Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Thư viện bậc tiểu học: Hình thành thói quen đọc sách cho học sinh Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đối với bậc tiểu học, đầu tư cho thư viện trường học chính là xây nền tảng nhằm hình thành thói quen đọc sách cho học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Thời gian qua, bằng những cách làm thiết thực, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai đã phát triển hệ thống thư viện trong các trường tiểu học.



Cứ mỗi tuần, 549 học sinh Trường Tiểu học Lê Văn Tám (xã Tú An, thị xã An Khê) đều hào hứng khi được tham gia 1 tiết hoạt động thư viện. Trong tiết học này, các em được tự do sáng tạo và tìm hiểu sách báo theo sở thích của mình. Cô Trương Thị Cẩm Thúy-Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: “Hiện nay, tại 2 cơ sở, nhà trường đều xây dựng thư viện với đầy đủ các đầu sách phục vụ nhu cầu của các em. Riêng cơ sở 2 đặt tại làng Nhoi có 89 em học sinh dân tộc thiểu số, nhà trường đã xây dựng thư viện mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc để tạo sự thân thiện, gần gũi như: treo cồng chiêng, khung cửi, thổ cẩm… Ngoài ra, nhà trường cũng tăng cường một số đầu sách và truyện tranh hấp dẫn để nâng cao khả năng tiếng Việt cho các em”.

 Mô hình thư viện ngoài trời ở các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh được các em học sinh rất yêu thích. Ảnh: T.D
Mô hình thư viện ngoài trời ở các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh được các em học sinh rất yêu thích. Ảnh: T.D



Tại Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (làng Hăng Ring, thị trấn Chư Sê), công tác thư viện cũng giữ vai trò quan trọng, góp phần phục vụ tốt công tác dạy và học cũng như các hoạt động khác của nhà trường. Thư viện trường có khoảng 1.000 cuốn sách các loại gồm: sách giáo khoa, sách tham khảo, báo, tạp chí, truyện tranh thiếu nhi... và nhiều tác phẩm tranh của học sinh tham gia các cuộc thi vẽ. Ngoài phòng đọc sách khang trang dành cho học sinh, nhà trường còn xây dựng thư viện xanh ngoài trời để tạo không gian mới lạ, thân thiện, thu hút học sinh đến đọc sách vào giờ ra chơi và các ngày cuối tuần. Em Nguyễn Trung Nhân-học sinh lớp 5C2-hào hứng nói: “Thư viện trường giúp em và các bạn có nguồn tài liệu tham khảo bổ ích, hỗ trợ cho các môn học. Trung bình mỗi tuần em ghé thư viện trường khoảng 5 lần để tìm đọc các loại sách và truyện tranh. Những giờ đọc sách ở thư viện luôn khiến em hứng thú”.

Ngoài ra, nhà trường còn chú trọng xây dựng “Thư viện góc lớp” và phát huy mô hình này như công cụ hỗ trợ tích cực trong việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số. Chị Trần Thị Thu Hiền-nhân viên Thư viện Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai-chia sẻ: “Ngoài việc xây dựng các hoạt động thu hút học sinh đến thư viện, tôi còn thường xuyên phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp tự làm đồ dùng dạy học từ những nguyên vật liệu sẵn có ở địa phương. Với học sinh dân tộc thiểu số, tôi phối hợp với các tổ chức, đoàn thể trong nhà trường, địa phương, với già làng và cha mẹ học sinh… trong việc tạo môi trường giao tiếp tiếng Việt, xây dựng góc học tập ở nhà cho các em. Như vậy sẽ tạo cho các em một môi trường đọc sách toàn diện”.

Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Đak Rong (xã Đak Rong, huyện Kbang) cũng có thư viện đang hoạt động khá hiệu quả. Ngoài thư viện chung của trường, ở mỗi góc sân trường còn có những nhà chòi mát mẻ, cảnh quan đẹp để làm điểm đọc sách thoáng đãng cho học sinh. Hiệu trưởng Phạm Quốc Tuấn cho hay: “Toàn trường có đến 391/416 học sinh dân tộc thiểu số. Bởi vậy, chúng tôi phải thật kiên trì trong việc thu hút học sinh đến với sách báo để hình thành văn hóa đọc, nâng cao chất lượng dạy và học. Để thư viện hoạt động hiệu quả hơn, ngoài việc thay đổi không gian đọc, nhân viên thư viện còn cùng với giáo viên tạo được sự hứng thú cho các em bằng nhiều cách làm sáng tạo như: biểu dương các em tham gia đọc sách nhiều trong tuần bằng những phần quà nhỏ; các học sinh lớp lớn sẽ hướng dẫn cách đọc cho các em lớp nhỏ...”.  Bên cạnh đó, “Thư viện góc lớp” do giáo viên chủ nhiệm quản lý cũng luôn dành 15 phút đầu giờ để các em tự do chọn đọc sách, báo, truyện tranh.

Hiện nay, 100% trường học trên địa bàn tỉnh đều có thư viện. Riêng bậc tiểu học có 141/279 trường có thư viện đạt chuẩn. Ông Nguyễn Văn Đông-Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo) thông tin: Hàng năm, Sở đều hướng dẫn các trường xây dựng và phát triển hệ thống thư viện trường học có đủ các điều kiện cơ bản như đội ngũ cán bộ thư viện, tài liệu chuyên môn, cơ sở vật chất... Qua đó, các trường đã phát huy vai trò của thư viện trong công tác tự học, tự bồi dưỡng của giáo viên và học sinh; chủ động đón đầu, tiếp thu sự phát triển của công nghệ thông tin, đưa trang-thiết bị hiện đại vào công tác quản lý thư viện và phục vụ học sinh. Đồng thời, thu hút giáo viên và học sinh tham gia các hoạt động của thư viện bằng những hình thức phong phú, sinh động, như: tổ chức các chuyên đề trưng bày, triển lãm sách, thảo luận sách, bình sách, giới thiệu mô hình thư viện thân thiện...

 TRẦN DUNG

Có thể bạn quan tâm