Thời sự - Bình luận

Thừa nhận để khắc chế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Lo ngại  là hiển nhiên, bởi bạo lực ở tuổi nhỏ dễ dẫn đến những hậu quả nặng nề.

Thật ra, bạo lực học đường thời nào cũng nghiêm trọng, kể cả ở những quốc gia phát triển, chỉ là thông tin về nó, cách xử lý và cảm xúc xã hội khác nhau qua thời gian. Vài thập kỷ trước, học sinh đánh nhau ở trường học là… bình thường. Đuổi học khi gây hậu quả nghiêm trọng cũng… bình thường. Những điều đó khó chấp nhận trong môi trường giáo dục và cả trên bình diện xã hội hiện nay, bởi nó đi ngược lại với mục tiêu nâng chất lượng giáo dục và tiêu chí phát triển toàn diện con người. Nhưng dù thế nào cũng phải thừa nhận thực tế rằng bạo lực học đường đang gây bất an cho cả học sinh và phụ huynh.

Thật khó giải quyết tình trạng bạo lực học đường khi mà tâm lý chung của hầu hết ban lãnh đạo các trường hiện nay là không thừa nhận có bạo lực học đường. Và cả các cơ quan quản lý giáo dục cũng không muốn thống kê con số bạo lực học đường hiện diện trong báo cáo hằng năm.

Với tiêu chí thi đua hằng năm, nếu trường nào để xảy ra bạo lực chắc chắn thành tích bị ảnh hưởng, trường bị hạ bậc xếp loại. Khi có bạo lực xảy ra thường thì nhà trường tìm sự thỏa thuận giữa phụ huynh, có hình thức xử lý tượng trưng hoặc cùng lắm là gợi ý phụ huynh cho con em chuyển trường mà không tìm cách giải quyết căn cơ để tránh những hậu quả đáng tiếc. Còn nhớ vụ một nữ sinh lớp 10 ở TP Vinh, tỉnh Nghệ An báo với gia đình là bị bạo lực ở trường vào tháng 4-2023. Phụ huynh báo nhà trường nhưng vụ việc không được giải quyết đến nơi đến chốn. Gia đình chưa kịp chuyển trường cho con thì em đã nghĩ quẩn...

Kinh nghiệm của một số nước phát triển chính là lập kế hoạch để học sinh bày tỏ mọi suy nghĩ, nhất là về vấn đề bạo lực. Tập trung giảng dạy, thực nghiệm các môn học về cảm xúc xã hội. Khi hành vi bạo lực xảy ra, hội đồng trường lập tức vào cuộc làm việc với cả học sinh và gia đình. Những vụ việc nghiêm trọng, cảnh sát sẽ tham gia, nếu hậu quả nghiêm trọng và học sinh đủ tuổi có thể sẽ đưa vào trường giáo dưỡng hoặc chịu trách nhiệm hình sự. Đừng tưởng những nước tiên tiến không dùng hình phạt nặng trong trường học: nhiều bang ở Mỹ vẫn sử dụng phạt đòn; Hàn Quốc vẫn chấp nhận đánh roi học sinh vi phạm nặng ở Seoul và Gyeong-gi…

Giải quyết bạo lực học đường chưa bao giờ là trách nhiệm của riêng nhà trường, bởi hành vi trên là hệ quả của cả quá trình giáo dục từ gia đình, nhà trường và cả xã hội. Trước hết, phải dũng cảm thừa nhận nó đang hiện hữu rất đáng lo ngại ở nhiều cấp học và cần đưa vào chương trình giám sát của từng cơ sở giáo dục, đến cấp quản lý địa phương và cấp quốc gia. Từ đó mới có thể có các kế hoạch cụ thể, lâu dài và cả ngắn hạn xuyên suốt từ trung ương đến địa phương.

Hậu quả của bạo lực luôn nặng nề và theo suốt quãng đời còn lại của học sinh. Từ bạo lực trong nhà trường đến bạo lực ngoài xã hội là khoảng cách rất mong manh. Đây không còn là vấn đề của riêng ngành giáo dục.

Có thể bạn quan tâm