuyến cao tốc Hà Nội-Bắc Giang-Lạng Sơn.

Trước đó, vào tháng 11/2021, trên đường đi công tác Cao Bằng, ông cũng ghé qua đây. Khi đó, các công việc chưa được triển khai nhiều. Lần này, hình hài cây cầu đang dần hình thành với nhiều trụ móng đã được thi công, các công nhân miệt mài, khí thế làm việc.

Người dân ở khu vực này và những người có việc đi trên Quốc lộ 1A đoạn qua sông Như Nguyệt trên địa bàn, đều rất ngán cảnh kẹt xe như "cơm bữa" hằng ngày. Điều này ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế của tỉnh và cuộc sống của người dân.

Tại buổi làm việc sau đó với tỉnh Bắc Giang, trước lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương, Thủ tướng đã chia sẻ một số suy nghĩ liên quan tới việc thi công mở rộng cây cầu này.

Cao tốc Hà Nội-Bắc Giang-Lạng Sơn có vận tốc thiết kế tới 100 km/h, 4 làn xe cơ giới, nhưng trên tuyến hiện còn 2 vị trí là cầu Xương Giang và cầu Như Nguyệt chỉ có 2 làn xe. Khi mật độ giao thông trên tuyến Hà Nội-Bắc Giang ngày càng cao, cầu Như Nguyệt trở thành điểm nghẽn giao thông, "nút thắt cổ chai", ùn tắc thường xuyên. Để bảo đảm đồng bộ về quy mô khai thác, việc đầu tư mở rộng cầu Như Nguyệt là cần thiết, cấp bách.

Thủ tướng nhắc lại yêu cầu việc thi công công trình này phải bảo đảm công khai, minh bạch, tăng cường kiểm tra, giám sát, nhất là phát huy vai trò giám sát của HĐND, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, thi công "3 ca 4 kíp" để phấn đấu hoàn thành công trình trong thời gian sớm nhất, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phát triển, mong mỏi của người dân.

Thực tế thì trong các chuyến công tác địa phương, Thủ tướng luôn muốn tới tận hiện trường các dự án, tận mắt kiểm tra, khảo sát thực tế công việc còn tồn đọng, gặp khó khăn, vướng mắc nhiều năm để tìm giải pháp tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn phát triển, như nhà máy nhiệt điện Long Phú I tại tỉnh Sóc Trăng, dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê tại tỉnh Hà Tĩnh… Ông trăn trở khi có nhiều người lao động đã ở lại các dự án này nhiều năm ròng chưa biết ngày trở về. Thực tế, có dự án "đóng băng" nhiều năm nhưng đã chính thức hồi sinh với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, như Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 vừa hòa lưới điện quốc gia.

Cùng với đó, ông cũng tới thăm những vị trí, cơ sở có tiềm năng lớn nhưng còn "ngủ yên" như sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận) hay sân bay Nà Sản (Sơn La), những vị trí chiến lược như cảng biển Trần Đề (Sóc Trăng), tổ hợp Cà Ná (Ninh Thuận), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa)… để nghiên cứu phương án, giải pháp tốt nhất, khả thi nhất nhằm sớm "đánh thức" những tiềm năng này, tạo điều kiện cho địa phương phát triển bứt phá.

Đi thực tế địa phương không chỉ là câu chuyện "mắt thấy, tai nghe", "trăm nghe không bằng một thấy", như ông nhiều lần nhấn mạnh là phải tôn trọng thực tiễn, bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Thủ tướng muốn tới tận nơi có thêm cảm xúc làm việc. Tại công trường sân bay Long Thành, ông yêu cầu các chủ thể liên quan "phải bám sát công trường, ăn ngủ với công trường, yêu dự án này như con cái thì mới ra công trình được".

Ông cũng nhiều lần nói với các cấp, các ngành, khi lựa chọn nhân sự cho công việc, phải lựa chọn những người không chỉ có năng lực, trình độ mà còn phải có đam mê, say sưa, cảm xúc với công việc. Với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cũng như với nhiều tỉnh khác, ông mong muốn phải "xem việc công như việc của nhà mình". "Trước việc cháy nhà, chết người rồi, thì các đồng chí đừng bình chân như vại nữa", ông nói.

 

Thủ tướng tặng quà, động viên công nhân lao động - Ảnh VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng tặng quà, động viên công nhân lao động. Ảnh VGP/Nhật Bắc


Như tại công trường cầu Như Nguyệt, ông đã tận mắt thấy không khí lao động hăng say đầy khí thế của các công nhân. Điều này có được một phần nhờ sự quan tâm, sâu sát của lãnh đạo tỉnh. Đi khảo sát hàng loạt công trình trên cả nước, ông biểu dương đội ngũ công nhân đã làm việc "3 ca 4 kíp" ngày đêm, làm xuyên Tết để công trình hoàn thành sớm nhất.

"Tết đến nơi rồi mà lãnh đạo địa phương không quan tâm, không tới công trình thì công nhân họ cũng về nhà đón Tết thôi. Hoặc lãnh đạo có đến nhưng chỉ trao quà thật nhanh rồi đi, họ không cảm nhận được cảm xúc, tâm huyết của lãnh đạo thì họ cũng chỉ làm đối phó thôi", Thủ tướng chia sẻ với cấp dưới.

Ở một chiều khác, sự say sưa, tâm huyết với công việc không chỉ là yêu cầu với đội ngũ lãnh đạo, cán bộ nhà nước. Đối thoại với công nhân toàn quốc, khi anh công nhân Lê Văn Lượng nói cảm thấy "chạnh lòng" khi nhiều người xung quanh không đánh giá cao nghề công nhân, Người đứng đầu Chính phủ đã có những chia sẻ hết sức thân tình, mà mỗi người nghe đều cảm nhận được sự chân thành.

Ông nêu rõ, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc yêu cầu sự chung tay, đóng góp của tất cả mọi công dân và tất các lực lượng; mỗi người cũng đều có quyền tự do lựa chọn công việc phù hợp với năng lực, sở trường, sở thích, điều kiện cá nhân…

Mặt khác, khi chúng ta làm việc hết mình với đam mê, khát vọng và mong muốn được cống hiến nhiều nhất cho đất nước, có ích cho xã hội, cho gia đình và bản thân, với bất kỳ nghề nào mà làm được như thế thì đều cao quý.

"Mình phải tự hào về điều này, cứ kiên trì chúng ta làm. Cháu không phải băn khoăn, lo nghĩ gì cả. Và chắc chắn những người xung quanh cháu đều yêu quý cháu. Còn người ta có thể nói thế này kia thì cũng không thể tránh khỏi trong xã hội nhưng quan trọng nhất là BẢN LĨNH của mình, SỰ NỖ LỰC của mình, TRÁCH NHIỆM của mình", Thủ tướng nói.

"Cảm xúc" mà Thủ tướng nói tới hiển nhiên không phải là những cảm xúc thoảng qua, cảm tính, mà là tinh thần trách nhiệm cao nhất với công việc, luôn trăn trở với những vấn đề quốc kế dân sinh, những vấn đề mà thực tiễn đặt ra, băn khoăn với những vất vả, lo toan của các địa phương, của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư… "Trái tim nóng" luôn đi cùng "cái đầu lạnh", tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược, để làm đúng như cam kết của Chính phủ, của Thủ tướng khi ông nhậm chức: Luôn hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

 

https://baochinhphu.vn/thu-tuong-va-cam-xuc-lam-viec-tu-nhung-chuyen-di-102220614091704294.htm

Theo Hà Văn (Chinhphu.vn)

 

Có thể bạn quan tâm